✴️ Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế (P1)

Nội dung

Ban hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế)

ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Vi rút này thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn. Đến tháng 7 năm 2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 07 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại Châu Âu, Châu Phi, Anh và Ấn Độ; riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay nước ta đã ghi nhận 02 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh), trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.

Bệnh COVID-19 lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Phần lớn (hơn 60%) người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Đối với người mắc bệnh có triệu chứng thì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng có thể từ nhẹ đến nặng như: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi. Đến nay, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hướng dẫn tạm thời này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

 

HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT

Định nghĩa ca bệnh, người tiếp xúc

Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát)

Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ca bệnh xác định (F0)

Là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của vi rút được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Người tiếp xúc gần (F1)

Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0, cụ thể như sau:

Đối với F0 có triệu chứng: Trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

Đối với F0 không có triệu chứng:

Nếu F0 đã xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:

Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.

Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.

Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.

Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông,...

Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Định nghĩa ổ dịch

Ổ dịch: là nơi lưu trú (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) của ca bệnh xác định trước khi khởi phát hoặc trước khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định.

Ổ dịch chấm dứt hoạt động: khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế.

Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm: Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo.

Thông tin, báo cáo

Tổng hợp số liệu báo cáo hàng ngày ở các tuyến:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Trạm Y tế xã, phường quản lý danh sách và theo dõi tình trạng sức khỏe của các ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ, người có tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, số người cách ly trên địa bàn quản lý (bao gồm tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo số liệu tổng hợp theo Biểu mẫu 7, Phụ lục 5 và báo cáo danh sách ca bệnh xác định, ca nghi ngờ mắc bệnh theo Biểu mẫu 4, Phụ lục 5 gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 14 giờ 00 hàng ngày.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur quản lý danh sách và cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của các ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ, số người tiếp xúc gần, số người cách ly trên địa bàn khu vực phụ trách; báo cáo số liệu tổng hợp theo Biểu mẫu 7, Phụ lục 5 và báo cáo danh sách ca bệnh xác định, ca nghi ngờ mắc bệnh theo Biểu mẫu 4, Phụ lục 5 gửi Cục Y tế dự phòng trước 15 giờ 00 hàng ngày.

Các cơ sở xét nghiệm bao gồm cả Bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân phải báo cáo số liệu xét nghiệm (gồm cả kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số đã xét nghiệm…) gửi các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trước 13 giờ 00 hàng ngày. Các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố báo cáo về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 14 giờ 00 hàng ngày. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp báo cáo kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số đã xét nghiệm… theo Biểu mẫu 8, Phụ lục 5 gửi Cục Y tế dự phòng trước 15 giờ 00 hàng ngày.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường đánh giá, phân tích tình hình dịch COVID-19 và nhận định, dự báo, đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn phụ trách gửi báo cáo về Cục Y tế dự phòng trước 14h00 thứ Hai hàng tuần. Cục Y tế dự phòng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo Quốc gia trước 17 giờ 00 hàng ngày.

Đối với mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định, đơn vị xét nghiệm cập nhật ngay thông tin ca bệnh và kết quả xét nghiệm vào hệ thống cấp mã số bệnh nhân tự động của Bộ Y tế và thông báo kết quả cho đơn vị gửi mẫu xét nghiệm, đồng thời báo cáo cho Sở Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thuộc địa bàn quản lý.

Đối với mẫu xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV- 2, đơn vị xét nghiệm thông báo kết quả cho đơn vị gửi mẫu xét nghiệm.

Thực hiện thông tin, báo cáo đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Không đến các vùng có dịch bệnh. Thực hiện 5K (Khẩu trang, Khai báo y tế, Không tụ tập, Khoảng cách, Khử trùng), trong trường hợp đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng cách,…

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc.

Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng; không nên đến nơi tập trung đông người. Học sinh, sinh viên, người lao động khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm và thông báo ngay cho cơ quan y tế.

Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng ít nhất 40 giây hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường (chứa ít nhất 60% độ cồn) ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

Tăng cường thông khí khu vực nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

Thường xuyên vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy… bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với xà phòng, chất tẩy rửa thông thường; hóa chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thường xuyên vệ sinh, khử trùng phương tiện giao thông: tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô, ...

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng chỉ định và đúng hướng dẫn để phòng bệnh theo quy định.

Kiểm dịch y tế biên giới

Thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh và áp dụng quy định về khai báo y tế theo Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc cách ly và xử lý y tế tại cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch

Các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng chống dịch của địa phương theo phương châm 4 tại chỗ.

 

CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH

Các biện pháp chung

Điều tra, truy vết F1, F2

Yêu cầu thực hiện thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh.

Thực hiện truy vết theo nguyên tắc, cách thức tại “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính” của Bộ Y tế.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng chống dịch

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại cộng đồng ở khu vực có ổ dịch để đáp ứng chống dịch và đánh giá, theo dõi tình hình ổ dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhóm người nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao trong cộng đồng ngoài ổ dịch để đánh giá và nhận định tình hình dịch chung tại cộng đồng.

Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, quy mô cũng như quy trình lấy mẫu cho phù hợp.

Cách ly và xử lý y tế

Ca bệnh xác định

Thu dung, cách ly, quản lý và điều trị bệnh nhân theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân để tránh lây lan trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.

Người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1):

Tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho người tiếp xúc gần vì những người này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn các đối tượng cách ly tập trung khác. Trong trường hợp không có cơ sở cách ly riêng thì trong cơ sở cách ly tập trung cần bố trí phân khu cách ly dành riêng cho những người tiếp xúc gần. Những người sống trong cùng hộ gia đình, sống cùng nhà, cùng phòng ở, cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định cần được cách ly riêng với những người khác vì những người này có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất. Bố trí, sắp xếp người cách ly vào phòng cách ly theo nguyên tắc phân loại theo nguy cơ: những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng nguy cơ cùng thời gian thì vào cùng phòng/cùng khu cách ly.

