✴️ Bản hướng dẫn ESUR về thuốc tương phản 2018 (P1)

Nội dung

THUẬT NGỮ: CONTRAST AGENTS VÀ CONTRAST MEDIA

“Contrast agent” là 1 chất làm thay đổi tương phản của hình ảnh trên bất cứ kỹ thuật hình ảnh nào. Đây là từ sử dụng chung cho X quang, cộng hưởng từ và siêu âm.

“Contrast medium” là chất làm thay đổi tương phản của hình ảnh trên hình X quang do làm thay đổi sự xuyên thấu của chùm tia X. Thuật ngữ này nên sử dụng có các phức hợp tương phản trong X quang, như iốt, barium, không khí và khí CO2.

 

PHẢN ỨNG PHỤ TOÀN THÂN

PHẢN ỨNG PHỤ CẤP TÍNH

Định nghĩa: Một phản ứng phụ xảy ra trong vòng một giờ sau khi tiêm thuốc tương phản.

Các phản ứng cấp xảy ra tương tự sau khi tiêm thuốc tương phản iốt, gadolinium và thuốc tương phản siêu âm. Tần suất cao nhất sau tiêm thuốc tương phản iốt và thấp nhất sau tiêm thuốc tương phản siêu âm.

Phân loại:

Các phản ứng cấp có thể là phản ứng dạng dị ứng, quá mẫn hay đáp ứng độc hóa học. Các phản ứng dạng dị ứng có thể là dị ứng thật sự thông qua IgE hoặc không.

LƯU Ý:

Cẩn thận, các biểu hiện ban đầu có thể là nhẹ nhưng có thể diễn tiến nặng hơn.

Không phải tất cả các triệu chứng bệnh nhân cảm nhận trong 1 giờ đầu sau tiêm thuốc tương phản là các tác dụng phụ của thuốc tương phản.

Bệnh nhân ở trạng thái lo lắng có thể gặp phải các triệu chứng sau tiêm thuốc (hiệu ứng Lalli)

Khi sử dụng 1 loại thuốc tương phản mới trong khoa, các phản ứng phụ thường bị báo cáo quá mức (hiệu ứng Weber)

Phản ứng phụ cấp tính đối với thuốc tương phản chứa iốt và gadolinium

Ghi chú:

Các nghiên cứu hồi cứu về tần suất của phản ứng phụ cấp báo cáo không đầy đủ dữ liệu nên không đáng tin cậy.

Xử lý các phản ứng phụ cấp

Xử lý tương tự khi xảy ra các phản ứng phụ cấp sau tiêm thuốc tương phản iốt, gadolinium hay tương phản siêu âm.

Chuẩn bị để điều trị các phản ứng phụ cấp

Dược phẩm và thiết bị cấp cứu thiết yếu cần có trong phòng khám.

Nên có xe băng ca trong khoa

Cần có số điện thoại của đội cấp cứu hồi sức nội viện tại khoa

Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên phải được huấn luyện thường xuyên về xử lý phản ứng phụ cấp và kỹ thuật hồi sức

Cần có sẵn dụng cụ lấy máu để định lượng tryptase và histamine

Theo dõi bệnh nhân trong môi trường bệnh viện 30 phút sau tiêm thuốc tương phản.

Hướng dẫn cơ bản bước đầu xử lý các phản ứng phụ cấp tính đối với tất cả các loại thuốc tương phản

Khi xảy ra phản ứng phụ, kiểm tra các yếu tố sau:

Hồng ban, mề đay (cởi đồ bệnh nhân để quan sát toàn bộ cơ thể)

Buồn nôn, nôn

Hạ huyết áp, loạn nhịp tim

Khó thở, co thắt phế quản (cần nghe phổi để chẩn đoán chính xác)

Buồn nôn/nôn

Thoáng qua: Điều trị nâng đỡ.

Nặng, kéo dài: Sử dụng thuốc chống nôn phù hợp.

