✴️ Bệnh viêm loét dạ dày

Nội dung

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh đường tiêu hóa phổ biến có tỷ lệ người mắc cao. Bệnh viêm loét dạ dày nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!

 

Bệnh viêm loét dạ dày là gì?

Bệnh viêm loét dạ dày là một tổn thương hở xảy ra trên lớp niêm mạc dạ dày. Đây là căn bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến trên thế giới. Viêm loét dạ dày là bệnh lý mạn tính rất dễ tái phát, làm giảm chất lượng cuộc sống  và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày…

Viêm loét dạ dày tá tràng là một tổn thương hở xảy ra trên lớp niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng.

 

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều chất béo, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài, ăn nhiều gia vị chua – cay- nóng, uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá, ăn uống thất thường, không nhai kỹ, bỏ bữa…

  • Do thuốc và các hóa chất: Thường gặp là acid, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid…

  •  Do nhiễm trùng: Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng (DDTT).

  •  Bệnh viêm loét dạ dày thường hay gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, stress…

  •  Do nội tiết: Bệnh đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan…

Các nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng

 

Dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày

- Đau bụng âm ỉ

- Cơn đau bụng có tính chu kỳ, tuy nhiên thường xảy ra khi đói hoặc vài giờ sau bữa ăn

- Đau bụng giảm đi sau khi ăn hoặc uống thuốc giảm tiết acid dạ dày

- Giảm cân và chán ăn

- Buồn nôn, nôn

- Thường xuyên đầy hơi hoặc ợ hơi

Khuyến cáo của các bác sĩ là khi có những dấu hiệu bệnh kể trên, bạn nên tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, bác sỹ có thể chỉ định người bệnh làm nội soi dạ dày và làm các xét nghiệm kiểm tra nhiễm khuẩn Hp.

 

Những đối tượng dễ bị viêm loét dạ dày

  • Người thường xuyên uống rượu bia và các loại đồ uồng chứa cồn khác

  • Người nghiện thuốc lá

  • Người thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm

  • Người bị thừa canxi huyết

  • Những người có tiền sử viêm loét dạ dày

  • Người trên 50 tuổi

  • Người bị thiếu máu…

 

Các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng gồm:

- Xuất huyết dạ dày

- Thủng dạ dày

- Ung thư dạ dày

- Hẹp môn vị

Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày, người bệnh bị viêm loét dạ dày tá tràng cần tiến hành thăm khám sớm và chữa trị kịp thời, đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhanh chóng hồi phục, hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân viêm loét dạ dày

Bệnh viêm loét dạ dày chủ yếu do vi khuẩn hP gây nên. Vi khuẩn này lây theo đường ăn uống. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu giúp phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày không nên dùng chung bát, đũa, thìa, dĩa hoặc phải tráng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch.

Không được mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào.

Không tự ý điều trị, tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Không lạm dụng rượu bia, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh.

Tránh những căng thẳng, stress,…

Tái khám thường xuyên theo hẹn của bác sĩ. Duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top