✴️ Chụp Xquang tuyến vú diễn ra như thế nào?

Nội dung

Cách hoạt động của máy chụp quang tuyến vú

Thời gian thực hiện chụp quang tuyến vú mất khoảng 20 phút. Các hình ảnh này cho phép phát hiện những thay đổi bất thường ở vú. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm thêm. Trong quá trình chụp, việc ép nhẹ, giữ vú ổn định có thể cho hình ảnh rõ ràng hơn về mô vú.

Chụp X quang tuyến vú có đau không?

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ đau khi chụp quang tuyến vú bao gồm:

  • Kỹ năng của kỹ thuật viên;
  • Tinh thần của người bệnh;
  • Cấu trúc của vú. 

Một số người có các tình trạng ở vú như xơ nang có nhiều khả năng bị đau khi chụp quang tuyến vú.

Một số biện pháp có thể giảm bớt khó chịu khi chụp quang tuyến vú

Một số biện pháp có thể giảm bớt tình trạng khó chịu khi chụp quang tuyến vú như:

Thời gian: Lên lịch chụp quang tuyến vú ở tuần sau kỳ kinh nguyệt. Trong và ngay trước kỳ kinh, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng độ nhạy cảm của vú.

Tiền sử chụp nhũ ảnh: Thông báo cho kỹ thuật viên về xơ nang ở vú hay bất kỳ tiền sử nào về chụp nhũ ảnh gây đau.

Caffeine và thuốc lá: Theo một nghiên cứu năm 2016, sử dụng ít caffeine và tránh hút thuốc có thể giúp giảm căng tức ngực. Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ rõ tác dụng khi chụp quang tuyến vú.

Thuốc: Dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen trong 45–60 phút trước khi kiểm tra có thể giúp giảm đau.

Sử dụng đệm: Một số trung tâm chụp nhũ ảnh có đệm cũng giúp giảm đau đáng kể.

Kiểm soát hít thở: Hít thở chậm và sâu trước khi chụp ảnh có thể giảm đau do căng thẳng và giúp tạo ra hình ảnh chính xác hơn.

Giữ yên tư thế trong khi chụp: Di chuyển, hít thở trong khi kỹ thuật viên đang chụp X-quang có thể làm mờ hình ảnh.

Trì hoãn việc chụp quang tuyến vú nếu đang cho con bú: Bất kỳ ai đang cho con bú có thể trì hoãn việc chụp quang tuyến vú.

Làm thế nào để giảm bớt tình trạng khó chịu?

Thông báo cho kỹ thuật viên X-quang về các tình trạng khó chịu. Việc giữ vững tâm lý, chọn thời gian phù hợp và canh chỉnh tư thế chính xác có thể giúp giảm bớt các tình trạng khó chịu hay đau khi chụp nhũ ảnh.

Chuẩn bị khi chụp nhũ ảnh

Nên mang theo những kết quả chụp nhũ ảnh trước đây nếu có. Điều này cho phép bác sĩ so sánh kết quả trong các lần kiểm tra. Từ đó có thể làm tăng độ chính xác và ngăn ngừa các kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.

Nếu phát hiện được các tình trạng bất thường, bác sĩ sẽ trao đổi thêm với bệnh nhân. Một số chi tiết bất thường phát hiện trên phim chụp X-quang tuyến vú có thể gây lo lắng cho người bệnh. Tuy nhiên các bất thường này không nhất thiết có nghĩa là ung thư.

Hầu hết các hình ảnh chụp quang tuyến vú dương tính bác sĩ đều yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác. Một số chỉ định thường gặp là:

  • Siêu âm;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Tiến hành chụp lại X-quang tuyến vú;
  • Xét nghiệm máu;
  • Sinh thiết vú.

Đối với ung thư vú, điều trị sớm làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một người được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1 có 99% cơ hội sống thêm ít nhất 5 năm nữa.

Nhược điểm của chụp quang tuyến vú

Chụp quang tuyến vú rất an toàn, bệnh nhân sẽ chỉ phải tiếp xúc ngắn với mức phóng xạ rất thấp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định trong một vài trường hợp, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.

Những hạn chế chính của chụp quang tuyến vú là:

Kết quả dương tính giả: Hình ảnh có thể chỉ ra rằng có bất thường ở mô tuyến vú mặc dù thực tế là không có dẫn đến việc thực hiện các kiểm tra thêm không cần thiết và gây lo lắng cho người bệnh. Vì vậy, việc mang theo kết quả trước đó có thể giúp giảm nguy cơ dương tính giả.

Kết quả âm tính giả: Chụp quang tuyến vú có thể không cho thấy một khối u hoặc thay đổi rất nhỏ. Một số thay đổi, đặc biệt ở mô vú dày sẽ không được phát hiện trên phim.

Chụp X-quang tuyến vú không phát hiện được tất cả các bệnh ung thư vú: Ung thư vú dạng viêm là một loại hiếm gặp nhưng có mức ác tính cao, gây ra các thay đổi về da, sưng, đau và viêm. Ung thư vú dạng viêm có thể có hoặc không có cục.

Do những hạn chế của kỹ thuật hình ảnh, phụ nữ phải thường xuyên kiểm tra và tự thăm khám vú thường xuyên để phát hiện những bất thường ở vú nếu có.

Khi nào cần chụp X - quang tuyến vú

Hướng dẫn của tổ chức American College of Physicians từ năm 2019 khuyến nghị lịch trình sàng lọc cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình như sau:

  • Độ tuổi 40–49: Theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tuổi từ 50–75: 2 năm/lần.
  • Sau 75 tuổi: Ngừng sàng lọc.

Những người có bất kì các tình trạng nào sau đây sẽ cần phải cần sàng lọc thêm:

  • Tiền sử mắc ung thư vú hoặc các tổn thương vú có nguy cơ cao bị ung thư vú.
  • Các yếu tố di truyền, chẳng hạn như đột biến ở gen BRCA1 hoặc BRCA2.
  • Tiền sử phơi nhiễm bức xạ ngực khi trẻ.

Mỗi tổ chức có các hướng dẫn về tầm soát ung thư vú khác nhau. Vì vậy, tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ về các nguy cơ để được tư vấn tầm soát phù hợp.

Tóm tắt

Chụp quang tuyến vú là một kỹ thuật đơn giản và không xâm lấn, không mất nhiều thời gian. Quá trình chụp quang tuyến vú có thể gây khó chịu trong thời gian ngắn, tuy nhiên, đây là một công cụ hữu ích để phát hiện và điều trị ung thư vú.

Xem thêm: MRI tuyến vú

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top