Lưu ý: ói nặng có thể xảy ra trong lúc sốc phản vệ.

Mề đay

Lác đác, thoáng qua: Điều trị nâng đỡ kết hợp theo dõi.

Lác đác, kéo dài hoặc lan rộng, phù mạch: Thuốc kháng Histamin H1 phù hợp nên tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Có thể xảy ra tình trạng ngủ lơ mơ và/hoặc tụt huyết áp.

Có thể xảy ra tình trạng ngủ lơ mơ và/hoặc tụt huyết áp. Sau khi sử dụng kháng histamin người bệnh không được lái xe hay sử dụng máy móc.

Co thắt phế quản

Thở ôxy bằng mặt nạ (6-10 l/phút)

β-2-Agonist ống hít định liều (2-3 hít thở sâu)

Adrenaline

Huyết áp bình thường

Tiêm bắp: 1:1.000, 0,1-0,3 ml (0,1 -0,3 mg) [sử dụng liều lượng thấp với bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành hoặc bệnh nhân lớn tuổi].

Với bệnh nhi: 50% liều lượng của người lớn cho bệnh nhi từ 6 tới 12 tuổi và 25% liều lượng người lớn cho bệnh nhi dưới 6 tuổi. Lặp lại nếu cần.

Huyết áp tụt

Tiêm bắp: 1:1.000, 0,5 ml (0,5 mg),

Với bệnh nhi: 6-12 tuổi: 0,3 ml (0,3 mg) tiêm bắp,

< 6 tuổi: 0,15 ml (0,15 mg) tiêm bắp

Phù nề thanh quản

Thở ôxy bằng mặt nạ (6 - 10 l/phút).

Tiêm bắp Adrenalin (1:1.000), 0,5 ml (0,5 mg) cho người lớn, lặp lại nếu cần.

Với bệnh nhi: 6-12 tuổi: 0,3 ml (0,3 mg) tiêm bắp, dưới 6 tuổi: 0,15 ml (0,15 mg) tiêm bắp

Tụt huyết áp

Tụt huyết áp đơn thuần

Nâng cao chân bệnh nhân.

Thở mặt nạ ôxy (6 - 10l/phút).

Truyền tĩnh mạch: truyền nhanh nước muối sinh lý, hay dung dịch Ringer, tới 2 lít

Nếu không đáp ứng: Sử dụng Adrenalin: 1:1.000 , 0,5ml (0,5 mg) tiêm bắp, lặp lại nếu cần.

Với bệnh nhi: 6-12 tuổi: 0,3 ml (0,3 mg) tiêm bắp.

< 6 tuổi: 0,15 ml (0,15 mg) tiêm bắp.

 Phản ứng phế vị (vagal reaction) (tụt huyết áp và nhịp tim chậm)

Nâng cao chân bệnh nhân

Thở mặt nạ ôxy (6-10l/phút)

Atropin 0,6-1,0 mg tiêm tĩnh mạch, lặp lại nếu cần sau 3-5 phút, cho tới tổng cộng 3 mg (0,04 mg/kg) đối với người lớn. Đối với bệnh nhi áp dụng 0,02 mg/kg tiêm tĩnh mạch (tối đa 0,6 mg mỗi liều), lặp lại nếu cần tới tổng cộng 2 mg.

Truyền tĩnh mạch: truyền nhanh nước muối sinh lý hay dung dịch Ringer, tới 2l

Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các xử lý trên, điều trị như sốc phản vệ.

Phản ứng phản vệ toàn thân

Gọi đội hồi sức cấp cứu.

Hút đường thở nếu cần thiết.

Kê cao chân bệnh nhân nếu tụt huyết áp.

Thở mặt nạ ôxy (6-10 l/phút).

Tiêm bắp Adrenalin (1:1.000), 0,5 ml (0,5 mg) đối với người lớn. Lặp lại nếu cần.

