Tăng nguy cơ đột quỵ do ngủ quá nhiều?

Nội dung

Nghiên cứu trên được tiến hành bởi tiến sĩ Yue Leng và đồng nghiệp ở Khoa Y tế Công cộng ở Đại học Cambridge, Anh và được công bố trên tạp chí Thần kinh học.

Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia, người trưởng thành từ 18-64 tuổi nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Nhưng nghiên cứu này cho thấy ngủ hơn 8 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng 46% nguy cơ bị đột quỵ. Nghiên cứu bao gồm hơn 9000 người có độ tuổi trung bình là 62.

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu tới não bị cản trở bởi các cục máu đông hoặc do mạch máu bị vỡ. Hơn 795.000 người ở Mỹ bị đột quỵ mỗi năm và đây là nguyên nhân gây ra khuyết tật hàng đầu ở quốc gia này.

“Thời gian ngủ kéo dài có nhiều khả năng là dấu hiệu sớm của nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi, “ tiến sĩ Leng cho biết. “Dù vậy, không nên diễn giải nghiên cứu trên theo hướng hạn chế giấc ngủ để giảm nguy cơ bị đột quỵ.”

Thời gian ngủ tăng có là dấu hiệu sớm của đột quỵ?

Để tìm ra câu trả lời, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 9.692 người có độ tuổi trung bình là 62 và chưa bao giờ bị đột quỵ. Trong thời gian theo dõi trung bình là 9,5 năm, cứ 4 năm một lần người tham gian nghiên cứu phải hoàn thành hai bảng câu hỏi về thời gian ngủ mỗi đêm. Trong thời gian theo dõi, 346 người bị đột quỵ.

So với người ngủ từ 6-8 tiếng mỗi đêm – được xem là thời gian ngủ “trung bình”, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy người ngủ hơn 8 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 46%. 

Ngoài ra, những người tăng thời gian ngủ từ 6-8 tiếng mỗi đêm lên hơn 8 tiếng trong thời gian theo dõi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 4 lần so với người ngủ 6-8 tiếng mỗi đêm một cách thường xuyên.

Bình luận về nghiên cứu trên, tiến sĩ Alberto Ramos ở Trường Y, Đại học Miami Miller, Mỹ nói:

“Chuyển thời gian ngủ từ ngắn sang dài có thể dấu hiệu sớm của đột quỵ và những người trong tình trạng này cần có biện pháp để giảm nguy cơ đột quỵ như giảm huyết áp và mức cholesterol.”

Tiến sĩ Leng cho biết hiện tượng thời gian ngủ gia tăng ở người tham gia nghiên cứu cho thấy sự buồn ngủ và mệt mỏi quá mức là kết quả của việc sức khỏe bị suy giảm.

“Ngoài ra, tăng thời gian ngủ cũng làm biến đổi dòng chảy của máu trong não và do đó đóng vai trò làm dấu hiệu sớm gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, cơ chế sinh học chính xác của hiện tượng này vẫn chưa rõ và cần thêm nghiên cứu để xác nhận,” bà nói.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top