✴️ Vị thuốc Phá cố chỉ

A. Mô tả cây 

Cây nhỏ mọc hằng năm, cao 0,3-1m. Trên thân có lông trắng, lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, đáy lá tròn, mép có răng cưa dài 6-9cm, rộng 5- 7cm, cuống lá dài 2-4cm, có lá kèm. Hoa mọc thành chùm dài 6-10cm ở kẽ lá, cành hoa màu vàng nâu nhạt. Quả hình trứng màu đen dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình thận hay hình trứng dẹt dài 5mm, rộng 3mm có màu nâu đen hay đen. Trên mặt hạt có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm, mùi thơm, vị cay .

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Cây nguồn gốc ở Ấn Độ. Có mọc ở Việt Nam nhưng ít khai thác.
  • Gần đây, ta di thực từ Trung Quốc, cây mọc khỏe. Gieo hạt vào mùa xuân, phủ ít đất lên. Sau nửa tháng cây mọc, mỗi cây trồng cách nhau 10-29cm. Vào mùa thu quả chín hái về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch vỏ và đất cát là được. Khi dùng để nguyên hoặc sao, hoặc tẩm muối rồi mới sao khô.

C. Thành phần hóa học 

  • Trong hạt phá cố chỉ có khoảng 20% chất dầu, một ít tinh dầu trong đó có psoralen, isopsoralen (angelixin), ancaloit, glucozit và 9,2% chất nhựa.
  • Hoạt chất là tinh dầu, có tác dụng đối với vi trùng streptocoe trên da, dùng chữa bệnh bạch biến vì nó kích thích sự bài tiết các sắc tố đen.

D. Công dụng và liều dùng

  • Theo tài liệu cổ, phá cố chỉ có vị cay, đắng, tính đại ôn, vào 3 kinh tỳ, thận và tâm bào. Có tác dụng bổ mệnh môn tướng hỏa nạp thận khí, là thuốc cường tráng dùng chữa các chứng ngũ lao, thất thương, cốt tủy thương bại, phụ nữ khí huyết xấu, trụy thai, tỳ thận hư hàn, đái són, lưng gối lạnh đau. Phàm những bệnh âm hư hỏa động đi tiểu ra huyết, máu đỏ, đại tiện táo kết không dùng được.
  • Phá cố chỉ là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi dân gian, làm thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh.
  • Phụ nữ dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, khí hư. Hạt ngâm rượu, dùng bôi ngoài da chữa bệnh bạch biến. Ấn Độ dùng làm thuốc chữa hủi, bệnh ngoài da.
  • Liều dùng: Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

E. Đơn thuốc có phá cổ chỉ 

  1. Chữa bệnh đi đái nhiều, tinh khí không kiên định: Phá cố chỉ (ngâm rượu rồi sao) 100g, tiểu hồi (sao) 100g. Tán nhỏ, trộn đều, làm thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-5g viên này.
  2. Bài thuốc chữa ho lao: Phá cố chỉ 400g, tẩm rượu một đêm rồi phơi khô. Sau đó lấy một nắm vừng trộn lẫn với phá cố chỉ rang lên cho đến khi vừng hết nổ (tiêu chuẩn giúp cho ta biết khi nào là được vì vị phá cố chỉ màu đen không biết như thế nào là vừa). Sàng bỏ vừng đi. Lấy phá cố chỉ tán thành bột, làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên chia làm 2-3 lần uống. Chữa chứng ho, một, người gầy yếu hay ra mồ hôi.
  3. Thất bảo mỹ nhiệm đơn: Hà thủ ô 300g, Đương quy (rửa với rượu) 300g, Phá cố chỉ 160g, Bạch linh 300g, Ngưu tất 300g, Câu kỷ tử (tẩm rượu) 300g, Thỏ ty tử (tẩm rượu sao) 300g.

Cách dùng: 
• Hà thủ ô trộn với đậu đen, 9 lần chưng, 9 lần phơi.
• Bạch linh trộn với sữa, sao.
• Ngưu tất tẩm rượu chưng chung với Hà thủ ô ở lần thứ 7 về sau.
• Phá cố chỉ trộn với Mè đen sao qua.
Tất cả đều sao tán nhỏ, luyện mật làm hoàn, làm thuốc tễ 10g/1 hoàn. Mỗi lần uống 2 hoàn trước khi đi ngủ.
Tác dụng: Bổ thận tráng dương, ích tinh bổ khí huyết. Bài thuốc được dùng chữa các chứng khí huyết bất túc sau khi mắc bệnh lâu ngày. Trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chân tay tê dại, phụ nữ băng huyết, đới hạ, khí huyết hư nhược, nam giới suy sinh dục không có con, di tinh, hoạt tinh đều dùng có hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top