 Với bệnh nhi: 6-12 tuổi: 0,3 ml (0,3 mg) tiêm bắp , dưới 6 tuổi: 0,15 ml (0,15 mg) tiêm bắp.

Truyền tĩnh mạch (nước muối sinh lý, dung dịch Ringer), tới 2l

Kháng H1, như diphenhydramine 25-50 mg tiêm tĩnh mạch.

Sau xảy ra phản ứng phụ mức độ trung bình - nặng với thuốc tương phản

Xét nghiệm tìm bằng chứng của dị ứng

Lấy mẫu máu để định lượng histamine và tryptase vào 1h và 2h sau khi tiêm thuốc tương phản và lúc 24h nếu bệnh nhân còn trong bệnh viện.

Sau 1 - 6 tháng dị ứng, bệnh nhân nên được chuyển tới bác sĩ chuyên khoa dị ứng thuốc để làm test da. Các xét nghiệm Prick và trong da nên được làm để kiểm tra bằng chứng dị ứng thật sự và bằng chứng phản ứng chéo với các thuốc tương phản khác.

Mẫu thư chuyển bệnh nhân tới bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể thấy trong phần D bảng hướng dẫn này.

Báo cáo phản ứng thuốc

Báo cáo tên thuốc tương phản, liều dùng và chi tiết mức độ phản ứng và điều trị trong kết quả của bệnh nhân

Báo cáo các thông tin trên vào hệ thống quản lý tác dụng phụ thuốc của bệnh viện.

Nếu phản ứng nặng hoặc hiếm, báo báo cơ quan Cảnh giác dược quốc gia.

Ôn các phác đồ điều trị

Bác sĩ CĐHA và ê kíp cần phải ôn thường xuyên các phác đồ điều trị (vd mỗi 12 tháng), để mỗi người có thể hoàn tất vai trò của mình một cách hiệu quả. Kiến thức, huấn luyện và chuẩn bị yếu tố quyết định đảm bảo cho viện điều trị có hiệu quản nếu phản ứng phụ liên quan thuốc tương phản xảy ra.

Làm ấm thuốc tương phản iốt trước khi tiêm

Theo quan sát lâm sàng, làm bệnh nhân thấy dễ chịu hơn

Giảm độ nhớt của thuốc có thể giảm nguy cơ thoát mạch

Có thể giảm tỷ lệ tác dụng phụ toàn thân, nhưng dữ liệu còn hạn chế

Được chấp nhận rộng rãi như một kỹ thuật thực hành tốt (best practice)

Thoát mạch thuốc tương phản iốt

Nếu có thể hấp thu vào tuần hoàn, theo dõi tương tương tự khi tiêm vào mạch máu.

Nhịn đói trước khi tiêm thuốc tương phản

Nhịn đói trước khi tiêm thuốc tương phản là do khi sử dụng thuốc tương phản iốt ion hóa áp lực thẩm thấu cao gây nhiều bệnh nhân bị ói. Không khuyến cáo nhịn đói trước khi tiêm thuốc tương phản iốt không ion hóa áp lực thẩm thấu thấp hoặc đồng áp lực thẩm thấu và thuốc tương phản gadolinium.

 

PHẢN ỨNG PHỤ MUỘN

Lưu ý:  

Các loại phản ứng da chậm này xảy ra sau tiêm thuốc tương phản chứa iốt không thấy ở thuốc tương phản chứa gadolinium và thuốc tương phản siêu âm.

 

PHẢN ỨNG PHỤ RẤT MUỘN

Định nghĩa:

Một phản ứng phụ xảy ra sau hơn 1 tuần sau khi tiêm thuốc tương phản.

Các phản ứng phụ rất muộn liên quan thuốc tương phản iốt: Nhiễm độc tuyến giáp

Các phản ứng phụ rất muộn liên quan thuốc tương phản gadolinium: Xơ hóa hệ thống do thận (NSF)

 

Xem tiếp phần 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top