Các biện pháp xử lý cụ thể tại các Phụ lục (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 5 kèm theo).
PHỤ LỤC 1
XỬ LÝ Ổ DỊCH KHI CÓ CA BỆNH COVID-19 TẠI CỘNG ĐỒNG
(Bàn hành kèm theo Quyết định số ngày / /2021 của Bộ Y tế)
Nguyên tắc:
Tốc độ chống dịch là quan trọng nhất với thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng; thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm.
Các hoạt động cụ thể như sau:
Đưa ngay ca F0 đi cách ly, quản lý, điều trị theo quy định.
Điều tra dịch tễ ca bệnh theo thường quy.
Truy vết F1, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F1.
Truy vết F2, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F2 (nếu cần).
Khoanh vùng dịch tễ tạm thời ngay khu dân cư có ca bệnh. Phạm vi khoanh vùng dịch tễ dựa vào đánh giá ban đầu về tình hình ổ dịch và nguy cơ. Việc khoanh vùng dịch tễ tạm thời không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và không cần có quyết định hành chính.
Tùy theo quy mô ổ dịch, đánh giá dịch tễ để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại khu vực khoanh vùng dịch tễ tạm thời:
Tập trung nhân lực, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thật nhanh tại cộng đồng khu vực khoanh vùng dịch tễ tạm thời. Nên lấy mẫu gộp theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình gần nhau. Làm xét nghiệm mẫu gộp ngay để đánh giá nguy cơ và đánh giá tình hình dịch tại cộng đồng.
Phong tỏa ổ dịch (cách ly y tế vùng có dịch COVID-19):
Tùy theo kết quả xét nghiệm F1 và xét nghiệm các mẫu cộng đồng tại ổ dịch sẽ quyết định phạm vi phong tỏa chính thức. Nguyên tắc phong tỏa ổ dịch: phong tỏa gọn, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đấy (nguy cơ được đánh giá theo phân bố ca F0; phân bố F1; phân bố các mốc dịch tễ; mối liên quan dịch tễ tại cộng đồng). Trong vùng phong tỏa thực hiện theo “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19” của Bộ Y tế.
Phong tỏa ổ dịch phải đạt được 2 mục tiêu là: khóa chặt ổ dịch không cho nguồn lây thoát ra ngoài để không lây sang các vùng khác và dập dịch triệt để ở bên trong không để dịch lây lan trong vùng phong tỏa để dập tắt ổ dịch. Muốn đạt được 2 mục tiêu này thì tại vùng phong tỏa phải thực hiện nghiêm nội bất xuất, ngoại bất nhập và thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà bên trong vùng phong tỏa với nguyên tắc: người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ bất cứ ai ở bên ngoài; không đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài; các cửa hàng, cửa hiệu đều phải đóng cửa. Thiết lập các chốt kiểm soát ra, vào vùng phong tỏa.
Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 3 ngày/1 lần cho toàn bộ người dân trong vùng phong tỏa theo mẫu gộp hộ gia đình hoặc các hộ gia đình liền kề nhau để phát hiện và đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, làm sạch ổ dịch. Tùy theo kết quả xét nghiệm sẽ quyết định số lần lấy mẫu tiếp theo. Nhiều ổ dịch nơi đã có sự lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng thì phải lấy mẫu xét nghiệm rất nhiều lần mới lọc sạch được mầm bệnh để dập tắt ổ dịch.
Thống kê và đăng tải công khai trên website của tỉnh, thành phố về danh sách khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn; đồng thời cập nhật thường xuyên danh sách trên (liên hệ email: covid19.cluster.moh@gmail.com để được hướng dẫn, cấp quyền truy cập, chỉnh sửa). Để khuyến cáo đi lại, cách ly y tế người đi về từ khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đã đăng tải công khai danh sách khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên website https://moh.gov.vn/.
Xem xét thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc lựa chọn thực hiện một số nội dung cơ bản của Chỉ thị này tại xã/phường có ca bệnh, một số xã, phường lân cận hoặc xã có liên quan dịch tễ hoặc có mốc dịch tễ quan trọng và áp dụng thực hiện các chỉ đạo khác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.
Tổ chức giám sát toàn diện, triệt để, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, cơ sở điều trị, các hiệu thuốc trên toàn địa bàn. Những ngày đầu cần tiến hành tổng rà soát, lấy mẫu tất cả những người đang có triệu chứng sốt, ho, đau họng, ốm mệt, viêm đường hô hấp, mất khứu giác, vị giác trên toàn địa bàn.