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly.

Lấy mẫu lần 1 ngay ngày đầu khi được cách ly.

Lấy mẫu lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly.

Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.

Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tập trung và chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.

Đối với người nhập cảnh có yêu cầu phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày được cách ly thì thực hiện việc cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm như đối với các trường hợp F1.

Trong trường hợp số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), thì xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly, nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tại nơi lưu trú, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tự ý ra khỏi nhà khi chưa thông báo với chính quyền địa phương, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.

Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

Lập danh sách F2 và tùy vào tình hình đánh giá nguy cơ, dịch tễ để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F2 mở rộng.

Tổ chức cách ly F2 tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm Real time RT- PCR của F1:

Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly F2 lên thành F1.

Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính với SARS-CoV-2, trên cơ sở đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ COVID cộng đồng.

Ca bệnh nghi ngờ

Ca bệnh nghi ngờ phát hiện tại cộng đồng

Yêu cầu người nghi nhiễm đeo khẩu trang và cách ly bệnh nhân tạm thời tại nhà/nơi lưu trú ngay. Người nghi nhiễm và gia đình thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K. Tuyệt đối không được tiếp xúc với người sống trong gia đình và những người khác.

Cơ quan y tế địa phương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR ngay:

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì loại trừ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay ca bệnh là F0 theo thường quy.

Ca bệnh nghi ngờ phát hiện tại cơ sở y tế

Phân luồng khám sàng lọc người nghi nhiễm theo quy định của hệ thống điều trị và cách ly tạm thời ngay người nghi nhiễm vào phòng riêng ở khu vực đệm riêng biệt với khu vực có F0 và các khu điều trị khác của cơ sở y tế.

Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR ngay:

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì loại trừ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay ca bệnh là F0 theo thường quy.

Người có liên quan dịch tễ với ca bệnh xác định trong những tình huống khác

Đối với những người không có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định mà chỉ liên quan tại các sự kiện lớn tập trung đông người hoặc cùng trên một phương tiện giao thông khi ca bệnh xác định có mặt thì cơ quan y tế sẽ thông báo bằng nhiều cách: điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để người có liên quan biết chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, tổ chức cách ly và xét nghiệm phù hợp theo kết quả điều tra dịch tễ hoặc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

Tổ chức chống dịch dựa vào cộng đồng

Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và thành lập ngay các “Tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư, hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả, cụ thể như sau:

Mỗi Tổ COVID cộng đồng gồm 2 - 3 người nên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Nhiệm vụ: hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thực hiện:

Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình (nếu gia đình có nhiệt kế). Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp… để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ tại từng hộ gia đình.

Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; người nhập cảnh trái phép; người đi từ vùng dịch về...

Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.

Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường phân công.

Phòng tránh lây nhiễm cho tổ COVID cộng đồng: Các thành viên Tổ COVID cộng đồng khi làm nhiệm vụ phải luôn đeo khẩu trang; sử dụng nước sát trùng tay; tấm che mặt (nếu có). Trong quá trình làm nhiệm vụ, Tổ COVID cộng đồng không được vào bên trong nhà dân; chỉ gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách càng xa càng tốt khi giao tiếp để đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm (tối thiểu phải cách xa trên 2 mét).

Tổ COVID cộng đồng nên thành lập nhóm Zalo của các hộ gia đình trong nhóm phụ trách để liên hệ và báo cáo hàng ngày.

Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

Việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch thực hiện theo Phụ lục 4 của Hướng dẫn này.

Người thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch phải mặc đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi khử trùng ổ dịch, yêu cầu cư dân, người lưu trú không đi lại quanh các khu vực sử dụng chung trong vòng ít nhất 30 phút để đảm bảo hiệu quả khử trùng.

Các phương tiện chuyên chở ca F0 phải được khử trùng bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,1% Clo hoạt tính.

Ưu tiên khử trùng bề mặt bằng biện pháp lau những khu vực thường xuyên có tiếp xúc của người như mặt bàn, ghế ngồi, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đồ đạc, vật dụng, bồn rửa, nhà vệ sinh, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào… trong nhà, cơ quan, xí nghiệp, trường học…. Trường hợp không thể thực hiện biện pháp lau có thể sử dụng phương pháp phun khử trùng bằng máy phun đeo vai hoặc cầm tay, lưu ý tuyệt đối tránh phun trực tiếp vào người. Việc khử trùng các khu vực có liên quan khác bằng biện pháp phun bề mặt sẽ do cán bộ dịch tễ và cán bộ môi trường y tế quyết định dựa trên cơ sở điều tra thực tế với nguyên tắc tất cả các khu vực ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng đều phải được xử lý. Số lần khử trùng sẽ căn cứ vào tình trạng ô nhiễm thực tế tại ổ dịch để quyết định.

Tùy theo diễn biến của tình hình dịch COVID-19, các kết quả điều tra, nghiên cứu dịch tễ học, vi rút học, lâm sàng và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật, điều chỉnh hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế.

Truyền thông phòng chống dịch

Thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khai báo y tế - khoảng cách - không tụ tập - khử khuẩn và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và các nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức tại cộng đồng, đến từng hộ gia đình về các biện pháp phòng chống dịch. Truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện các biện pháp chống dịch. Phát động phong trào toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh.

Các biện pháp cụ thể xử lý ổ dịch khi có ca bệnh tại cộng đồng

Nguyên tắc: Tốc độ chống dịch là quan trọng nhất: Thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng; thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm.

 

Xem tiếp: Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top