Tiêu chảy mùa hè bệnh cực kỳ nguy hiểm – đây là khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Tiêu chảy mùa hè bệnh cực kỳ nguy hiểm
Tiêu chảy là bệnh xảy ra rất phổ biến trong mùa hè. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm sinh sôi phát triển. Bên cạnh đó, nắng nóng cũng là môi trường thuận lợi cho ruồi, nhặng, muỗi, gián, chuột, kiến… phát triển lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua đồ ăn, thức uống.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chi phí điều trị cho số lượng bệnh nhân tiêu chảy lên đến 2.000 tỉ đồng/năm.
Tiêu chảy nếu không xử trí kịp thời, đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước và điện giải, cơ thể suy kiệt nhanh chóng và có thể tử vong nhanh chóng.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên chủ quan với tiêu chảy. Ngay khi có các biểu hiện của tiêu chảy (đi ngoài trên 3 lần trong ngày, phân nát, lỏng, có bọt và mùi tanh, đau bụng, nôn và buồn nôn…), bạn cần nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán, đánh giá chính xác tình trạng bệnh và tư vấn điều trị kịp thời, đúng cách.
Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy trong mùa hè
Có rất nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy trong mùa hè, có thể kể đến các tác nhân gây bệnh dưới đây:
Virus Rota: Đây là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp.
Vi khuẩn tả: Đây là loại vi khuẩn có độc lực rất mạnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các triệu chứng tiêu chảy sẽ thể hiện rất rầm rộ, diễn biến phức tạp. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh sẽ bị mất nước và chất điện giải nhanh chóng, có khả năng bị trụy rim và tử vong cao.
Vi khuẩn thương hàn (Salmonella) cũng là một trong những tác nhân gây bệnh tiêu chảy trong mùa nắng nóng.
Vi khuẩn lị (Shigella) là loại vi khuẩn có khả năng gây tiêu chảy cấp.
Vi khuẩn E.coli: Vi khuẩn E. coli được tìm thấy nhiều trong phân người và động vật. Vi khuẩn E. coli phát triển mạnh mẽ trong mùa hè, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tiêu chảy cấp.
Để biết chính xác nguyên nhân gây tiêu chảy, người bệnh cần được thăm khám và làm các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết. Căn cứ trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác nhất về nguyên nhân gây bệnh.
Cần làm gì để phòng tránh bệnh tiêu chảy trong mùa hè?
Theo các bác sĩ, tác nhân gây tiêu chảy xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống nên biện pháp phòng ngừa tốt nhất là đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thân thể và vệ sinh môi trường sống tốt. Cụ thể:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Đây là nguyên tắc hàng đầu giúp phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa nói chung và phòng ngừa bệnh tiêu chảy nói riêng. Thức ăn cần được chế biến chín, đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng… Không nên ăn các món ăn tái sống như rau sống, gỏi cá, đồ ăn lên men, đồ ăn ẩm mốc, đồ ăn đã bị ôi thiu, hỏng…
- Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường sống: Lau chùi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; sử dụng nhà vệ sinh hợp lý, xử lý tốt chất thải.
- Sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt.
- Trẻ nhỏ cần uống đủ vắc xin phòng virus rota theo quy định của Bộ y tế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh