✴️ Bệnh viêm phổi: Tổng quan và điều trị

Nội dung

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi (pneumonia) là quá trình viêm và đông đặc của nhu mô phổi, bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế tận cùng, do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, không phải do trực khuẩn lao).

2. Dịch tễ học

  • Viêm phổi là bệnh thường gặp, có khoảng 8 – 15 triệu người mắc chứng viêm phổi. Trong đó, tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ em và người cao tuổi, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Tỷ lệ mắc thay đổi theo mùa, trong những tháng mùa đông thì số người viêm phổi là cao nhất.
  • Hằng năm, tại Mỹ có từ 2 triệu đến 3 triệu trường hợp viêm phổi, trong đó có khoảng 20% các bệnh nhân phải nhập viện và có tới 14% số bệnh nhân này tử vong. Trong khi đó tại Nhật Bản, có từ 57-70/100.000 người tử vong do viêm phổi và là nguyên nhân thứ tư gây tử vong.
  • Ở Việt Nam, viêm phổi chiếm 12% các bệnh phổi. Và theo thống kê vào tháng 5/2008, Việt Nam là một trong 15 nước có số ca viêm phổi cao nhất (2,9 triệu ca).

3. Phân loại viêm phổi 

  • Phân loại theo lâm sàng: Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, viêm phổi mắc phải ở bệnh viện, viêm phổi ở người suy giảm miễn dịch.
  • Phân loại theo diễn biến: Viêm phổi cấp tính, viêm phổi bán cấp tính, viêm phổi mạn tính.
  • Phân loại theo hình ảnh X-quang lồng ngực: viêm phổi thùy, viêm phế quản – phổi, viêm phổi kẽ, áp – xe phổi.
  • Phân loại theo căn nguyên vi sinh: viêm phổi do vi khuẩn, viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, viêm phổi do virus.

4. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi và cơ chế sinh bệnh

4.1 Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi 

Có rất nhiều căn nguyên gây ra bệnh viêm phổi, trong đó nguyên nhân chính là do Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Hemophylus influenzae, klebsiella pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và virus cúm.

4.2. Cơ chế sinh bệnh

Các con đường mà tác nhân gây viêm phổi có thể vào:

  • Hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài, trong không khí.
  • Hít phải vi khuẩn do ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Vi khuẩn theo đường máu từ những ổ nhiễm khuẩn xa.
  • Nhiễm khuẩn do đường tiếp cận của phổi

Phản ứng của phổi khi gặp các tác nhân lạ

Khi có vật lạ vào phổi, nắp thanh quản đóng lại theo phản xạ. Các tế bào hình trụ có lông chuyển (bao phủ lớp niêm mạc từ thanh quản đến tiểu phế quản tận) tiết ra chất nhầy kết dính và đẩy các vật lạ lên phế quản lớn, cơ thể tống các vật lạ ra ngoài bằng phản xạ ho.

Ngoài ra, cơ sở để bảo vệ đường hô hấp đó là globulin miễn dịch, IgA có nồng độ cao ở đường hô hấp trên giúp chống lại virus và có nồng độ thấp ở đường hô hấp dưới làm ngưng kết vi khuẩn, trung hòa độc tố vi khuẩn, làm tăng bổ thể, tăng đại thực bào, trung hòa độc tố vi khuẩn, virus, làm dung giải vi khuẩn Gram âm.

5. Triệu chứng viêm phổi 

  • Sốt
  • Ho là một trong những triệu chứng sớm của bệnh viêm phổi: Người bệnh có thể ho có đờm, khạc đờm mủ (màu trắng đục, vàng, xanh, nâu…), hơi thở thối do viêm phổi do vi khuẩn yếm khí hoặc ho khan, khạc đờm nhầy trong.
  • Đau ngực, khó thở.
  • Có cảm giác ớn lạnh toàn thân.

6. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi:

Chụp X – quang phổi thấy có bóng mờ của tổn thương nhu mô phổi mới xuất hiện – là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm phổi.

Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu tăng (10.000-15.000/mm3), bạch cầu đa nhân trung tính tăng trên 85%.

Nhuộm Gram đờm thấy > 25 bạch cầu đa nhân trung tính và < 10 tế bào biểu mô/vi trường; cầu khuẩn Gram dương đứng thành cặp.

7. Điều trị viêm phổi 

7.1. Điều trị bằng kháng sinh

Dùng kháng sinh đường tiêm, thường phối hợp hai loại kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3, amoxicillin hoặc ampicillin với sulbactam, macrolid hoặc fluoroquinolon.

7.2. Các biện pháp điều trị khác

  • Bù nước và điện giải.
  • Giảm đau ngực, giảm ho.
  • Trợ tim trợ hô hấp.
  • Điều trị biến chứng (trụy tim mạch, suy hô hấp, mủ màng phổi)

8. Biến chứng của viêm phổi 

Các biến chứng của bệnh viêm phổi nếu không điều trị kịp thời có thể kể đến như:

  • viêm màng não,
  • nhiễm trùng máu,
  • tràn mủ màng phổi,
  • tràn dịch màng tim,
  • trụy tim,
  • phù phổi cấp,
  • kháng thuốc kháng sinh,
  • hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển,
  • tử vong.

9. Chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho bệnh nhân viêm phổi

  • Bệnh nhân viêm phổi nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước trà xanh, nước ép cà chua, lựu, nghệ và mật ong.
  • Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để cơ thể thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe. 
  • Bệnh nhân viêm phổi cần hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, nước uống có ga và đặc biệt là nói không với rượu, bia và thuốc lá.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top