Bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Virus viêm gan B dễ dàng lây nhiễm qua nhiều con đường. Hãy cảnh giác và có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
1. Định nghĩa bệnh viêm gan B
Viêm gan B gây ra bởi virus viêm gan B (HBV) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh tác động lớn đến chức năng, hoạt động của gan, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Đây là bệnh lý phổ biến trên toàn cầu, là mối đe dọa lớn cho sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, số người mắc viêm gan B mãn tính trên thế giới lên đến con số 400 triệu người. Riêng ở Việt Nam, theo số liệu thống kê, khoảng 20% dân số nhiễm virus viêm gan B.
Virus viêm gan B được mệnh danh là “sát nhân thầm lặng”, tồn tại trong máu và các chất dịch của người bệnh. Chúng gây ra viêm gan B cấp và mạn tính, làm suy giảm chức năng gan, gây nhiễm trùng gan, đe dọa đến tính mạng. Bệnh lý này chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan.
2. Dấu hiệu của bệnh viêm gan B
Rất khó để nhận biết viêm gan B vì bệnh có triệu chứng không rõ ràng. Đó là lý do vì sao rất nhiều người không hề biết rằng mình đã bị nhiễm bệnh. Cần lưu ý rằng, ngay cả khi không có triệu chứng, virus viêm gan B vẫn tiến triển âm thầm và có thể khiến gan bị tổn hại nặng nề.
Những dấu hiệu cảnh báo của viêm gan B thường bao gồm:
– Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng;
– Xương khớp đau nhức;
– Thường xuyên buồn nôn và nôn;
– Đau bụng, sưng chướng bụng, đau hạ sườn phải;
– Nước tiểu có màu vàng sẫm;
– Đại tiện phân sẫm màu hoặc có màu xanh xám;
– Thường xuyên gặp hội chứng rối loạn tiêu hóa;
– Vàng mắt, vàng da;
– Dấu hiệu xuất huyết dưới da.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm gan B có thể phát triển thành nhiều bệnh lý nguy hiểm như suy gan, xơ gan cổ trướng, ung thư gan,… Khi có các dấu hiệu nói trên, người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt để xác định bản thân có nhiễm viêm gan B hay không.
3. Viêm gan B lây qua đường nào?
Cơ chế lây nhiễm của virus viêm gan B tương tự với virus HIV. Tuy nhiên, virus viêm gan B được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao gấp 100 lần HIV. Chủng virus này có thể sống ngoài tự nhiên đến 1 tháng, trong khi virus HIV không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể.
Viêm gan B lây qua 2 con đường như sau: đường lây nhiễm theo chiều dọc (vertical contamination) và đường lây nhiễm theo chiều ngang (horizontal contamination). Theo đó, virus viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu, lây qua quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.
3.1. Bệnh viêm gan B lây nhiễm theo chiều dọc
Đây là đường lây nhiễm phổ biến của viêm gan B. Virus viêm gan B từ phụ nữ mang thai có thể truyền sang con.
Tỷ lệ lây truyền phụ thuộc và từng giai đoạn cụ thể của thai kỳ. Cụ thể, tỷ lệ lây truyền khoảng 1% nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Thai phụ nhiễm bệnh ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, nguy cơ lây sang con lần lượt là 10% và 70%. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nồng độ HBV DNA của mẹ, mức độ lây nhiễm virus viêm gan B sang con sẽ khác nhau.
– Nếu HBV DNA của mẹ < 10 mũ 5 copies/ml: Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 0%.
– Nếu HBV DNA của mẹ từ 10 mũ 9 – 10 mũ 10 copies/ml: Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 50%.
– Nếu HBV DNA của mẹ từ 10 mũ 9 copies/ml trở lên: Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 28 – 39% (Kể cả khi trẻ đã chích ngừa HBV ngay sau khi sinh).
Bên cạnh đó, tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ cũng ảnh hưởng đến mức độ lây nhiễm.
– Trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm viêm gan B nếu mẹ có HBeAg (+) và không được điều trị dự phòng miễn dịch.
– Tỷ lệ lây nhiễm là 32% nếu mẹ có HBeAg (-). Thường gặp nhất là trường hợp mẹ bị viêm gan B mạn có HBeAg (-).
3.2. Bệnh viêm gan B lây nhiễm theo chiều ngang
Ngoài tồn tại trong máu người bệnh, virus viêm gan B còn được tìm thấy trong các chất dịch của cơ thể. Người lành có thể nhiễm bệnh qua các con đường sau đây:
– Lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, các vật phẩm của máu người nhiễm bệnh. Đây là đường lây nhiễm quan trọng nhất vì lượng virus trong máu luôn có tỷ lệ rất cao. Bệnh có thể lây qua truyền máu, sử dụng chung kim tiêm (xăm mình, xỏ khuyên, chích thuốc, châm cứu,…) với người bệnh nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách.
– Dùng chung các đồ dùng cá nhân (như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay) có dính máu hoặc dịch của người bệnh.
– Không có biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B. Tất cả hành vi tình dục khác giới hoặc khác giới đều có thể làm lây nhiễm bệnh nếu không có biện pháp phòng tránh.
– Trong dịch âm đạo, tinh dịch của người bệnh có nồng độ virus thấp hơn 100 lần so với trong huyết tương. Virus viêm gan B cũng được tìm thấy trong các dịch khác như dịch màng bụng, dịch não tủy, dịch màng phổi,… Nước bọt, mồ hôi, sữa, nước tiểu, phân, dịch mật của người bệnh cũng có chứa virus với nồng độ rất thấp. Do đó khả năng lây nhiễm qua các dịch này cũng rất thấp.
– Bệnh không lây truyền qua thức ăn, nước uống và tiếp xúc thông thường.
4. Cách phòng tránh bệnh viêm gan B
Tiêm vaccine phòng viêm gan B được đánh giá là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Trước khi tiêm phòng, người chưa bị nhiễm HBV cần làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs. Theo khuyến cáo của WHO, trẻ em cần tiêm vaccine phòng viêm gan B càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Sau đó tiếp tục tiêm 2 hoặc 3 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần.
Ngoài tiêm vaccine, bạn có thể tham khảo một số cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B như sau:
– Luôn dùng bơm kim tiêm mới, đảm bảo vô trùng; không dùng chung bơm kim tiêm với người khác.
– Chỉ thực hiện xăm hình, xăm môi, châm cứu, xỏ khuyên,… tại những cơ sở uy tín, an toàn.
– Không dùng chung với người khác các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng,…
– Quan hệ tình dục an toàn, thủy chung, sử dụng bao cao su để phòng ngừa nhiễm bệnh.
– Dùng dụng cụ bảo vệ khi tiếp xúc với máu, các vết thương hở, chất dịch của người khác.
– Trước khi có ý định mang thai, vợ chồng cần đi kiểm tra để xác định có bị nhiễm viêm gan B không, từ đó có biện pháp dự phòng cần thiết, tránh lây nhiễm cho con.
– Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần thăm khám định kỳ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
– Băng kín các vết thương hở, tránh tiếp xúc với máu và dịch tiết của người nhiễm viêm gan B.
– Khám sức khỏe gan mật định kỳ để sàng lọc bệnh viêm gan B, đồng thời phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh lý về gan.
5. Kết luận
Bài viết đã gửi đến bạn đọc thông tin về các con đường lây nhiễm viêm gan B và cách phòng tránh hiệu quả. Hãy thực hiện các biện pháp nói trên để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, chủ động thăm khám định kỳ giúp sàng lọc các viêm gan B và các vấn đề gan mật nói chung. Từ kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá chính xác chức năng gan mật tư vấn chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học để phòng ngừa bệnh lý, bảo vệ sức khỏe gan mật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh