✴️ Vị thuốc từ Yến

A. Mô tả

  • Hải yến giống con chim én, nhưng lông không đẹp, hót không hay, mình nhỏ cánh dài và nhọn, đuôi ngắn, mỏ cong, lông ở lưng và bụng màu xám, lông đuôi và cánh đen như huyền do đó người ta thường gọi loại yến này là “huyền điểu” hay “hải yến” hoặc du hà ưu điểu.
  • Nhiều loại yến khác cũng được khai thác, tất cả đều nhỏ và thân thường chỉ dài 9-10cm, con cái to hơn con đực, nặng chỉ khoảng 7-10g, đầu mỏ hơi cong, ngón chân có màng, cánh nhỏ dài, thường bơi lội trên mặt nước hoặc bay lướt trên mặt nước đớp lấy động vật trong biển hoặc đồ ăn ở tàu thuyền vứt bỏ để làm thức ăn. Đừng nhầm chim én mình thon, mỏ rộng đuôi dài và chẽ thành hình chữ V tuy thuộc cùng họ nhưng khác loài và không cho yến, vì không làm tổ bằng chất dãi như chim yến nói trên.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Chim yến cho yến sống rải rác ở hải đảo vùng đông nam châu Á, Indonexia, philipin, miền nam Trang Quốc. Ở Việt Nam chim yến sống nhiều ở ven biển từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Có ba vùng đặc biệt nổi tiếng: Cù lao Chàm, Mũi Né và vùng biển thuộc tỉnh Khánh Hòa, tại những vùng này yến sống rất đông ở nhiều đảo, nhưng yến thường ở tai những nơi rất hiểm hóc vì vậy muốn tìm và đến được nơi yến làn tổ phải rất kiên nhẫn và dũng cảm.
  • Người ta tìm tổ yến để lấy “yến sào”. Yến sào tức là cái tổ của con chim yến. Ở đây yến sống và sinh nở. Nhưng khác với những loài chim khác đến mùa sinh đẻ thương tha rác, cành cây về làm tổ thì chim yến làm tổ bằng chất nước dãi của mình. Vào đầu tháng tư yến làm xong tổ vào thời kí này cũng là bắt đầu mùa thu hoạch tổ yến đầu tiên. Nếu thu hoạch kịp thì chim yến mất tổ, còn thời hian làm lại tổ khác. Đợt làm tổ thứ hai này kéo dài 2-3 tháng, kịp vào tháng 6 là mùa yến sinh nở. Yến đẻ trứng sau 25 ngày trứng nở, chờ sau 75 ngày cho yến non đủ lớn mới nên lấy tổ. Đợt thu hoạch tổ này kém vụ thứ nhất do mồi là thức ăn chính của yến ít đi. Tùy theo màu sắc người ta phân biệt tổ yến.

– Mao yến là tổ của hải yến lúc đầu mới làm để đẻ trứng. Vì khí hậu còn lạnh, trong tổ có nhiều lông yến màu tro đen, hình tổ hơi giống hình bán nguyệt, mặt bám vào hang đá thì tương đối bằng, mặt hướng ra ngoài hơi vồng lên, dài 6-10cm, rộng 3-5cm, mặt trong lõ vào, bên ngoài màu tro trắng, lẫn lộn nhiều lông yến, toàn thể do nhiều lớp sợi xơ chồng lên mà thành. Mỗi tổ yến chỉ nặng khoảng 10g.
– Bạch yến hay quan yến: là tổ có lông lần đầu tiên bị lấy mất con yến làm lại tổ lần thứ 2, màu trắng tinh, nửa trong suốt, mặt lưng lồi lên tương đối bằng, trơn, thỉnh thoảng cũng có lông yến lẫn vào, hình dáng lớn nhỏ cũng giống như mao yến thứ này phẩm chất rất tốt.
– Huyết yến: về hình dáng kích thước cũng như bạch yến chỉ khác ở chỗ có sợi xơ màu huyết đỏ nâu. Người ta cho rằng do khi con mẹ thả dãi làm tổ, trong dãi yến mẹ có lẫn máu. Yến huyết rất hiếm và rất quý. Người ta tính trên một đảo yến, một vụ chỉ thu được 2-3 kg huyết yến là cùng.
Người ta còn dựa vào màu sắc để phân biệt ra yến thiên là yến có màu vàng, yến địa là yến có màu xám hơi nham nhở xù xì, yến bài là loại tổ yến đang làm dở.

C. Thành phần hóa học

  • Phân tích tổ yến người ta thấy có gần 50% chất protid, 30,55% glucid và 6,19% tro.
  • Trong protid thấy có 2,7% histidin, 2,7% acginin, 2,4% xystin, 1,4% tryptophan và 5,6% tyrosin. Trong tro có phospho, sắt, kali và canxi, hoạt chất chưa rõ.

D. Công dụng và liều dùng

  • Theo tài liệu cổ thì yến sào được ghi đầu tiên trong “Bản thảo cương mục thập di”. Tính chất của yến sào được ghi là vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế và vị. Tác dụng của nó là nuôi phế âm, tiêu đờm hết ho.
  • Thường dùng chữa hư yếu, ho lao, sốt từng cơn, hen suyễn, thổ huyết. Thường dùng làm món ăn bổ trong những bữa tiệc lớn. Yến sào dùng làm thuốc bổ dưỡng, chữa gầy yếu ho hen, lao, thổ huyết.
  • Ngày dùng 6-12g, dưới dạng thuốc sắc: cho yến sào vào túi vải, thêm nước vào đun sôi, để lắng mà uống.
  • Theo tài liệu cổ thì đối với những người biểu tà, vị hư hàn không dùng được.

E. Bài thuốc món ăn có yến sào

  • Yến sào kỷ tử: Yến sào 10g, kỷ tử 15g, đường kính 100 g. Yến sào ngâm rửa sạch, cho nước đun sôi cho nở ra, cho tất cả yến sào, kỷ tử và đường kính trong một xoong với lượng nước thích hợp, đun cách thuỷ 30 phút. Dùng cho các trường hợp viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản.
  • Yến sào pha sữa bò: Yến sào 10g, ngâm nước cho mềm, đun cách thủy cho chín, cho thêm 250ml sữa bò, khuấy đều cho sôi. Dùng cho các trường hợp viêm dạ dày, viêm ruột có nôn ói, nấc cụt và các bệnh nội khoa có nôn ói.
  • Yến sào đỗ trọng hấp đường: Yến sào 4g, đỗ trọng 15g, đường kính 100g. Yến sào ngâm nước sôi cho mềm trước, tất cả cùng nấu trong 30 phút, khuấy lắc đều, lấy nước uống. Dùng cho thai phụ ho nấc, nôn ói; do có tác dụng an thai hoà vị, chỉ ẩu.
  • Yến sào bạch cập: Yến sào 12g, bạch cập 12g. Đun nhỏ lửa, hầm kỹ. Lọc lấy nước, thêm đường phèn, đun cho tan. Uống 2 lần trong ngày. Chữa ho ra máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top