1. Khái niệm ngừng tuần hoàn
Ngừng tuần hoàn là trạng thái ngừng tim đột ngột, ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi,... Có 3 trạng thái ngừng tuần hoàn là vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra khi nạn nhân bị điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ,... hoặc là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như xơ gan, suy tim, suy thận, ung thư,...
Trong điều kiện nhanh nhất có thể, cần cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn để cung cấp máu mang oxy đến cho tế bào não, đặc biệt là trong vòng 5 phút đầu kể từ thời điểm ngừng tim. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cần tiến hành tại chỗ, thực hiện ngay và đúng kỹ thuật.
2. Nguyên nhân ngừng tuần hoàn
Nguyên nhân do tim: Mắc bệnh thiếu máu cơ tim, tắc mạch vành cấp, các bệnh cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương tim chèn ép tim cấp hoặc kích thích trực tiếp vào tim;
Nguyên nhân tuần hoàn: Tắc mạch phổi, thiếu khối lượng tuần hoàn cấp và cơ chế phản xạ dây phế vị;
Nguyên nhân hô hấp: Do tràn khí màng phổi nặng, thiếu oxy cấp gây vô tâm thu (do dị vật, tắc đường thở), ưu thán (thừa CO2);
Nguyên nhân rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa kali, tăng catecholamin cấp, tăng canxi máu cấp, hạ thân nhiệt;
Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc: Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim, tác dụng phụ của thuốc;
Nguyên nhân khác: Điện giật, đuối nước,...
3. Chẩn đoán ngừng hô hấp và tuần hoàn
Dựa trên các triệu chứng cơ bản:
-Mất ý thức: Bệnh nhân khi được hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh;
-Ngừng thở hoặc thở ngáp: Xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân không có cử động thở;
-Ngừng tim: Mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn;
-Triệu chứng khác: Da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử hoặc mất phản xạ đồng tử với ánh sáng. Nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy. Nếu bệnh nhân đang thở máy, hôn mê thì monitor tim sẽ báo động và SpO2 giảm đột ngột.
Ngừng tim là dấu hiệu người bệnh đang ngừng hô hấp và tuần hoàn
4. Cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn
Phác đồ cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn dựa trên 3 bước cơ bản (A-B-C) như sau:
A: Airway: làm thông đường thở;
B: Breathing: thông khí nhân tạo;
C: Circulation: ép tim ngoài (hoặc trong) lồng ngực.
Nếu có điều kiện, có thể cho bệnh nhân dùng thuốc (D: Drugs) và sốc điện ngay.
4.1 A - Airway: Kiểm soát đường thở
Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ở tư thế ưỡn tối đa, mặt quay về một bên;
Người cấp cứu dùng tay mở miệng bệnh nhân ra, dùng các ngón tay móc sạch đờm dãi và dị vật trong miệng nếu có thể. Với dị vật nằm sâu và khó lấy, không nên cố lấy ra vì sẽ làm mất thời gian, có thể đẩy dị vật vào sâu thêm hoặc gây tắc đường thở hoàn toàn;
Có thể áp dụng nghiệm pháp Heimlich để làm văng dị vật đường thở ra ngoài. Cách thực hiện là: Người cấp cứu ôm xốc nạn nhân từ phía sau, một bàn tay thu lại thành nắm, đặt dưới mũi ức của nạn nhân, bàn tay còn lại đặt chồng lên bàn tay kia, ôm xốc nạn nhân lên sao cho nắm tay thúc mạnh vào thượng vị hướng về phía lồng ngực bệnh nhân. Nếu không thể sốc nạn nhân lên vì thể trạng quá nặng, có thể đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng, người cấp cứu ngồi trên người nạn nhân, 2 bàn tay đặt chồng lên nhau trên vùng thượng vị của nạn nhân và thúc mạnh về phía ngực. Với trẻ em, có thể cầm 2 chân dốc ngược rồi dùng tay vỗ mạnh vào vùng giữa 2 xương bả vai để làm bật dị vật ra ngoài.
4.2 B - Breathing: Thông khí cơ học - nhân tạo (hô hấp nhân tạo)
Có thể chọn kỹ thuật thổi miệng - miệng hoặc miệng - mũi.
Áp dụng thổi miệng - miệng: Người cấp cứu dùng 1 bàn tay đặt lên trán bệnh nhân, ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi bệnh nhân lại. Bàn tay thứ 2 nâng hàm dưới của bệnh nhân lên trên, ra trước, đồng thời mở miệng bệnh nhân ra. Người cấp cứu sau khi hít sâu thực hiện áp chặt miệng vào miệng nạn nhân, đồng thời thổi hết không khí dự trữ qua miệng;
Áp dụng thổi miệng – mũi: Người cấp cứu dùng tay nâng xương hàm dưới của bệnh nhân lên trên, ra trước, khép miệng bệnh nhân lại; tay còn lại đặt lên trán nạn nhân, ấn ngửa đầu nạn nhân ra sau. Sau khi đã hít sâu, người cấp cứu áp chặt miệng vào mũi nạn nhân rồi thổi hết không khí dự trữ qua mũi;
Tần số thổi đảm bảo 10 – 12 lần/phút.
