✴️ Thử HP dạ dày bằng phương pháp nào chính xác nhất?

Nội dung

Thử HP dạ dày là cách xác định chính xác một người có nhiễm khuẩn HP hay không để bác sĩ lên phác đồ chữa trị kịp thời.  Bạn đã biết những dấu hiệu cảnh báo vi khuẩn HP hay chưa?  Phương pháp kiểm tra và điều trị nào hiệu quả nhất? Lời giải đáp sẽ được hé lộ trong bài viết dưới đây.

 

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP được biết đến với tên khoa học là Helicobacter Pylori. Đây là một loại vi khuẩn sinh sản và phát triển bên trong dạ dày con người. Để có thể sống được bên trong môi trường dạ dày, khuẩn HP tự tiết ra enzyme Urease để trung hòa dịch vị acid. HP cũng là “thủ phạm” dẫn đến đau, viêm loét, viêm dạ dày mạn tính thậm chí là ung thư dạ dày.

hình ảnh vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tiêu hóa như viêm loét, viêm dạ dày mạn tính, ung thư.

 

2. Vì sao cần thử HP dạ dày?

Nếu có triệu chứng nghi ngờ khuẩn HP, bạn cần kiểm tra sớm vì HP rất nguy hiểm. Khuẩn HP không được chữa trị tận gốc sẽ tiến triển thành các bệnh viêm dạ dày mạn tính, viêm loét. Chưa hết, nghiên cứu chỉ ra có trên 35% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày bắt nguồn từ vi khuẩn HP. Thử HP dạ dày giúp phát hiện, điều trị sớm từ đó ngăn chặn những biến chứng khôn lường kể trên.

Hơn một nửa dân số thế giới bị nhiễm HP. Riêng tại nước ta, con số này lên đến 70%. Điều này chứng tỏ mức độ phổ biến của vi khuẩn HP. Đồng thời tốc độ lây nhiễm của nó rất đáng báo động. Vì thế test HP dạ dày xác định bạn có nhiễm vi khuẩn HP hay không, phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

 

3. Khi nào cần thử HP dạ dày?

Các dấu hiệu cảnh báo vi khuẩn HP thường không rõ rệt và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì thế bạn cần hết sức tinh ý và thận trọng với từng thay đổi nhỏ của cơ thể. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ khuẩn HP sau, bạn hãy lập tức thăm khám:

– Cơn đau nhức dữ dội đi kèm cảm giác nóng rát vùng bụng. Cảm giác đau nặng hơn khi đói bụng.

– Xuất hiện cảm giác nôn nao, muốn nôn ói đặc biệt là trước bữa ăn.

– Mất cảm giác ngon miệng, hứng thú với thức ăn.

– Thường xuyên ợ hơi ợ nóng.

– Bụng chướng, đầy hơi.

– Sút cân không chủ ý, không kiểm soát.

 

4. Các cách test khuẩn HP 

Có nhiều cách để test HP dạ dày với ưu nhược điểm, mức độ chính xác khác nhau. Tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở y tế cũng như tình trạng, nhu cầu bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Dưới đây là 4 cách xét nghiệm vi khuẩn HP hiện nay:

4.1. Nội soi dạ dày

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi gắn camera qua đường thực quản đi vào dạ dày người bệnh. Những hình ảnh bên trong niêm mạc dạ dày được trình chiếu lên màn hình. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy sinh thiết ở hang vị kèm thân vị dạ dày. 2 mảnh sinh thiết được ngâm vào một hỗn hợp dung dịch trong ống nghiệm. Sau khoảng 10 phút nếu dung dịch chuyển sang màu hồng cánh sen thì kết luận người bệnh dương tính với vi khuẩn HP.

Nội soi cho độ chính xác cao và được áp dụng phổ biến ở các cơ sở y tế. Không chỉ test HP dạ dày mà nội soi còn đồng thời chỉ điểm các bệnh lý tiêu hóa khác như polyp, viêm loét,… Tuy nhiên chuyên gia khuyến cáo người già sức khỏe kém và trẻ nhỏ không nên thực hiện nội soi. Nhóm đối tượng này có thể kiểm tra HP bằng phương pháp khác.

4.2. Thử HP dạ dày qua hơi thở

Test hơi thở là phương pháp mang tới độ chính xác lên đến 90%. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp đang theo dõi và đánh giá kết quả chữa trị HP. Hoặc áp dụng cho những đối tượng không thể nội soi. Test hơi thở không xâm lấn, không đau và chỉ mất 30 phút nên được xem là cách kiểm tra HP đơn giản nhất.

Người bệnh sẽ được yêu cầu thở vào túi đựng mẫu số 1. Tiếp đó bệnh nhân uống thuốc chứa Ure có đồng vị phóng xạ 13C. Bệnh nhân ngồi im trong vòng 20 phút. Sau thời gian trên, người bệnh sẽ thở vào túi đựng mẫu thứ 2. Các túi mẫu hơi thở này sẽ được phân tích bằng máy quang phổ kế. Lượng C13 đào thải trong hơi thở sẽ xác định người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP hay không.

Test hơi thở là biện pháp phổ biến để thử HP dạ dày

Test hơi thở là biện pháp phổ biến để kiểm tra vi khuẩn HP.

 

4.3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân test HP dạ dày thường được chỉ định cho bệnh nhân bị rối loạn tiểu tiện, bụng chướng và đau. Trước khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân không được sử dụng các loại thuốc trung hòa acid dạ dày, kháng sinh, bao vết loét,…

Mẫu phân của người bệnh được thu thập tại nhà. Nếu trong phân xuất hiện kháng nguyên của vi khuẩn HP thì người đó dương tính với khuẩn HP. Sau 1 đến 4 ngày người bệnh sẽ nhận được kết quả. Đây là thời gian tương đối lâu so với các biện pháp khác.

4.4. Thử HP dạ dày qua đường máu

Xét nghiệm máu cũng là phương pháp có thể chẩn đoán HP nhưng không được ưu tiên. Nồng độ kháng thể trong máu giảm rất chậm. Ngay cả khi điều trị xong thì kháng thể vẫn tồn tại một thời gian dài. Vì vậy phương pháp này có thể cho kết quả “dương tính” giả. Chỉ những cơ sở không thể tiến hành các cách test HP khác mới thực hiện xét nghiệm máu.

thuốc điều trị HP dạ dày

Điều trị HP dạ dày bằng thuốc.

 

5. Cách điều trị vi khuẩn HP dứt điểm 

Sau khi có kết quả test HP dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị cho những bệnh nhân sau:

– Bị viêm dạ dày kèm u MALT, viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày.

– Các trường hợp có người thân từng mắc ung thư dạ dày.

– Tiền sử có có polyp dạ dày.

– Một số đối tượng cần lưu ý điều trị: Người thiếu máu, sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) suốt 1 thời gian dài, người kém tiêu.

Đơn thuốc bao gồm kháng sinh và thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Người bệnh cần kiên trì dùng thuốc đúng phác đồ trong khoảng 2 tuần để tránh tình trạng HP kháng thuốc. Sau khi ngừng uống thuốc, người bệnh tiến hành test lại hơi thở. Nếu khuẩn HP vẫn còn tồn tại, bác sĩ sẽ chuyển hướng sang phác đồ với các loại kháng sinh khác.

Bài viết đã mang đến góc nhìn tổng quan, hữu ích cho bạn về các cách thử HP dạ dày và điều trị HP. Hy vọng rằng bạn luôn sở hữu hệ tiêu hóa khỏe mạnh!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top