✴️ Lưu ý gì khi trẻ đi học trở lại trong bối cảnh COVID-19?

Nội dung

Trên thế giới, tỷ lệ trẻ em 5-11 tuổi mắc COVID-19 có cao không, thưa bác sĩ? Nếu mắc thì khả năng phục hồi có nhanh không và có trường hợp nào diễn tiến nặng không?

Trên thế giới ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 ở lứa tuổi trẻ em, kể cả từ tuổi sơ sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn. 

Tại Việt Nam cũng có ghi nhận trường hợp trẻ em mắc bệnh, kể cả từ lứa tuổi sơ sinh.

Phần lớn các trường hợp biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như: sốt, ho, sổ mũi, mệt... một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Diễn biến nặng đa phần trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống...

 

Khi trẻ không may bị mắc COVID-19, các bố mẹ cần chăm sóc thế nào, thưa bác sĩ? Thế nào là chỉ số tạm an toàn để có thể tự điều trị ở nhà?

Các cha mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là: trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.

+ Gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ:

- Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường < 60 lần/phút

- Trẻ 2 tháng - 12 tháng nhịp thở bình thường < 50 lần/phút

- Trẻ > 12 tháng nhịp thở bình thường < 40 lần/phút

- Trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút

- Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn

 

Bác sĩ có lời khuyên gì cho các cha mẹ có trẻ 5-11 tuổi để ứng phó với nguy cơ mắc COVID-19? Xin bác sĩ gợi ý các hướng dẫn để cha mẹ các bé có thể chuẩn bị nhằm tăng sức đề kháng và miễn dịch cho trẻ trước khi trở lại trường?

Tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế

- Tăng cường sức đề kháng: dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì

- Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính

- Tránh nhiễm lạnh

- Đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập

- Vệ sinh bàn tay

- Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác

- Hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống

- Hướng dẫn để rác thải đúng nơi quy định

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm long hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc gì?

Các thuốc có thể dự phòng gồm:

+ Hạ sốt

+ Bù nước điện giải

+ Có thể bổ sung Vitamin tổng hợp

+ Thuốc điều trị ngạt tắc mũi

+ Thuốc ho

Lưu ý: Thuốc dùng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.

Khi cần tư vấn, các cha mẹ có thể liên hệ các số điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn phù hợp.

 

Chỉ số và triệu chứng gì cần đưa trẻ đến bệnh viện, thưa bác sĩ?

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi có những triệu chứng sau: 

Sốt cao > 39 độ không kiểm soát được 

+ Thở nhanh; Nhịp tim nhanh 

+ Nếu có máy đo SpO2 < 95% 

+ Đau ngực 

+ Dấu hiệu đau đầu, nôn nhiều 

+ Kích thích; Mệt lả 

+ Ăn uống kém hơn bình thường 

+ Ỉa lỏng nhiều lần kèm đái ít.

 

Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai - TS.BS. Nguyễn Thành Nam

return to top