Nội tạng động vật bao lâu ăn một lần ?

Nội dung

Nội tạng bao gồm các cơ quan của động vật mà con người sử dụng làm thực phẩm chế biến, tiêu thụ, phổ biến là nội tạng bò, lợn, cừu, dê, gà, vịt. Nội tạng trong chế độ ăn cung cấp nhiều lợi ích, bao gồm bổ sung sắt, mang lại cảm giác no lâu hơn, duy trì khối lượng cơ bắp của cơ thể.

Tuy nhiên, trong nội tạng động vật có chứa nhiều đạm, axit bão hòa, cholesterol. Khi cơ thể hấp thụ nhiều các chất này gây bệnh lý về thành mạch - xơ cứng thành mạch (đặc biệt mạch vành), cao huyết áp.

Do đó, các khuyến cáo cho thấy người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật 2-3 bữa/tuần, tương đương 50-70 g mỗi lần. Trẻ em ăn 1-2 bữa/tuần, tương đương 30-50 g. Ngoài ra, nếu bạn bị gout thì nên tiết chế bởi các loại thịt nội tạng đặc biệt chứa nhiều purin, ăn nhiều nguy cơ tăng axit uric, khiến bệnh nặng.

Khi ăn, nên lựa chọn các nội tạng còn tươi từ động vật không bị bệnh, sơ chế cẩn thận, rửa sạch bằng muối, trần nước sôi trước khi nấu. Nấu chín kỹ, không nên ăn tái. Người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch không nên ăn.

 

Nên ăn lòng lợn non hay già?

Ăn lòng động vật có mặt lợi cũng như hại cho sức khỏe, phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như loại lòng, cách chế biến. Lòng động vật nói chung cung cấp dưỡng chất như protein, vitamin (B12) và khoáng chất (sắt, kẽm). Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng có thể khác nhau tùy thuộc loại lòng động vật.

Mặt khác, lòng động vật thường có hàm lượng mỡ cao và chứa cholesterol, tiêu thụ quá nhiều sẽ gây tăng cholesterol máu, bệnh tim mạch cùng các vấn đề sức khỏe khác. Nếu không được chế biến hoặc nấu chín đúng cách, lòng có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc các chất gây hại khác, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc hoặc các bệnh nguy hiểm.

Lòng non là phần ruột đầu của con vật, thường được coi là phần mềm và có cấu trúc mỏng. Lòng non được xem là một món ăn phổ biến và có giá trị dinh dưỡng như protein, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, bộ phận này cũng có thể chứa các chất gây ô nhiễm từ thức ăn hoặc môi trường, đặc biệt khi con vật không được nuôi và chế biến đúng cách.

Ruột già là một phần của hệ tiêu hóa của động vật, có chức năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng dư thừa. Lòng già có thể chứa các chất cặn bã và chất thải, mang lại rủi ro ô nhiễm hoặc gây bệnh.

Để đảm bảo an toàn và tránh nhiễm khuẩn, cần đảm bảo rằng con vật được nuôi và chế biến an toàn, tuân thủ các quy định vệ sinh thực phẩm. Bạn nên mua thực phẩm từ nguồn gốc tin cậy; vệ sinh tay trước, sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh.

return to top