✴️ Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Có nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật như lấy đĩa đệm đơn thuần, lấy đĩa đệm làm cứng khớp theo phương pháp Smith - Robinson … Tuy nhiên những phương pháp này có nhiều hạn chế do làm tổn thương các đĩa đệm liền kề sau phẫu thuật. 

Khắc phục tình trạng trên, điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có dùng khớp nhân tạo ra đời. Phương pháp này có ý tưởng từ những năm 50 cho đến những năm 80, đến thập kỷ 90 mới bắt đầu thực hiện thay đĩa đệm nhân tạo.  - Tới tháng 6/ 2004, FDA mới công nhận phương pháp điều trị này.

 

CHỈ ĐỊNH

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Hội chứng chèn ép rễ.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Cột sống cổ mất vững.

Hội chứng chèn ép tủy.

Loãng xương.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật cột sống, giải thích kỹ tình trạng bệnh của Người bệnh cho gia đình.

Người bệnh:

Vệ sinh vùng mổ, nhịn ăn 6 giờ trước phẫu thuật.

Phương tiện: 

Giá đỡ đầu, khoan mài, đĩa đệm nhân tạo, dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa, C-arm dùng trong mổ.

Hồ sơ bệnh án:

Theo quy định, ký cam đoan hồ sơ phẫu thuật.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Vô cảm:

Gây mê nội khí quản.

Phẫu thuật:

Tư thế: nằm ngửa cố định đầu trên khung Mayfield.

Xác định vị trí phẫu thuật trước mổ sử dụng C-arm.

Đường rạch: rạch da đường cổ trước khoảng 3 cm.

Phẫu tích bộc lộ: cắt cơ bám da cổ, xác định ranh giới giữa khí quản, thực quản và động mạch cảnh; dùng ngón tay tách tổ chức và dùng bộ vén để vén khí quản thực quản vào trong, bộc lộ phần trước cột sống.

Xác định vị trí đĩa cần phẫu thuật bằng C-arm.

Lấy đĩa giải ép: dùng lưỡi dao 11mm lấy đĩa, sử dụng curette các kích cỡ làm sạch đĩa cho đến giới hạn sau. Đặt pince tại đốt trên và dưới làm rộng khoảng gian đĩa vàtiếp tục lấy đĩa đệm thoát vị tương ứng. 

Đặt đĩa đệm nhân tạo: sử dụng mũi khoan 3mm mài sạch diện đốt trên và dưới. Đặt dụng cụ thử các kích cỡ và kiểm tra dưới C-arm. Đặt đĩa đệm tương ứng kích thước và kiểm tra dưới C-arm.

Rút bỏ hệ thống pince, cầm máu kỹ chân pince bằng sáp xương và kiểm soát chảy máu vết mổ.

Đặt 01 dẫn lưu.

Đóng các lớp theo giải phẫu.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi: 

Chăm sóc hậu phẫu: 

Thay băng cách ngày.

Kháng sinh đường tĩnh mạch 7 ngày.

Rút dẫn lưu sau 48h.

Đeo nẹp cổ mềm trong 4 tuần.

Phục hồi chức năng

Hướng dẫn lăn trở, thay đổi tư thế dự phòng loét tỳ đè, viêm nhiễm.

Ngày thứ 2: tập ngồi và tập vận động thụ động và chủ động.

Ngày thứ 3: tập đi lại.

Tai biến và xử trí:

Tổn thương các mạch

Mạch máu nhỏ: cầm máu bằng dao điện lưỡng cực.

Mạch máu lớn: băng ép chặt vết mổ, khâu cầm máu.

Mạch máu quanh lỗ liên hợp: dao điện lưỡng cực, surgicel cầm máu.

Tổn thương khí quản và thực quản

Phát hiện trong mổ: khâu lại vết thương và lưu sonde dạ dày nếu tổn thương thực quản.

Phát hiện muộn: mở thông dạ cho ăn đường dưới và theo dõi đường rò.

Tổn thương rách màng cứng và rò dịch não tủy: Theo dõi và điều trị nội khoa.

Nhiễm trùng: Thay băng điều trị kháng sinh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top