✴️ Vị thuốc Mía dò

1. Mô tả

  • Cây thảo,sống lâu năm, cao 1 – 2m, có khi đến 3m. Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15 – 20cm, rộng 6 – 7cm, gân chính nổi rõ. Lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ sẫm; lưỡi bẹ phẳng hoặc hơi vát.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông chuỳ, dài 8 – 13cm, rộng 5 – 9cm; lá bắc dày, xếp lớp, màu đỏ, có mũi nhọn, lá bắc con kề bên, cùng màu; đài hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng màu đỏ sẫm; tràng hình phễu, có ống ngắn và cong màu trắng, họng vàng, nhẵn hoặc có lông; nhị dạng cánh mang một bao phấn, chỉ nhị kết hợp vối trung đới kéo dài thành một phần phụ hình trứng đào hẹp, đầu tròn cong lòng máng ôm lấy vòi nhuỵ; cánh môi to, màu hồng, trắng hoặc vàng, khía răng ở đầu; bầu nhẵn hoặc có lông.
  • Quả nang hình trứng hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, , màu đỏ sẫm, có đài tồn tại; hạt nhiều, có cạnh không đều, màu đen. Mùa hoa quả: tháng 7-11.

Loài này còn có một thứ là Costus speciosus (Koenig) Smith var.argyrophyllus Wall, với đặc điểm là mặt dưới lá màu lục nhạt phủ lông dài và dày hơn. Lá bắc, đài hoa, bầu và quả có lông cứng, nhỏ màu hung xám. Cây có công dụng tương tự: Mía dò hoa gốc (Costus tonkinensis Gagnep.) cùng họ. Đó là một cây thảo, phân nhánh nhiều. Lá già mọc theo đường xoắn ốc, hai mặt nhẵn. Cụm hoa mọc từ thân rễ, lúc đầu nằm ngang sau vươn thẳng; hoa có kích thước nhỏ hơn hoa mía dò, cánh môi màu vàng tươi.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Costus L. có khoảng 175 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 2 loài và một thứ. Mía dò chỉ thấy phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Xrilanca, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Việt Nam, các tỉnh Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam. Ở Việt Nam, cây phân bố rộng rãi ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi, trung du và cả đổng bằng.

Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc thành khóm lớn trên đất ẩm, xen với các cây cỏ khác ở ven rừng, ven bờ sông suối, bờ nương rẫy. Ở vùng đồng bằng ít gặp hơn, trong các lùm bụi quanh làng hay vườn đã bị bỏ hoang lâu ngày. Các tỉnh có nhiều mía dò là: Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Ở miền Nam cây mọc trên các bờ kênh rạch. Độ cao phân bố của cây rất rộng, từ vài chục mét đến gần 1500m.

  • Mía dò là cây sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa xuân – hè. Từ thân rễ, hàng năm mọc ra nhiều chồi theo hướng nằm ngang. Loại chổi này mọc thành cây và có thể ra hoa quả ngay trong năm đầu tiên. Sau khi quả già, phần trên mặt đất thường lụi đi. Cá biệt có trường hợp cây không lụi, nhưng lại mọc chồi ở nách lá. Quả mía dò khi già tách thành 3 mảnh để hạt thoát ra ngoài. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào tháng 3-4 hàng năm. Mía dò có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Các đoạn thân khi sinh cũng như các đoạn thân rễ đều có thể tạo thành cây mới. Nguồn trữ lượng mía dò ở Việt Nam rất dồi dào, ước tính đến hàng ngàn tấn.

3. Cách trồng

Mía dò đã được nghiên cứu trồng ở Trại cây thuốc Văn Điển và một số địa phương vào cuối những năm 70 đến những năm 80.

Nhân giống:

Mía dò có thể nhân giống bằng hạt, đoạn thân hoặc rễ củ. Cây trổng từ hạt sinh trưởng chậm, củ nhỏ, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Trong sản xuất người ta áp dụng phương pháp nhân bằng đoạn thân hoặc bằng rễ củ.