Trong điều kiện có trang bị dụng cụ, bệnh nhân có thể được đặt ống nội khí quản hoặc úp masque bóp bóng. Người cấp cứu dùng masque úp khít lên mũi và miệng nạn nhân. Masque được nối với bóng bóp. Nên bóp bóng cho bệnh nhân khoảng 20 nhịp/phút. Tốt nhất là bóp bóng nối với nguồn oxy với lưu lượng là 6 – 8 lít/phút.
4.3 C - Circulation: Ép tim ngoài lồng ngực
Đặt người bệnh nằm ngửa trên nền cứng;
Người sơ cứu nên đứng dạng 2 chân 2 bên người bệnh, mặt hướng về phía người bệnh;
Đặt cùi lòng bàn tay trên điểm 1/3 xương ức, cách mũi ức khoảng 2 ngón tay, tay nọ đặt trên tay kia, các ngón tay đan nhau;
Động tác ép tim tiến hành theo chiều thẳng đứng, 2 tay chống ép thăng bằng trọng lượng cơ thể, biên độ ép xuống mỗi lần khoảng 4 – 5cm. Sau khi ép xuống cần thả ra để thời gian để tim giãn nở sao cho tần số ép tim lý tưởng là 80 – 100 lần/phút;
Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải thực hiện xen kẽ theo các chu kỳ hồi sức tim phổi. Một chu kỳ hồi sức tim phổi gồm 30 lần ép tim, sau đó là 2 lần thổi ngạt.
4.4 D - Drugs: Điều trị bằng thuốc
Adrenalin: Là thuốc hồi sức cơ bản. Nên dùng ngay liều cao 1 – 3mg tiêm tĩnh mạch, cách nhau 3 – 5 phút/lần, kết hợp với ép tim. Khi không thể tiêm tĩnh mạch, có thể dùng liều gấp đôi là 3 – 6mg, pha trong 10ml huyết thanh mặn 0,9% và bơm vào khí quản (tiêm qua màng giáp nhẫn hoặc ống nội khí quản) rồi bóp bóng thông khí mạnh 2 – 3 lần. Tuyệt đối không được tiêm adrenalin trực tiếp vào tim;
Hạn chế truyền natri cacbonat, chi truyền khi ngừng tim trên 15 phút hoặc biết trước bệnh nhân có toan chuyển hóa hoặc tăng kali máu. Nên dùng liều đầu 1mmol/kg và cứ 10 phút sau lại cho 0,5mmol/kg;
Chỉ dùng lidocain 1 – 2mg/kg sau khi đã dùng adrenalin và chống rung thất bại;
Bù dịch tĩnh mạch chỉ bắt buộc khi bệnh nhân mất máu hoặc thiếu khối lượng tuần hoàn. Nên dùng huyết thanh mặn 0,9%, không dùng dung dịch đường;
Dùng Atropin khi có ngộ độc phospho hữu cơ hoặc có nhịp chậm;
Dùng canxi cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn khi có hạ canxi máu từ trước, ngộ độc bởi các chất ức chế canxi hoặc bị tăng canxi máu;
Kích thích tim bằng máy chỉ thực hiện khi nhịp chậm, không đáp ứng với thuốc;
Bảo vệ não để tránh tụt huyết áp quá lâu, tránh sốt cao và co giật, tránh tăng đường máu và độ thẩm thấu máu.
4.5 Phá rung bằng sốc điện
Rung thất là tình trạng các thớ cơ tim rung lên hỗn loạn, không còn khả năng tống máu đi nuôi cơ thể và được coi là ngừng tuần hoàn. Phá rung bằng sốc điện là sử dụng dòng điện có cường độ lớn nhưng có hiệu điện thế thấp phóng qua trục của tim nhằm xóa sạch các ổ phát xung hỗn loạn, khôi phục lại tính tự động bình thường của hệ thống thần kinh tim.
Liều sốc điện thông thường là: Lần 1: 120j; lần 2: 150j; lần 3: 200j; lần 4: 200j nếu chưa phá được rung thất.
5. Đánh giá hiệu quả cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn
Cấp cứu có hiệu khi đạt mục đích cung cấp máu và oxy cho tuần hoàn não, tuần hoàn vành và các tổ chức tế bào. Biểu hiện lâm sàng là niêm mạc môi bệnh nhân ấm vào hồng trở lại, đồng tử co lại nếu thời gian thiếu oxy não ngắn và còn khả năng hồi phục. Hiệu quả hồi sức tốt hơn nếu có các dấu hiệu của sự sống như thở trở lại, tim đập lại, tri giác hồi phục,...
6. Khi nào ngừng cấp cứu?
Nếu đã áp dụng đúng và đầy đủ các biện pháp cấp cứu trên, không có điều kiện vận chuyển bệnh nhân đi xa hoặc gọi tuyến trên chi viện, cấp cứu trong vòng 60 phút mà đồng tử không co lại, tim không đập lại thì cho phép ngừng cấp cứu và bệnh nhân tử vong. Cần lưu ý, các trường hợp ngừng hô hấp và tuần hoàn trong điều kiện đặc biệt, khả năng chịu đựng thiếu oxy não có thể kéo dài hơn như ngừng tim trong điều kiện hạ thân nhiệt (do mổ với tuần hoàn ngoài cơ thể, ngừng tim ngoài trời do băng tuyết, chết đuối trong nước lạnh,...) hoặc ngừng tim mà trước đó có sử dụng các thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não hoặc trẻ sơ sinh thì cần phải cấp cứu kiên trì hơn vì vẫn có thể cứu sống bệnh nhân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh