✴️ Miễn dịch cơ thể sẽ thay đổi thế nào sau khi nhiễm Covid-19

Nội dung

Các thành phần của miễn dịch ở người đã khỏi bệnh COVID-19

Sau khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ lưu lại ký ức về virus đó. Đây gọi là nguyên tắc “trí nhớ miễn dịch”. Các tế bào miễn dịch và protein lưu thông trong cơ thể có thể nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh nếu gặp lại cùng loại virus, từ đó giúp bảo vệ chống lại bệnh tật và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sự bảo vệ miễn dịch lâu dài này liên quan đến một số thành phần. Để hiểu rõ hơn về vấn đề “miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?”, cần tìm hiểu rõ các thành phần của hệ thống bảo vệ miễn dịch, bao gồm:

  • Kháng thể: Đây là các protein lưu thông trong máu và là một thành phần của hệ miễn dịch, có khả năng nhận ra và vô hiệu hóa các chất lạ như virus. Trong đó, kháng thể IgG xuất hiện trong máu và dịch ngoại bào, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Còn kháng thể trung hòa là những kháng thể dính vào virus, ngăn chặn virus lây nhiễm qua các tế bào khác.
  • Tế bào T hỗ trợ: Có vai trò giúp nhận biết mầm bệnh.
  • Tế bào T độc: Tiêu diệt mầm bệnh. Đây là loại tế bào tại chỗ, có tác dụng diệt virus tăng lên.
  • Tế bào B: Tạo ra kháng thể mới khi cơ thể cần chúng. Khi có kháng nguyên đến, tế bào B sẽ kích hoạt, nhân lên, sản xuất ra kháng thể tấn công các mảnh virus còn lại.

Tất cả 4 thành phần của hệ thống miễn dịch này đều đã được tìm thấy ở những người phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, những chi tiết cụ thể về phản ứng miễn dịch này và thời gian miễn dịch tồn tại bao lâu sau khi nhiễm bệnh vẫn còn chưa rõ ràng.

 

Các thành phần của miễn dịch ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

Câu hỏi “miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?” khó có thể trả lời được một cách dứt khoát, bởi vì khả năng miễn dịch sau khỏi bệnh dựa vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố kháng thể trung hòa được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất và được xem như dấu hiệu của khả năng miễn dịch, bởi vì yếu tố này rất dễ đo lường.

Tuy nhiên, miễn dịch không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng kháng thể trung hòa. Kháng thể trung hòa ít hay yếu không có nghĩa là cơ thể không có miễn dịch. Cần phải xem xét thêm yếu tố “trí nhớ miễn dịch” của tế bào. Nghĩa là, khả năng miễn dịch còn được xác định bởi các yếu tố khác ngoài kháng thể, chẳng hạn như trí nhớ tế bào T và B, mà một số nghiên cứu ước tính có thể tồn tại trong nhiều năm. Vì vậy, để biết được miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19, cần hiểu rõ các thành phần của miễn dịch ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu.

 

Kháng thể trung hòa ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

Dữ liệu chỉ ra rằng kháng thể trung hòa tồn tại trong ít nhất là vài tháng ở ngừời đã khỏi COVID-19 nhưng giảm nhẹ về số lượng theo thời gian. Điều này phù hợp với cả trường hợp bệnh nhẹ và nặng, nhưng đa số những người bị bệnh nặng thường sẽ có nhiều kháng thể hơn và số lượng kháng thể ở mỗi người là khác nhau.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Immunity cho biết, trên 5882 người đã khỏi COVID-19, các kháng thể vẫn tồn tại trong máu từ 5 đến 7 tháng sau khi bị bệnh, thậm chí có thể lâu hơn nữa. Số lượng kháng thể khá ổn định theo thời gian. Trong khoảng 4 tháng, những kháng thể COVID-19 không hề suy giảm, chỉ giảm nhẹ sau 6 đến 8 tháng kể từ khi khỏi bệnh. Trong đó, những người bị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình có kháng thể trung hòa trong ít nhất 5 tháng, còn trung bình những bệnh nhân khỏi COVID-19 thường có kháng thể trung hòa trong 6 tháng.

Những người đã mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng hoặc không có triệu chứng đều sở hữu các kháng thể đa chức năng, có thể vô hiệu hóa virus hoặc hỗ trợ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Phản ứng rộng rãi này có thể góp phần bảo vệ lâu dài hơn, ngay cả khi khả năng vô hiệu hóa suy giảm.

Tế bào B tồn tại trong cơ thể người khỏi COVID-19 bao lâu?

Mặc dù các kháng thể có xu hướng suy yếu dần theo thời gian, nhưng điều này không có nghĩa là hệ thống miễn dịch phải bắt đầu lại từ đầu. Ký ức về một lần nhiễm virus trong quá khứ có thể được lưu trữ trong tế bào B. Tế bào B là tế bào miễn dịch có thể tồn tại trong cơ thể lên đến nhiều năm và có thể nhanh chóng tạo ra nhiều kháng thể hơn nếu gặp lại virus. Phát hiện này cho thấy hầu hết mọi người từng nhiễm bệnh đều có phản ứng miễn dịch lâu dài với COVID-19.

Thông thường, tế bào B tồn tại hơn 6 tháng sau khi một người khỏi COVID-19. Thậm chí, có nghiên cứu còn phát hiện rằng tế bào B vẫn tồn tại đến 8 tháng sau khi khỏi bệnh, và số lượng của các tế bào này dường như không giảm trong thời gian nghiên cứu. Điều này rất quan trọng vì cho thấy được cơ thể có thể “ghi nhớ” SARS-CoV-2. Nếu gặp lại virus, các tế bào B có thể nhanh chóng trang bị và tạo ra kháng thể để chống lại bệnh.

Các tế bào T ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

Số lượng tế bào T đối với virus cũng duy trì ở mức cao sau khi khỏi bệnh. Tế bào T và B có vai trò trung tâm trong việc chống lại nhiễm trùng và quan trọng là thiết lập khả năng miễn dịch lâu dài. Một số tế bào T và B hoạt động như các tế bào nhớ, tồn tại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, có sẵn mồi và sẵn sàng kích hoạt lại một phản ứng miễn dịch rộng hơn, tạo ra kháng thể một cách nhanh chóng nếu mầm bệnh xâm nhập cơ thể một lần nữa. Chính những tế bào này tạo ra khả năng miễn dịch thực sự lâu dài.

Cũng như các kháng thể, số lượng các loại tế bào miễn dịch ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, trong khi số lượng kháng thể giảm theo thời gian, các tế bào T và B vẫn tồn tại đến 8 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Đây là những nghiên cứu ban đầu về vai trò của tế bào T và B trong khả năng miễn dịch COVID-19. Các nhà khoa học vẫn cần thêm thời gian để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn đối với các thành phần của hệ thống miễn dịch này.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top