Thành lập ngay các tổ COVID cộng đồng tại tất cả các khu dân cư. Các tổ COVID cộng đồng phải hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả. Hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm nhiệm vụ theo quy định. Yêu cầu đại diện các hộ gia đình hàng ngày chủ động khai báo y tế bắt buộc bằng điện thoại về tình hình sức khỏe của hộ gia đình cho tổ COVID cộng đồng hoặc y tế cơ sở.
Tuyên truyền mạnh mẽ đến từng khu dân cư và phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt là thực hiện 5K và thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng tại địa bàn và các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.
Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng công an, dân phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch của người dân trong vùng dịch. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm quy định để răn đe và đảm bảo việc chấp hành của người dân trong công tác phòng chống dịch.
Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch tại nơi lư trú, nơi làm việc của ca F0 theo Phụ lục 3 kèm theo Hướng dẫn này.
Một số lưu ý:
Khoanh vùng tạm thời và lấy mẫu cộng đồng cần rộng nhưng phong tỏa cứng thì gọn vừa đủ, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó.
Ca bệnh có triệu chứng và F1 xét nghiệm lần đầu tiên nên xét nghiệm mẫu đơn;
Mẫu cộng đồng nên xét nghiệm gộp để tiết kiệm sinh phẩm (thực hiện theo Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 7 tháng 4 năm 2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2).
PHỤ LỤC 2
LẤY MẪU, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN BỆNH PHẨM
(Bàn hành kèm theo Quyết định số 3638 ngày 30/07/2021 của Bộ Y tế)
Mẫu bệnh phẩm
Bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế, người đã được tập huấn về thu thập mẫu bệnh phẩm. Trong đó, bắt buộc phải lấy tối thiểu 01 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp:
Xét nghiệm vật liệu di truyền
Bệnh phẩm đường hô hấp trên:
Mẫu ngoáy dịch tỵ hầu;
Trong trường hợp không lấy được mẫu ngoáy dịch tỵ hầu thì có thể lấy một trong các mẫu dưới đây:
Mẫu ngoáy dịch họng;
Mẫu ngoáy dịch mũi (cả hai bên mũi);
Bệnh phẩm đường hô hấp dưới:
Đờm;
Dịch nội khí quản, dịch phế nang, dịch màng phổi ...;
Tổ chức phổi, phế quản, phế nang.
Xét nghiệm xác định kháng nguyên
Mẫu dịch tỵ hầu;
Mẫu ngoáy dịch họng;
Mẫu ngoáy dịch mũi (cả hai bên mũi);
Xét nghiệm xác định kháng thể
Mẫu máu (Không bắt buộc, tùy theo xét nghiệm huyết thanh học các địa phương đơn vị xây dựng phương án cụ thể)
Thể tích lấy mẫu máu: 3ml - 5ml
Phương pháp thu thập bệnh phẩm
Chuẩn bị dụng cụ
Dụng cụ lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, mẫu ngoáy dịch họng và mẫu ngoáy dịch mũi cho xét nghiệm SARS-CoV-2 có cán không phải là calcium hay gỗ, tốt nhất là sử dụng que có đầu là sợi tổng hợp.
Que đè lưỡi;
Ống ly tâm hình chóp 15ml, chứa tối thiểu 2-3ml môi trường vận chuyển vi rút;
Lọ nhựa (ống Falcon 50ml) hoặc túi nylon để đóng gói bệnh phẩm;
Băng, gạc có tẩm chất sát trùng;
Cồn sát trùng, bút ghi
Quần áo phòng hộ (bộ rời hoặc liền) chống thấm hoặc áo choàng chống thấm y tế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối có dây buộc cố định sau gáy và quanh eo.
Kính bảo vệ mắt;
Găng tay sạch không bột;
Khẩu trang y tế có hiệu suất lọc cao (N95 hoặc tương đương);
Bơm tiêm 10 ml, vô trùng;
Tuýp vô trùng không có chất chống đông.
Bình lạnh bảo quản mẫu.
Tiến hành
Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
Bước 1: Vệ sinh tay.
Bước 2: Đi bao giày.
Bước 3: Mặc áo choàng dài hoặc bộ quần áo (bộ rời hoặc liền) .
