Đối với những người có mong muốn giảm cân mạnh mẽ, dùng thêm chất bổ sung (CBS) hay thực phẩm chức năng (TPCN) có vẻ như là một giải pháp thời thượng và diệu kỳ. Nếu bạn đang tìm kiếm các CBS/TPCN để giảm cân, bạn sẽ không thiếu các lựa chọn. Chỉ trong một tích tắc, tìm kiếm trên Google hay trao đổi trên Facebook có thể dẫn bạn đến các sản phẩm giúp bạn:
Mặc dù hầu hết những tuyên bố này không hề được hỗ trợ/chứng minh bởi nghiên cứu khoa học nghiêm túc, các nhà sản xuất và kinh doanh những sản phẩm này vẫn có nhiều cách hay để xây dựng mạng lưới quảng cáo tinh vi, đưa ra những lời hứa ngông cuồng về công hiệu của sản phẩm mà bạn vẫn “tin sái cổ”. Những người thiếu kiến thức y khoa còn dễ tin ngay vì những sản phẩm CBS/TPCN đó thường được đóng gói dưới dạng viên, viên nhộng hay dạng bột, ghi “Uống sau khi ăn”… làm người ta lầm tưởng là “thuốc”. Trên thực tế, các loại “thuốc” hứa hẹn giúp giảm cân đều ẩn chứa những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe mà bạn có thể phòng tránh bằng việc tăng kiến thức cho mình.
Nhiều sản phẩm như TPCN hay CBS là vô hại, và một số thậm chí có thể có hiệu quả trong việc đốt cháy chất béo, tăng cường trao đổi chất hoặc tạo cảm giác no (có thể vì uống quá nhiều thuốc!). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có một số thành phần phổ biến trong các sản phẩm giảm cân đã bị FDA (Hoa Kỳ) cấm vì các tác dụng phụ có hại như làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây tiêu chảy, gây mất ngủ, suy thận, tổn thương gan hoặc gây kích động. Xin kể thêm một số “bài học đau thương” nổi tiếng như bên dưới.
Fen-Phen
Fenfluramine, một trong hai hoạt chất trong thuốc giảm cân với nhãn hiệu Fen-Phen, đã bị thu hồi vào cuối những năm 1990 sau khi bị phát hiện có liên quan đến các trường hợp tổn thương tim phổi.
Ephedra
Sau khi được bán rộng rãi như một thành phần trong chế độ ăn kiêng, thảo dược ephedra bắt nguồn từ Trung Quốc đã bị cấm vào năm 2004 vì có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chúng có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Dù có ý kiến cho rằng ephedra có thể được sử dụng với liều thấp, phiên tòa phúc thẩm cấp liên bang năm 2006 đã khôi phục lệnh cấm ban đầu của FDA, nhấn mạnh sự nguy hiểm của ma hoàng khi được sử dụng như một chất bổ sung ở bất kỳ liều nào.
Hydroxycut
Các sản phẩm chứa hydroxycut đã bị cấm và thu hồi vào năm 2009 vì các báo cáo về các phản ứng bất lợi nghiêm trọng, bao gồm viêm gan và vàng da. Một khách hàng đã chết, và một người khác đã cần phải ghép gan.
Sibutramine
Sibutramine là một loại thuốc theo toa được bán với tên Meridia, đã bị rút khỏi thị trường vào năm 2010 sau khi một nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng sản phẩm này có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, sibutramine ban đầu được xem là một giải pháp để giảm sự thèm ăn và giảm cân lâu dài. Nhà sản xuất đã tự nguyện ngừng sản xuất và rút sản phẩm này ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có một số TPCN/CBS có “lén chứa” chất cấm này.
Gần đây nhất, FDA còn tìm thấy một số sản phẩm được bán trên thị trường như CBS có chứa fluoxetine, hoạt chất có trong trị trầm cảm. Một sản phẩm khác có chứa triamterene, một loại thuốc lợi tiểu mạnh có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi nỗ lực về giảm cân, bạn có thể vô tình lạm dụng các CBS/TPCN vì:
Dùng quá liều có thể tăng gánh nặng cho gan, thận và gây suy tạng. Dùng quá liều các sản phẩm kích thích có thể làm tăng huyết áp lên mức nguy hiểm, tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Uống các CBS/TPCN ngăn chặn hấp thu chất béo cùng với thuốc nhuận tràng hoặc lợi tiểu có thể gây tiêu chảy, mất nước và mất cân bằng điện giải. Tại Nhật Bản, các bác sĩ luôn thận trọng với các loại Đông dược vì trong một số thang thuốc Đông Y cũng có hoạt chất gây tiêu chảy hoặc lợi tiểu.
Một trong những rủi ro khác của việc dùng những CBS hay TPCN không kê đơn là bạn không thể chắc chắn về các thành phần trong sản phẩm đó. Nhiều dược sĩ ở Nhật nói rằng không có gì đảm bảo là mỗi sản phẩm dạng viên/nhộng “giống thuốc” đó có đúng thành phần và liều lượng ghi trên nhãn. Đó là vì chúng không được kiểm định nghiêm khắc bởi các Cục quản lý của chính phủ như FDA (Hoa Kỳ) hay PMDA (Nhật Bản) và vì thế không đảm bảo về chất lượng và độ an toàn. Nhiều nhà sản xuất đã bị cáo buộc vì đưa ra tuyên bố sai về sản phẩm, hoặc vì tự thêm các hoạt chất không an toàn thậm chí có hại vào món hàng.
Vì các nhà sản xuất có thể KHÔNG LIỆT KÊ các thành phần “thật-ra-là-bị-cấm” trên nhãn mác, người tiêu dùng sẽ không có cách nào nhận ra họ đang dùng các chất có hại. FDA Hoa Kỳ và PMDA Nhật Bản có công bố cập nhật danh sách các sản phẩm giảm cân có hại để cảnh báo người tiêu dùng nên tránh xa, thiết nghĩ rất có ích cho những ai đang đi tìm “thần dược” (1,2).
Ngoài ra, giới chuyên môn còn nói về các dấu hiệu giúp thận trọng về các sản phẩm “chém gió” như sau:
Để đảm bảo an toàn tối đa, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên viên y tế có trách nhiệm theo dõi sức khỏe cho bạn.
Thật ra, việc quá tin dùng hay lệ thuộc vào các sản phẩm CBS/TPCN còn làm bạn lười tập thể dục và sao lãng việc kiểm soát chế độ ăn. Có nhiều cách tăng cường vận động để tiêu bớt mỡ/calo thừa mà bạn có thể chưa thử tới:
Về chế độ ăn, nhiều nghiên cứu cho thấy uống 500 ml nước lọc trước khi ăn hoặc ăn nhiều rau xanh, đông sương/rau câu giúp giảm cân khá tốt.
Hãy hỏi thêm các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để giảm cân lành mạnh.
https://futuresrecoveryhealthcare.com/knowledge-center/harmful-effects-diet-pills-supplements/
https://www.fda.gov/drugs/medication-health-fraud/tainted-weight-loss-products
https://ods.od.nih.gov/factsheets/WeightLoss-Consumer/#h5
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26237305
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15642074 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19509199
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh