✴️ Phòng chống côn trùng gây bệnh viêm da thường xuất hiện vào đầu mùa mưa

ĐẶC ĐIỂM:

Có nhiều loài côn trùng gây bệnh viêm da, ở đây tác giả chỉ giới thiệu loài côn trùng có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis thuộc giống Paederus, họ Staphylinidae, bộ Coleoptera. Đây là loài kiến 3 khoang thuộc côn trùng cánh cứng nhỏ có chiều dài khoảng 1cm, bề ngang khoảng 2mm, trên cơ thể chúng có 2 khoang màu đỏ và 3 khoang màu đen rất nổi bật.

Loài côn trùng này không đốt hoặc chích, cách chúng gây tổn thương trên cơ thể người là do tình cờ bị chà xát làm kích ứng gây phóng thích chất dịch trong cơ thể kiến có chứa chất pederin. Chính chất này là nguyên nhân gây tổn thương trên da.

Kiến 3 khoang

Một số hình ảnh sau cho thấy một vài vị trí trên cơ thể người dễ bị tổn thương nhiều nhất, đó là cổ, 2 bên mặt và cánh tay.

Hình ảnh vết thương do kiến 3 khoang gây ra

Biểu hiện của bệnh này thường làm chúng ta dễ nhầm với các bệnh ngoài da khác như viêm da dị ứng cấp, viêm da do hóa chất hoặc viêm da do một loài chân đốt khác. Đặc điểm tổn thương trên da do loài côn trùng này gây ra thông thường là có một vạch dài nằm giữa vùng bị viêm.

Không may là phản ứng viêm da không xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chất paederin. Hiện tượng tổn thương da này chỉ phát hiện 1 ngày sau khi tiếp xúc, do đó nếu ta tình cờ chà xát con bọ này lên da trong lúc ngủ hoặc ta vô tình chà xát nó mà không biết. Ta có thể làm lan chất này tới vùng khác của cơ thể như mắt chẳng hạn, qua bàn tay bị nhiễm chất paederin. Cuối cùng ta không biết mắt ta bị tổn thương có nguyên nhân từ đâu.

 

ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ:

Loài côn trùng cánh cứng này có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thường gặp nhất là ở Châu Phi và Châu Á. Loài côn trùng này sống ở những nơi ẩm ướt và chúng rất có lợi trong nông nghiệp vì chúng là con vật săn mồi, ăn những côn trùng gây hại mùa màng. Chúng hoạt động vào ban đêm và rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Mặc dù có thể bay nhưng chúng thích chạy hơn và rất nhanh nhẹn. Tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong vài năm gần đây đã phát hiện nhiều điểm có loài côn trùng này như bệnh viện Chợ Rẫy, khu chế xuất Ninh Thuận và nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh… Loài kiến này thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa hàng năm.

 

CÁCH PHÒNG CHỐNG:

Tránh tiếp xúc với loài côn trùng cánh cứng này là cách tốt nhất để phòng chống sự tổn thương do chất paederin gây ra. Muốn vậy ta phải thực hiện 1 số biện pháp sau:

Ta phải nhận dạng và phân biệt được chúng so với các loài bọ cánh cứng khác. Trên cơ thể các loài thuộc giống Paederus (hình ngoài cùng bên phải) có 2 khoang đỏ và 3 khoang đen rất điển hình không thể nhầm với giống khác.

Đặc điểm phân biệt giữa giống Paederus với một số giống côn trùng khác

Nếu đã tiếp xúc với loài côn trùng này hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với nó bạn nên thực hiện một số bước sau:

Nếu có một con kiến 3 khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

Nếu bạn lỡ tay chà xát nó trên da mình thì phải rửa tay thật sạch ngay tại những vùng da, quần áo mà tay bạn đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

Nếu có sự hiện diện của loài côn trùng này trong khu vực ta đang ở, ban đêm nên thay thế đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì loài côn trùng này rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngăn cản loài côn trùng này vào nhà bằng cách:

Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào.

Nên ngủ trong màn.

Làm sạch những cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài côn trùng này.

Báo cho cơ quan y tế biết nếu có sự xuất hiện quá nhiều của loài côn trùng này

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top