Bước 4: Mang khẩu trang.
Bước 5: Mang kính bảo hộ (đối với loại có gọng cài tai).
Bước 6: Đội mũ trùm kín tóc, đầu, tai, dây đeo khẩu trang.
Bước 7: Mang tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (loại dây đeo ngoài mũ).
Bước 8: Mang găng sạch không có bột.
Lưu ý: Không nhất thiết phải mang cả kính và mạng che mặt
Kỹ thuật lấy bệnh phẩm đối với xét nghiệm tìm vật chất di truyền
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu và dịch họng.
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu
Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.
Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.
Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra
Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.
Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra.
Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển. Lưu ý: Que ngoáy dịch tỵ hầu sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy mẫu lấy dịch ngoáy họng nếu lấy cả hai loại.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.
Đưa que lấy mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu
Hình 1: Lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch họng:
Yêu cầu bệnh nhân há miệng to.
Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân.
Đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng.
Sau khi lấy bệnh phẩm, que lấy mẫu được chuyển vào ống chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển, và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Hình 2: Lấy mẫu dịch ngoáy họng
Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch mũi
Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.
Người lấy bệnh phẩm nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.
Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này đế lấy mẫu với mũi còn lại.
Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.
Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
Hình 3: Lấy mẫu dịch ngoáy mũi
Mẫu dịch nội khí quản
Bệnh nhân khi đang thở máy, đã được đặt nội khí quản. Dùng 1 ống hút dịch, đặt theo đường nội khí quản và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt. Cho dịch nội khí quản vào tuýp chứa môi trường bảo quản vi rút.
Lấy mẫu và bảo quản mẫu đối với phương pháp xét nghiệm kháng nguyên tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Mẫu máu cho xét nghiệm xác định kháng thể
Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy 3-5ml máu tĩnh mạch, chuyển vào tuýp không có chất chống đông, tách huyết thanh và bảo quản ở nhiệt độ 2°C - 8°C trong vòng 48 giờ. Nếu bảo quản lâu hơn thì các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản âm 70°C (-70°C).
Lưu ý:
Ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, loại bệnh phẩm, ngày lấy mẫu trên tuýp đựng bệnh phẩm.
Các loại bệnh phẩm thu thập tại đường hô hấp dưới (dịch nội khí quản, phế nang, màng phổi) phải được phối hợp với các bác sỹ lâm sàng trong quá trình thu thập mẫu bệnh phẩm.
Tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân
Loại áo choàng dài, mũ trùm đầu và bao giầy rời
Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.
Bước 2: Vệ sinh tay.
Bước 3: Tháo dây buộc và tháo bỏ áo choàng, cuộn lại sao cho mặt trong của áo choàng lộn ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.
Bước 4 : Vệ sinh tay.
Bước 5: Tháo bỏ bao giầy, lộn mặt trong ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải. Bước 6: Vệ sinh tay.
Bước 7: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (nếu sử dụng loại có dây đeo được buộc ra ngoài mũ trùm đầu).
Bước 8: Vệ sinh tay.
Bước 9: Tháo bỏ mũ trùm bằng cách luồn tay vào mặt trong mũ. Bước 10: Tháo kính bảo hộ (loại gọng và dây đeo bên trong mũ).
Bước 11: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).
Bước 12: Vệ sinh tay.
Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.
Loại quần, áo choàng và mũ trùm đầu rời
Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.
Bước 2: Vệ sinh tay.
Bước 3: Tháo dây buộc và áo choàng, cuộn lại sao cho mặt trong của áo choàng lộn ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.
Bước 4 : Vệ sinh tay.
Bước 5: Tháo bỏ quần và bao giày cùng lúc, cuộn và lộn mặt trong của quần ra ngoài, bỏ vào thùng chất thải.
Bước 6: Vệ sinh tay.
Bước 7: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (nếu sử dụng loại có dây đeo được buộc ra ngoài mũ trùm đầu).
Bước 8: Vệ sinh tay.
Bước 9: Tháo bỏ mũ trùm bằng cách luồn tay vào mặt trong mũ.
Bước 10: Tháo kính bảo hộ (loại gọng và dây đeo bên trong mũ)
Bước 11: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).
Bước 12: Vệ sinh tay.
Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.
Loại bộ phòng hộ quần liền áo và mũ
Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.
Bước 2: Vệ sinh tay.