  • Vào tháng 12, chọn những thân 1 năm tuổi, cắt thành đoạn dài 20 – 25cm, chứa 2-3 mắt, nhúng vào nước vôi trong khoảng 15 phút, vớt ra để ráo, rồi đem trổng hoặc ủ trong cát ẩm cho nảy mầm.
  • Trong quá trình ủ không tưới quá ẩm dễ làm thối hom giống. Hoặc lấy đoạn thân rễ có ít nhất 2 mầm ngủ khoẻ, nặng 40 – 80g để ủ mầm.
  • Không dùng đoạn thân rễ dưới 40g hoặc trên 80g. Nếu đoạn giống nhỏ quá, cây mọc yếu vì không đủ chít dinh dưỡng dự trữ trong thời gian đầu; hoặc to quá, trồng sẽ lâu mọc vì thời gian ngủ nghỉ của mầm kéo dài. Một hecta cần 2 – 2,5 tấn củ giống.

Làm đất:

Thời vụ trồng mía dò ở miền Bắc tốt nhất là tháng 2-3. Chọn đất cao, nhẹ, thoát nước và giữ ẩm tốt. Đất dược cày bừa kỹ, dể ải, lên luống cao 20 – 25cm, rộng 80 – 120cm. Ở sườn đồi, bãi ven sông hoặc đất dốc thoát nước, có thể trồng thành vạt, không cần lên luống.

Mật độ:

  • Khoảng cách trồng thường 3x40cm, 40x40cm hoặc 40x50cm, tuỳ theo độ phì của đất. Mỗi hecta cần bón lót 20 tấn phân chuồng mục, 270 – 400kg supe lân và 100 – 150kg kali.
  • Hom giống được trồng sâu 8 – 10cm, lấp đất và tưới ngay. Nếu có điều kiện, dùng rơm, rác phủ trên mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Tưới tiêu:

Sau khi cây mọc, chỉ cần tưới khi trời quá khô hạn, nhưng phải chú ý thoát nước nhanh sau mỗi trận mưa lớn. Lúc cây còn nhỏ, cần làm cỏ 1 – 2 lần, về sau cây lớn có khả năng lấn át cỏ dại.

Bón phân:

  • Vào tháng 5 – 6, trước mùa cây sinh trưởng mạnh, cần bón thúc cho mỗi hecta 100 – 150kg đạm. Khi cây ngủ đông, làm vệ sinh đồng ruộng, chặt bỏ những cây gầy, đổ, thu dọn lá già, lá héo, bổ sung thêm 10-15 tấn phân chuồng, 150kg supe lân và 100 kg kali.
  • Sang xuân, cây tái sinh và mọc thêm mầm mới. Đến tháng 5-6, lại bón thúc cho mỗi hecta 100kg đạm.

Thu hái:

Mía dò không có sâu bệnh gì đáng kể. Cây trồng được 18-20 tháng cho thu hoạch thân rễ. Thu lúc cây bắt đầu ra hoa (tháng 8) tuy tỷ lệ diosgenin cao, nhưng năng suất thân rễ còn thấp, nước còn nhiều. Thu muộn hơn, lúc cây đã ngủ đông (tháng 11), tỷ lệ diosgenin giảm nhưng năng suất lại cao, hàm lượng nước cũng ít.

 4. Bộ phận dùng

Thân rễ, búp non, cành non. Thân rễ, thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái phiến phơi hay sấy nhẹ cho khô. Nếu thân rễ khô phải ủ cho mềm rồi thái phiến. Dùng lửa nhỏ sao đến khi bề mặt phiến có màu vàng. Búp và cành non dùng tươi.

5. Thành phần hoá học chính:

Saponin steroid (Diosgenin, tigogenin).

6. Tác dụng dược lý

  • Tác dụng chống viêm: Ở cả hai giai đoạn viêm cấp tính và mạn tính, cao mía dò đều có tác dụng chống viêm rõ rệt. Trên các mô hình viêm cấp như gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng cauagenin (0,8%), cao mía dò với các liều 0,15g/kg và 0,25g/kg ức chế phù đạt 32% và 58,5%. Trên mô hình gây phù bằng kaolin với những liều dùng trên mức độ ức chế phù đạt 49,7% và 52%; còn trên mô hình gây viêm nội khớp thực nghiệm trên chuột cống trắng, cao mía dò với liều 0,25g/kg ức chế hiện tượng sưng khóp đạt 55,6%. Ở giai đoạn viêm mạn tính với mô hình gây u hạt thực nghiệm trên chuột trắng; cao mía dò với các liều 0,75g/kg và 1,25g/kg làm giảm trọng lượng u hạt 29,5% và 47,2%.
  • Tác dụng gáy thu teo tuyến ức: Thí nghiêm trên chuột cống trắng đực còn non, cao mía dò tiêm dưới da với liều 0,3g/kg và 0,5g/kg làm giảm trọng lượng tuyến ức 34,5% và 49,7% so với lô đối chứng.
  • Tác dụng giảm đau: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, gây đau nội tạng (douleur viscérale) bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch acid acetic, cao mía dò với các liều 0,17g/kg và 0,25g/kg có tác dụng làm giảm số lần quặn đau 48,8% và 60% so vói lô đối chứng.
  • Ảnh hưởng của cao mía dò đổi với sự sinh sản: Thí nghiệm được tiến hành trên chuột cống trắng, cả đực và cái, cao mía dò dùng liều hàng ngày 0,7g/kg trong 10 ngày liên tục. Khi bắt dầu dùng thuốc cho chuột giao phối, theo dõi tỷ lệ chuột có chửa, tình hình sinh đẻ, sổ lượng và quá trình phát triển của chuột con. Kết quả cho thấy so với lô đối chứng, cao mía dò không ảnh hưởng đến sự sinh sản của chuột.
  • Về độc tính: Đã tiến hành xác định độc tính cấp và mạn của cao mía dò. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, bằng đường uống, cao mía dò có LD50 = 7,28g/kg (5,38 – 9,82g/kg). về độc tính mạn, liều dùng hàng ngày 0,3g/kg trong 30 ngày liên tiếp, được tiến hành trên thỏ không gây ảnh hưởng đến cân nặng, các chỉ số huyết học và công năng gan, thận. Theo tài liệu nước ngoài (Pandey V.B), hỗn hợp saponin chiết được từ mía dò có tác dụng chống viêm rõ rệt, tương đương với tác dụng của p – methason. Thí nghiệm trên chuột cống cái đã cắt buồng trứng, hỗn hợp này làm tăng trọng lượng tử cung một cách có ý nghĩa.

7. Tính vị, công năng

Mía dò có vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm.

8. Công dụng

  • Ngọn hay cành non mía dò đem nướng, rồi vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai. Thân, rễ mía dò chữa sốt đái buốt, đái nước tiểu vàng, viêm bàng quang. Ngày dùng 5-10g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá lành ngạnh chữa bí tiểu tiện, với mộc tặc chữa đái đục, với cỏ xước, cà gai leo, thổ phục linh chữa tê thấp, nhức xương. Dùng ngoài, thân rễ mía dò giã đắp chữa rắn cắn.
  • Ở Trung Quốc, người ta dùng mía dò chữa viêm thận, phù thũng, xơ gan cổ trướng, tiểu tiện không thông, mề đay. Ở Ấn Độ mía  dò được dùng làm thuốc chữa sốt, bệnh ngoài da, rắn cắn. Ở Indonesia mía dò chữa các bệnh về mắt.Ở Lào và Malaysia, dịch hãm hoặc nước sắc của lá mía dò là thuốc ra mồ hôi hoặc dùng làm nước tắm cho bệnh nhân sốt cao. Ở Malaysia, người ta còn dùng mía dò với trầu không để chữa ho.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top