✴️ Nấm Sporothrix schenckii

Nội dung

Nấm Sporothrix schenckii gây bệnh sporothrichosis, còn gọi là gardener’s disease (bệnh của người làm vườn). Schenck mô tả trường hợp đầu tiên ở Mĩ năm 1898. Năm 1912 Beumann và Gougerot mô tả chi tiết hình dạng của nấm. 

 

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Nấm S.schenckii là một loài nấm lưỡng dạng (dimorphism). Trong tự nhiên nấm thường sống trong đất và trên các cây, xâm nhập da qua các vết sây sát, đôi khi nấm xâm nhập theo đường hô hấp. 

 

VAI TRÒ Y HỌC

Nấm có thể gây tổn thương ở da, tổ chức dưới da và hệ bạch huyết lân cận (adjacent lymphatics), có thể gây tổn thương các cơ quan như  mạch máu, xương, cơ,  hệ thần kinh trung ương, phổi hay hệ sinh dục - tiết niệu.

Thể da - bạch huyết: là thể hay gặp nhất, tổn thương thường gặp ở vùng da hở (cẳng chân, cánh tay...). Tại chỗ da bị gai đâm, trầy xước... sau một thời gian xuất hiện cục sẩn cứng, lúc đầu di động sau đó trở nên dính, mềm dần rồi loét, chảy mủ sệt màu vàng. Dọc theo mạch bạch huyết từ dưới lên trên xuất hiện các tổn thương mới tiến triển như tổn thương ban đầu. Mạch bạch huyết bị sưng, dày như một sợi dây nhỏ dưới da. Tuy viêm loét như vậy nhưng bệnh nhân thường không sốt, không đau.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/n%E1%BA%A5m%20y%20h%E1%BB%8Dc/image076.jpg

Hình : Tổn thương dọc theo hệ bạch huyết ở cẳng tay  (thể da - bạch huyết).

Thể da đơn thuần: hiếm gặp. Tổn thương dạng sùi như hạt cơm, hay mụn cóc, có thể thành u to, loét, có dịch tiết hoặc mủ nhưng không lan ra mạch bạch huyết. 

Thể lan toả: hiếm gặp, chủ yếu ở những người suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân thường biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt nhẹ, tổn thương thùy trên của phổi, có thể ho ra máu, dần dần tạo thành hang ở phổi. Thông thường bệnh nhân có những biểu hiện ở cơ quan khác, đặc biệt ở da và xương, có thể gặp áp xe não, viêm màng não.

Thể nguyên phát ở phổi: do hít phải bào tử vào phổi. Thể bệnh này có thể không hiếm nhưng chẩn đoán khó nên thường bị bỏ qua. Biểu hiện lâm sàng và X quang khá giống lao: có hạch khí quản, rốn phổi và thâm nhiễm phổi, có thể có hang.

 

CHẨN ĐOÁN

Xét nghiệm trực tiếp: bệnh phẩm là mủ, dịch mủ tổn thương nhưng khó phát hiện nấm.

Sinh thiết mô nhuộm PAS, GMS có thể thấy những thể sao “asteroid bodies”, những tế bào nấm hình oval, hình điếu xì gà. 

Nuôi cấy: ở hai nhiệt độ để phát hiện hai dạng của nấm, nấm kháng cycloheximid.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/n%E1%BA%A5m%20y%20h%E1%BB%8Dc/image077.jpg

Hình : S.schenckii trong tiêu bản nhuộm PAS.

Dạng sợi: khi nuôi cấy trong môi trường Sabouraud ở nhiệt độ 20 - 260C, nấm phát triển sau 3 - 7 ngày; khuẩn lạc phẳng, màu kem, một tuần sau khuẩn lạc trở nên nhăn nheo và chuyển màu đen. Soi kính hiển vi thấy những sợi nấm mảnh, có vách ngăn, phía trên có các bào tử đính hình cầu hay hình oval 2 - 3 x3 - 6 µm đứng thành đám giống bông hoa. 

Dạng men: khi nuôi cấy trên môi trường dịch chiết tim có 10% máu và ở nhiệt độ 370C; khuẩn lạc giống khuẩn lạc của vi khuẩn, màu vàng hay xám  nhạt. Soi kính hiển vi thấy tế bào nấm men có kích thước 1 - 3 x 8 - 10 μm, gần giống điếu xì gà.

 

Chẩn đoán miễn dịch

Test da: dùng 0,1ml kháng nguyên sporotrichin đã được pha loãng 2.000 lần làm test, đọc kết quả sau 48 giờ, đường kính nốt sẩn lớn hơn 3 cm là dương tính. Chủ yếu dùng trong điều tra dịch tễ học. 

Có thể làm phản ứng ngưng kết, kết tủa, hoặc cố định bổ thể để chẩn đoán.

Gây nhiễm động vật: có thể gây nhiễm                                          

cho chuột, chó, mèo... Bệnh phẩm được tiêm vào ổ bụng, tinh hoàn... sau một thời gian lấy mủ đuôi chuột hoặc dịch tinh hoàn nhuộm Gram, phát hiện tế bào nấm men giống điếu xì gà.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/n%E1%BA%A5m%20y%20h%E1%BB%8Dc/image079.jpg

Hình : S.schenckii nuôi cấy ở nhiệt độ phòng (20 - 26° C).

 

ĐIỀU TRỊ

Tổn thương da: thường đáp ứng tốt với kali iodua bão hoà, đến nay vẫn dùng iodua kali liều tăng dần từ 2 - 4 - 6 -12 gam trong ngày, trong nhiều tuần. Itraconazole (400mg/ngày) hoặc terbinafine (250 mg hai lần một ngày) có giá trị mặc dù cần điều trị kéo dài, duy trì ít nhất một tháng sau khi tổn thương đã lành.

Với thể lan toả iodua kali ít tác dụng, có thể dùng itraconazole hay amphotericin B.

 

DỊCH TỄ HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG

Bệnh thường gặp ở nam giới, khoẻ mạnh, dưới 30 tuổi, ít gặp ở trẻ em, hay gặp ở những người làm vườn, làm ruộng, thợ nề, trồng hoa hoặc bán hoa, những người tiếp xúc với đất, có nhiều trường hợp lây nhiễm trong phòng thí nghiệm. Bệnh xuất hiện khắp nơi trên thế giới, chủ yếu ở Mĩ, Mehico, ngoài ra còn thấy ở Pháp, Liên Xô (cũ), Nam Phi. Ở Việt Nam bệnh thường gặp ở miền Bắc.

Phòng bệnh: các biện pháp bảo vệ da, chống gai đâm, trầy xước da…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top