✴️ Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Với tỷ lệ gia tăng số người mắc bệnh viêm gan B, cùng thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, dùng chung bát, đũa, đồ ăn với người mắc virus viêm gan B trong cộng đồng, gia đình và tại nơi làm việc. Đã có không ít người lo lắng rằng bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau đây.

 

Những điều cần biết về virus viêm gan B

Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus HBV (virus viêm gan B) gây ra. Chúng gây tình trạng viêm gan cấp tính và mạn tính. Thường thì ban đầu sẽ nhiễm virus viêm gan B cấp tính nhưng do không được theo dõi và điều trị đúng, bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính và có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Hiện nay phần lớn số người bị xơ gan, ung thư gan do virus viêm gan B gây ra đều là do mắc viêm gan B mạn tính.

Bệnh viêm gan B thường diễn ra rất âm thầm, không có biểu hiện cụ thể nào, đến khi người bệnh phát hiện thấy các dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, đau bụng, buồn nôn,… đến viện kiểm tra thì tình trạng đã nặng và cần phải điều trị ngay tránh gây biến chứng nguy hiểm cho gan. Virus viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Chính vì thế mà đã có không ít người bị viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan do virus viêm gan B nhưng không hề hay biết. Đến khi đi kiểm tra người bệnh mới được phát hiện ra thì khi đó bệnh đã nặng.

bệnh viêm gan b

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (virus HBV) gây ra

 

Những con đường lây nhiễm virus viêm gan B

Virus viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: Máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con.

Lây truyền qua máu

Phần lớn các trường hợp bị nhiễm virus viêm gan B là do lây truyền qua đường máu. Điều này thường xảy ra khi truyền máu hoặc các chế phẩm qua máu, phẫu thuật, tiêm chích… Ngoài ra một số trường hợp dễ lây truyền viêm gan virus B  qua máu như dùng chung dụng cụ có khả năng dính máu từ người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng (nếu bị chảy máu miệng, chân răng). Virus viêm gan B cũng lây qua vết trầy xước, dụng cụ xăm mắt, xăm môi, xăm người nếu dính máu của người nhiễm virus viêm gan B và không được khử trùng đảm bảo.

Lây truyền từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang thai nhi. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%. Nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ, tỷ lệ này 10% và tăng 60-70% khi mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ mẹ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau sinh.

Lây truyền qua đường tình dục

Virus viêm gan B có thể lây qua hoạt động quan hệ tình dục cùng giới hoặc khác giới. Khi quan hệ với người bị nhiễm virus viêm gan B khả năng bạn bị nhiễm virus này có thể lên đến 80-90% nếu bạn không có các biện pháp bảo vệ an toàn.

 

Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

virus viêm gan B không lây qua đường ăn uống

Virus viêm gan B không lây qua đường ăn uống

 

Hiện nay Virus viêm gan B chủ yếu lây qua 3 con đường trên. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh loại virus này có thể lây qua đường ăn uống, tiếp xúc, giao tiếp hay dùng chung đồ ăn, bát đũa với người bị nhiễm viêm gan B. Do đó nếu trong gia đình có người bị nhiễm virus viêm gan B thì bạn cũng không nên quá lo lắng virus này sẽ lây truyền qua đường sinh hoạt hay ăn uống chung. Nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm virus viêm gan B, thì cách tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để được thăm khám chẩn đoán mình đã bị nhiễm virus viêm gan B chưa và cũng có biện pháp điều trị hiệu quả cho cả hai.

 

Điều trị bệnh viêm gan virus B

Viêm gan virus B cấp tính

Giai đoạn này nếu triệu chứng nhẹ, không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi. Và trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, cần có một độ ăn cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể.

Ngoài ra, trong vòng 2 tuần từ khi bị nhiễm virus viêm gan B, cần phải tiêm huyết thanh kháng virus cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh như phụ nữ đang mang thai, bạn tình. Tuy nhiên hiện nay viêm gan virus B cấp tính chiếm số lượng ít, phần lớn người bệnh phát hiện và kiểm tra bệnh đã ở gia đoạn mạn tính.

Viêm gan B mạn tính

Mục đích điều trị giai đoạn này là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm thuốc kháng virus có thể giúp chống lại virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan do virus gây ra. Trường hợp gan đã bị hủy hoại quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ phần gan bị hủy hoại và thay bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Điều trị virus viêm gan B là một hành trình dài cần sự kiên trì của người bệnh.

 

Phòng ngừa bệnh viêm gan B như thế nào?

Sinh hoạt tình dục an toàn.

Tránh tiếp xúc với các vết thường hở, vết trầy xước chảy máu của những người bị nhiễm virus viêm gan B.

Tiêm phòng virus viêm gan B.

Thăm khám sức khỏe định kỳ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top