Trong cách đọc chỉ số huyết áp, con số nào quan trọng hơn?

Nội dung

Thông thường, trong cách đọc chỉ số huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu (số đầu tiên) sẽ được chú ý nhiều hơn vì đây là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch đối với những người trên 50 tuổi. Ở hầu hết mọi người, huyết áp tâm thu tăng dần theo tuổi tác do sự tích tụ của mảng bám lên thành động mạch nhiều theo thời gian khiến thành động mạch xơ cứng lại. Sự tích tụ lâu dài của mảng bám (xơ vữa động mạch) sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim và mạch máu.

Tuy nhiên, chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương đều được sử dụng như điều kiện cần và đủ trong chẩn đoán và điều trị huyết áp cao. Theo các nghiên cứu gần đây, nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ tăng gấp đôi với mỗi 20 mmHg tâm thu hoặc 10 mmHg tâm trương tăng lên ở những người từ 40 đến 89 tuổi.

 

Cách đọc chỉ số huyết áp trên các loại máy đo

Máy đo huyết áp cơ

Máy đo huyết áp cơ bao gồm vòng bít quấn quanh cánh tay, bầu bóp cao su và đồng hồ đo. Khi thao tác, bác sĩ sẽ dùng thêm một ống nghe để nghe mạch đập tại vị trí khuỷu tay.

Bạn sẽ được quấn vòng bít quanh cánh tay, ở vị trí bắp tay. Sau đó, nhân viên y tế bóp bóng cao su để vòng bít phồng lên, ép chặt vào bắp tay, ngăn chặn máu chảy xuống cánh tay. Khi áp suất trên đồng hồ chỉ khoảng 220 mmHg, van bóng cao su sẽ được xả ra. Kim chỉ áp suất vòng bít sẽ giảm xuống. Lúc này, người đo phải nhìn thật kĩ, kim sẽ tạm ngừng ở chỉ số huyết áp tâm thu trước, tại vị trí với thời điểm nghe thấy tiếng đập đầu tiên của dòng máu vào màng ống nghe, sau đó đến tâm trương, tại vị trí với thời điểm không còn nghe thấy tiếng đập của dòng máu. Khi đã ghi được cả hai chỉ số huyết áp, người đo xả sạch van rồi tháo vòng bít ra khỏi người được đo.

Cách đọc chỉ số huyết áp trên loại máy đo này khó hơn, cần phải được đào tạo và luyện tập nên thường chỉ dành cho các bác sĩ, điều dưỡng hay các nhân viên y tế, bởi nếu cách đo không chính xác sẽ rất dễ gây ra sai số.

 

Cách đọc chỉ số huyết áp trên máy đo huyết áp điện tử

Máy đo điện tử dễ sử dụng hơn, phù hợp cho mọi người để đo huyết áp tại nhà.

Máy đo huyết áp điện tử cũng có một vòng bít quấn quanh cánh tay hoặc cổ tay. Để thổi phồng vòng bít, bạn chỉ cần nhấn nút “Star” trên máy đo thì vòng bít sẽ tự động được bơm căng và phồng lên. Sau khi vòng bít được bơm căng, áp suất sẽ tự động giảm dần.

Màn hình sẽ hiển thị chỉ số huyết áp tâm thu, tâm trương và cách đọc máy đo huyết áp điện tử như sau:

  • Chỉ số huyết áp tâm thu, hiển thị ở trên, kí hiệu là SYS
  • Chỉ số huyết áp tâm trương, hiển thị ở dưới, kí hiệu là DIA
  • Ngoài ra, ở một số máy đo huyết áp kỹ thuật số hiện đại còn thể hiện thêm chỉ số đo nhịp tim, kí hiệu là PULSE.

Sau khi hiển thị chỉ số huyết áp, vòng bít sẽ tự động xả hơi ra. Với nhiều loại máy, bạn cần đợi từ 15 đến 30 giây để thực hiện đo lần tiếp theo.

Máy đo huyết áp điện tử sẽ không chính xác nếu cơ thể bạn chuyển động khi đang đo. Ngoài ra, nhịp tim không đều sẽ làm cho kết quả đo kém chính xác hơn.

return to top