✴️ Các loại sán lá gan khác

Nội dung

OPISTHORCHIS FELINEUS

O.felineus là loại sán lá gan nhỏ kí sinh ở mèo, chó và người. Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người nhiễm (WHO,1995). 

Phân bố chủ yếu ở vùng Siberi thuộc châu Âu và châu Á (có nơi tỉ lệ nhiễm tới 80%), dọc theo hồ Baikan đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào…

Ở Việt Nam chưa có điều tra đầy đủ về tình hình nhiễm O.felineus. 

Sán trưởng thành màu đỏ, kích thước nhỏ: 7 - 8 x 3 - 4 mm. Khi kí sinh ở mèo, chó, kích thước nhỏ hơn kí sinh ở người (Hình 11.5).

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image152.jpg

Hình: Hình thể sán lá gan nhỏ Opisthorchis felineus và Opisthorchis viverrini

Trứng sán lá O.felineus giống trứng sán lá nhỏ C.sinensis, nhưng gai nhỏ ở đầu to không rõ, kích thước nhỏ hơn: 26 - 30µm. Điểm khác biệt về hình thể giúp cho chẩn đoán phân biệt là sán O.felineus có tinh hoàn chia thành thùy, không chia nhánh.

Vật chủ phụ 1: Ốc Bythinia leachi, Lymnaea.

Vật chủ phụ 2: Các loại cá họ cá chép: Cyprinindae như Idus melanotus.

Tinca tinca, Cyprinus carpio, Barbus barbus, Abramis brama, Alburnus lucidus…

Đặc điểm sinh học, vai trò y học, dịch tễ học và phòng chống giống như  sán lá gan loài C.sinensis.

 

OPISTHORCHIS VIVERRINI

O.viverrini là loại sán lá nhỏ kí sinh ở mèo, chó và người. Hiện nay trên thế giới có khoảng 7 triệu người nhiễm (WHO,1995). Bệnh phân bố chủ yếu ở Thái Lan và một số nước vùng Đông Nam châu Á. Ở một số nơi, tỉ lệ nhiễm rất cao: tỉnh Sadun, Thái Lan 25%, tỉnh Udorn, Thái Lan 46% dân số (Hairinasuta và CS, 1960). 

Trước đây, chưa có thông báo về tình hình nhiễm O.viverrini ở Việt Nam. Từ năm 1992, theo tác giả Nguyễn Văn Chương và CS đã phát hiện được loài sán lá gan nhỏ O.viverrini tại xã An Mĩ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi có lưu hành ổ bệnh sán lá gan nhỏ này với tỉ lệ nhiễm khá cao 36,97% (1992). Sau đó, do có biện pháp phòng chống và điều trị tích cực, tỉ lệ nhiễm giảm rõ rệt chỉ còn 15,22% (1998).

Hình thể O.viverrini rất giống O.felineus. Nhưng theo Wykoff và CS.

(1965) thấy có sự khác biệt về hình thể của các tế bào ngọn lửa ở giai đoạn metacercaria của mỗi loài (Hình 11.6).

Vật chủ phụ 1 của sán O.viverrini là:Ốc Bithynia goniomphalus, B.funnicalata, B.laevis…

Vật chủ phụ 2 của sán O.viverrini là: Các loại cá Punteus orphoides, Hampala dispar và Cyclocheilichthys siaja.

Các đặc điểm sinh học, bệnh học, dịch học tương tự như sán O.felineus.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top