Bước 3: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ loại có dây đeo ngoài mũ. Nếu sử dụng kính có gọng đeo trong mũ thì sau khi tháo bỏ mũ trùm đầu trước, rồi mới tháo bỏ kính.
Bước 4: Vệ sinh tay.
Bước 5: Tháo bỏ mũ, áo, quần. Khi tháo, cuộn lộn mặt trong của trang phục ra ngoài và bỏ vào thùng gom chất thải.
Bước 6: Vệ sinh tay.
Bước 7: Tháo bao giày, lộn mặt trong ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.
Bước 8: Vệ sinh tay.
Bước 9: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).
Bước 10: Vệ sinh tay.
Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.
Khử trùng dụng cụ và tẩy trùng khu vực lấy mẫu
Toàn bộ phương tiện bảo hộ cá nhân được cho vào 1 túi ni lông chuyên dụng dùng cho chất thải lây nhiễm có khả năng chịu được nhiệt độ cao, cùng với các dụng cụ bẩn (sử dụng găng tay và khẩu trang mới).
Buộc chặt và sấy ướt tại nhiệt độ 120°C/30 phút trước khi thu gom cùng với chất thải lây nhiễm khác để tiếp tục xử lý theo quy định.
Rửa tay xà phòng, lau sạch và khử trùng bằng chloramin 0,1% toàn bộ các dụng cụ và khu vực lấy mẫu; phích lạnh dùng cho vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm.
Bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm
Bảo quản
Bệnh phẩm sau khi thu thập được chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất:
Bệnh phẩm được bảo quản tại 2-8°C và chuyển tới phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo không quá 48 giờ sau khi thu thập. Nếu do điều kiện không thể chuyển mẫu trong vòng 48 giờ sau khi thu thập, mẫu phải được bảo quản âm 70°C.
Không bảo quản bệnh phẩm tại ngăn đá của tủ lạnh hoặc âm 20°C.
Đóng gói bệnh phẩm
Bệnh phẩm được đóng gói theo nguyên tắc 3 lớp được quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế tại Thông tư 40/2018/TT-BYT ngày 07 tháng 12 năm 2018 quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.
Kiểm tra thông tin trên ống mẫu bệnh phẩm với thông tin trên phiếu điều tra đảm bảo trùng khớp nhau.
Kiểm tra xem ống đựng mẫu bệnh phẩm đã được nắp chặt, bọc ống bằng giấy paraffin (nếu có) hoặc giấy thấm.
Đặt ống đựng mẫu bệnh phẩm trong túi chống thấm/ túi ni lông hoặc hộp đựng có nắp và đóng kín.
Đặt túi/hộp chứa ống đựng mẫu bệnh phẩm vào phích lạnh bảo quản mẫu hoặc thùng cứng.
Bổ sung đủ túi/bình tích lạnh vào trong phích/thùng đựng mẫu để mẫu được bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, trong suốt quá trình vận chuyển mẫu.
Đối với mẫu đông, bổ sung đủ túi/bình tích lạnh đã được đặt trong tủ âm 70°C để mẫu không bị tan băng trong suốt quá trình vận chuyển.
Các phiếu yêu cầu xét nghiệm được đặt trong túi chống thấm/túi ni lông khác (không để chung phiếu với mẫu bệnh phẩm) và đặt trong phích lạnh/thùng đựng mẫu, bên ngoài có dán nhãn theo quy định tại Thông tư 40/2018/TT-BYT khi vận chuyển.
Vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm
Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong nhiệt độ từ +2oC đến + 8oC (hoặc tại âm 70oC nếu là mẫu đông) trong suốt quá trình vận chuyển.
Phiếu yêu cầu xét nghiệm và phiếu điều tra phải được gửi kèm với mẫu bệnh phẩm.
Các cơ sở gửi mẫu cần thông báo ngay cho phòng xét nghiệm khoảng thời gian dự kiến phòng xét nghiệm sẽ nhận được bệnh phẩm để cán bộ phòng xét nghiệm có thể chuẩn bị cho việc nhận mẫu.
Lựa chọn các phương tiện, hình thức vận chuyển để đảm bảo thời gian vận chuyển ngắn nhất, trong khi vẫn phải đảm bảo điều kiện bảo quản mẫu trong suốt quá trình vận chuyển.
Xem tiếp: Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế (P3)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh