PHẦN 1. QUẢN LÝ DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
Quản lý khu vực cách ly
Phòng khám sàng lọc
Cách sắp xếp
Cơ sở y tế nên bố trí một phòng khám sàng lọc độc lập gồm lối đi một chiều tách biệt từ lối vào của bệnh viện với bảng hiệu chỉ dẫn dễ thấy.
Sự đi lại của mọi người nên tuân thủ theo quy tắc ―3 khu vực và 2 chiều lưu thông‖: một khu vực nhiễm, một khu vực có nguy cơ nhiễm và một khu vực sạch được phân định rõ ràng và 2 vùng đệm giữa khu vực nhiễm và khu vực có nguy cơ nhiễm.
Nên có một lối đi riêng cho các vật dụng bẩn; thiết lập một khu vực dễ thấy để vận chuyển một chiều các đồ dùng từ khu văn phòng (khu vực có nguy cơ nhiễm) đến khu cách ly (khu vực nhiễm).
Các quy trình nên được chuẩn hóa, hướng dẫn cho nhân viên y tế cách mặc vào và tháo các dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân.
Các chuyên viên phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nên được phân công để giám sát các nhân viên y tế mặc vào và tháo dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm.
Tất cả các vật dụng ở khu vực nhiễm nếu không được khử trùng thì nên được vứt bỏ.
Bố trí các khu vực
Thiết lập từng khu vực riêng biệt cho từng phòng sau: phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng theo dõi và phòng hồi sức tim phổi.
Thiết lập một khu vực sàng lọc và phân tầng nguy cơ bệnh nhân.
Thiết lập khu vực chẩn đoán và điều trị: các bệnh nhân có tiền sử dịch tễ và sốt và/hoặc triệu chứng hô hấp nên được hướng dẫn vào khu vực dành cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19; các bệnh nhân bị sốt nhưng không có tiền sử dịch tễ rõ rệt nên được hướng dẫn vào khu vực dành cho bệnh nhân sốt thông thường.
Quản lý bệnh nhân
Bệnh nhân có sốt phải đeo khẩu trang y tế.
Chỉ có bệnh nhân được phép vào khu vực chờ để tránh quá tải.
Thời gian mỗi lần bệnh nhân đi khám nên được rút ngắn tối đa để hạn chế lây nhiễm chéo.
Giáo dục bệnh nhân và gia đình cách phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và các biện pháp dự phòng lây nhiễm thiết yếu.
Sàng lọc, nhập viện và tiêu chuẩn loại trừ
Tất cả nhân viên y tế nên hiểu rõ về các đặc điểm dịch tễ và triệu chứng lâm sàng của COVID-19 và sàng lọc bệnh nhân dựa trên các tiêu chuẩn sàng lọc bên dưới (Xem Bảng 1).
Xét nghiệm NAT (Nucleic acid testing) nên được thực hiện trên các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn là ca nghi ngờ.
Bệnh nhân không thỏa các tiêu chuẩn sàng lọc ở trên, nếu họ không có tiền sử dịch tễ, nhưng không thể loại trừ mắc COVID-19 dựa trên triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh, được khuyến cáo thăm khám và đánh giá thêm để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Bất kì bệnh nhân có kết quả âm tính nào phải được xét nghiệm lại sau 24 giờ. Nếu bệnh nhân có 2 xét nghiệm NAT âm tính liên tiếp và không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân nên được loại trừ chẩn đoán COVID-19 và cho xuất viện. Nếu bệnh nhân không thể loại trử chẩn đoán COVID-19 dựa trên triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân nên được làm thêm xét nghiệm NAT mỗi 24 giờ đến khi xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán.
Những ca NAT dương tính phải được nhập viện và phối hợp điều trị dựa trên độ nặng của bệnh nhân (ở khoa thường hoặc đơn vị Hồi sức tích cực).
Bảng 1. Tiêu chuẩn sàng lọc cho các ca nghi ngờ COVID-19
Khu điều trị cách ly
Phạm vi
Khu điều trị cách ly bao gồm khoa theo dõi, khoa cách ly và một khu vực chăm sóc tích cực độc lập. Bố cục của tòa nhà và luồng vận hành phải đảm bảo các tiêu chuẩn về khu cách ly trong bệnh viện. Phòng áp lực âm phải được lắp đặt theo tiêu chuẩn quản lý của nhà nước. Việc ra vào khu điều trị cách ly phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Cách sắp xếp
Vui lòng tham khảo tại phần Phòng khám sàng lọc.
Tiêu chuẩn của khoa
Bệnh nhân nghi nhiễm và bệnh nhân được xác định nhiễm phải được tách biệt ở các khu vực khác nhau trong khoa.
Bệnh nhân nghi nhiễm phải được cách ly trong từng phòng đơn. Mỗi phòng nên được trang bị nhà vệ sinh riêng và mọi hoạt động của bệnh nhân nên được giới hạn trong Khu điều trị cách ly.
Các bệnh nhân được xác định nhiễm có thể được xếp chung phòng với khoảng cách giường tối thiểu là 1,2 mét. Mỗi phòng nên được trang bị nhà vệ sinh riêng và mọi hoạt động của bệnh nhân phải được giới hạn trong Khu điều trị cách ly.
Quản lý bệnh nhân
Thân nhân không được thăm và chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân nên được cung cấp thiết bị điện tử để liên lạc với người nhà.
Giáo dục bệnh nhân nhằm giúp họ phòng ngừa phát tán dịch COVID-19, và cung cấp các hướng dẫn về cách đeo khẩu trang y tế, rửa tay đúng cách, cách tránh phát tán khi ho, theo dõi các triệu chứng bệnh và cách ly tại nhà.
Quản lý nhân viên
Phân luồng quản lý
Trước khi làm việc tại Phòng khám sàng lọc và Khu điều trị cách ly, toàn bộ nhân viên phải được huấn luyện và kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt nhằm đảm bảo họ biết cách mặc vào và tháo dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân. Họ phải vượt qua kì kiểm tra trước khi được phép làm việc tại các khoa phòng này.
Nhân viên nên được chia thành từng nhóm. Mỗi nhóm nên được giới hạn chỉ làm việc tối đa 4 giờ trong khu vực điều trị cách ly. Nhóm phải làm việc tại khu vực điều trị cách ly (khu vực nhiễm) vào những khung giờ khác nhau.
Sắp xếp việc thăm khám, điều trị và khử trùng theo từng nhóm nhằm giảm tần suất nhân viên phải di chuyển vào/ra khu vực điều trị cách ly.
Trước khi hết ca làm việc, nhân viên phải tự rửa sạch và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cần thiết để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng niêm mạc đường hô hấp.
Quản lý sức khỏe
Nhân viên tuyến đầu trong khu vực điều trị cách ly – bao gồm các nhân viên y tế, kỹ thuật viên và nhân viên hậu cần – phải sống ở một khu vực cách ly và không được tự ý ra khỏi khu vực này.
Cung cấp cho nhân viên một chế độ ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.
Theo dõi và ghi nhận tình trạng sức khỏe của tất cả nhân viên, và thực hiện giám sát sức khỏe cho nhân viên tuyến đầu, bao gồm giám sát nhiệt độ và triệu chứng hô hấp, giúp đỡ nhân viên xác định các vấn đề tâm sinh lý và tham vấn với các chuyên gia.
Nếu nhân viên có bất kì triệu chứng nào như sốt, họ nên được cách ly ngay lập tức và tầm soát bằng xét nghiệm NAT.
Khi các nhân viên tuyến đầu bao gồm nhân viên y tế, kỹ thuật viên và nhân viên hậu cần hoàn thành nhiệm vụ trong khu vực điều trị cách ly và được trở về với cuộc sống thường ngày, họ nên được xét nghiệm NAT tìm SARS-CoV-2. Nếu âm tính, họ phải được phối hợp cách ly tại một khu vực chuyên biệt đủ 14 ngày trước khi được xuất viện.
Quản lý dụng cụ bảo hộ liên quan COVID-19
Lưu ý:
Tất cả nhân viên tại cơ sở y tế phải mang khẩu trang y tế.
Tất cả nhân viên làm việc tại khoa Cấp cứu, khoa khám ngoại trú bệnh Nhiễm, Hô hấp, Răng-Hàm-Mặt và khoa Nội soi (Nội soi tiêu hóa, nội soi phế quản, nội soi khí quản…) phải được cung cấp dụng cụ bảo hộ y tế theo tiêu chuẩn Cấp I kèm khẩu trang N95.
Nhân viên phải mang tấm/nón bảo hộ mặt (face screen/face shield) dựa theo Bảo hộ cấp II trong lúc thu thập mẫu bệnh phẩm đường hô hấp từ các bệnh nhân nghi ngờ/xác định nhiễm.
Các quy trình thường quy tại bệnh viện trong dịch COVID-19
Hướng dẫn cách mặc và tháo dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân
Quy trình mặc dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân:
Mặc quần áo và giày để làm việc → Rửa tay → Đội nón phẫu thuật dùng 1 lần → Mang khẩu trang (N95) → Mang găng tay dùng 1 lần nitrile/latex bên trong → Mang kính và quần áo bảo hộ (lưu ý: nếu mang quần áo bảo hộ không có bao chân, hãy mang thêm bao giày chống thấm), mang thêm áo choàng khu cách ly và tấm bảo vệ mặt (face shield)/mặt nạ chống độc có bộ lọc khí (nếu khu vực làm việc yêu cầu) → Mang thêm găng tay latex dùng 1 lần ở lớp ngoài.
Quy trình tháo dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân:
Rửa tay và loại bỏ bất kì vết bẩn chứa máu/dịch tiết nào trên mặt ngoài hai tay → Rửa tay, thay găng tay lớp ngoài → Tháo mặt nạ chống độc có bộ lọc khí hoặc mặt nạ có bộ lọc (nếu có)→Rửa tay →tháo quần áo bảo hộ khu cách ly (nếu có) →Rửa tay và mang găng lớp ngoài mới→Vào khu vực Tháo đồ số 1 →Rửa tay và cởi bỏ quần áo bảo hộ y tế cùng găng tay lớp ngoài (đối với khẩu trang và quần áo bảo hộ, lộn lớp trong ra ngoài trong lúc tháo chúng ra), (lưu ý: nếu có sử dụng bao giày, hãy tháo chúng cùng với quần áo bảo hộ) →rửa tay →Vào khu vực Tháo đồ số 2 →Rửa tay và tháo kính bảo hộ →Rửa tay và tháo găng →Rửa tay và tháo mũ→Rửa tay và tháo găng tay latex bên trong →Rửa tay và rời khỏi khu vực Tháo đồ số 2 →Rửa tay, tắm rửa và mặc quần áo sạch, sau đó đi vào khu vực sạch.
Xem tiếp: Sổ tay dự phòng và điều trị COVID-19 (P2)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh