✴️ Những yếu tố quan trọng giúp bạn phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết

1. Những yếu tố quan trọng để phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết

Sốt phát ban và sốt xuất huyết là hai bệnh khác nhau. Bạn có thể dựa vào những yếu tố quan trọng dưới đây để nhận biết rõ hai căn bệnh này: 

  • Nguyên nhân gây bệnh

+ Sốt xuất huyết: Loại virus gây ra bệnh sốt xuất huyết có tên là Dengue và có thể lây truyền trung gian qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Cụ thể là loại muỗi này có thể hút máu của người bệnh và truyền bệnh sang cho người khỏe mạnh. Khi thời tiết ẩm ướt, thay đổi thất thường, loại muỗi này sẽ hoạt động mạnh, truyền bệnh cho nhiều người cùng một lúc và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Virus Dengue gây sốt xuất huyết và có thể lây truyền trung gian qua muỗi vằn Aedes Aegypti

Virus Dengue gây sốt xuất huyết và có thể lây truyền trung gian qua muỗi vằn Aedes Aegypti

+ Sốt phát ban: Đây là bệnh có thể do nhiều loại virus gây ra nhưng chủ yếu là virus sởi và virus rubella. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến là ở trẻ em. Sốt phát ban có thể gây lây lan từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng của người bệnh. 

  • Mức độ nguy hiểm 

+ Sốt xuất huyết: Bệnh sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt bệnh nhân béo phì hoặc là trẻ dưới 12 tháng tuổi là những đối tượng có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau khi khởi phát triệu chứng bệnh, bệnh nhân thường có nguy cơ trở nặng vào ngày thứ 3 - ngày thứ 7.

Một số biến chứng của bệnh có thể kể đến như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, gan to, xuất huyết dưới da, xuất huyết ở niêm mạc, xuất huyết nội tạng. Bệnh nhân nặng có thể bị suy tạng, chẳng hạn như viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não,…

+ Sốt phát ban: Đối với những bệnh nhân bị sốt phát ban, từ sau ngày thứ 4, các triệu chứng của người bệnh sẽ dần được cải thiện, bệnh nhân đã hạ sốt và có thể ăn uống được bình thường. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với những đối tượng người bệnh có sức đề kháng kém, dưới 1 tuổi, suy dinh dưỡng, thể trạng suy nhược. 

Sốt cao là triệu chứng của sốt phát ban

Sốt cao là triệu chứng của sốt phát ban

Bệnh sốt phát ban có thể gây ra một số biến chứng sau viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, viêm phổi, viêm màng não, suy dinh dưỡng nghiêm trọng hậu nhiễm sởi. Trong đó, viêm não chính là biến chứng nguy hiểm nhất thường gặp ở trẻ em. 

  • Dấu hiệu nhận biết

+ Sốt xuất huyết: Các triệu chứng của sốt xuất huyết rất phức tạp và được chia thành các giai đoạn khác nhau.

Ở giai đoạn sốt: Người bệnh có thể sốt cao lên đến 40 độ C, dù đã uống thuốc hạ sốt nhưng thân nhiệt vẫn không giảm. Kèm theo đó là một số biểu hiện như chán ăn, nhức đầu, nhức hai hố mắt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, da xung huyết, chảy máu cao, chảy máu chân răng,… 

Ở giai đoạn nguy hiểm: Là giai đoạn sau khi khởi phát bệnh từ 3 đến 7 ngày. Lúc này, bệnh nhân có thể giảm sốt hoặc vẫn sốt kèm theo những biểu hiện như đau tức ngực, bụng to nhanh, khó thở, đau vùng hạ sườn phải, lạnh đầu chi, tiểu ít, kinh nguyệt kéo dài, mạch nhanh và nhỏ, vật vã hoặc li bì,…

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn hồi phục thường kéo dài từ 48 đến 72 giờ. Lúc này,người bệnh hết sốt, cơ thể dần hồi phục, bắt đầu thèm ăn, tiểu nhiều, huyết động ổn định. 

+ Sốt phát ban: Những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 38-40 độ C, thường sốt theo từng cơn kéo dài 3 đến 5 ngày. Bệnh nhân xuất hiện những nốt ban đỏ bắt đầu từ vùng ngực, lưng, cổ và cánh tay xuất hiện sau sốt khoảng 1 ngày. Một số biểu hiện kèm theo như ho, chảy nước mũi, tiêu chảy, sưng mí mắt, chán ăn và thường xuyên quấy khóc ở trẻ nhỏ. 

+ Một mẹo nhỏ để phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết là dùng ngón trỏ và ngón cái làm căng vùng da có nổi ban đỏ. Khi bỏ tay ra mà những dấu chấm đỏ biến mất và lại dần hiện lên thì rất có thể là biểu hiện sốt phát ban. Ngược lại, những nốt ban đỏ vẫn nổi lên khi căng da thì có thể là triệu chứng của sốt xuất huyết. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác và lên phác đồ điều trị kịp thời. 

 

2. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh tại nhà và cách phòng bệnh hiệu quả

- Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt phát ban và sốt xuất huyết tại nhà:

+ Sốt phát ban: Người bệnh cần nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, bù nước và điện giải khi bị sốt, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng,… Trong trường hợp trẻ sốt kéo dài hoặc có những biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, tiểu ít,… cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Người bệnh cần được bổ sung đủ nước

Người bệnh cần được bổ sung đủ nước

+ Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết: Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không dùng aspirin hay ibuprofen để tránh gây viêm dạ dày hay giảm kết tụ tiểu cầu và nguy cơ gây hội chứng Reye ở trẻ em. Nên thường xuyên theo dõi thân nhiệt của người bệnh. 

Người bệnh cần được uống nhiều nước. Bổ sung dưỡng chất đầy đủ, ưu tiên loại thức ăn dễ tiêu như cháp và các món súp. Nếu sốt cao kéo dài, uống thuốc hạ sốt không đỡ hoặc kèm theo có chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen cần đến bệnh viện ngay.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán sốt xuất huyết

Xét nghiệm máu để chẩn đoán sốt xuất huyết

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top