✴️ Thoát vị hoành bẩm sinh ở người lớn

Thoát vị hoành có thể gặp trong các trường hợp bẩm sinh hoặc mắc phải sau chấn thương. Thoát vị hoành bẩm sinh có 3 thể: thoát vị Bochdaleck, thoát vị Morgagni và thoát vị qua lỗ thực quản. Trong đó thoát vị Bochdaleck được mô tả đầu tiên vào năm 1848 bởi Vincent Alexander Bochdalek, hay gặp nhất trong thoát vị hoành bẩm sinh và thường gặp ở bên trái (80% – 90%). Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi các triệu chứng lâm sàng về hô hấp và ít ca chẩn đoán ở người lớn. Cắt lớp vi tính có giá trị trong chẩn đoán chính xác thể thoát vị, thành phần và hậu quả.

Bệnh nhân nữ 72 tuổi đau ngực, không tiền sử chấn thương trước đó, nhập viện 10/4/2021 được cho chụp CT để xác định chẩn đoán. Vòm hoành bên (T) phía sau có đoạn mất liên tục, qua có có mỡ từ ổ bụng thoát vị lên

Thoát vị hoành bẩm sinh có 3 thể: thoát vị Bochdaleck, thoát vị Morgagni, thoát vị qua lỗ thực quản. Nguyên nhân thoát vị là do các bất thường bẩm sinh trong quá trình hình thành cơ hoành thời kì bào thai gây ra các ổ khuyết ở cơ hoành (hình 4). Cơ hoành hình thành vào khoảng tuần thứ 4 – 12 của thai kì, được hợp thành từ các thành phần: nếp màng phổi – bụng, mạc treo thực quản, vách ngăn ngang và phần cơ. Phần vách ngăn ngang ở phía trước sẽ phát triển thành gân trung tâm. Các khiếm khuyết trong quá trình hợp nhất giữa các thành phần sẽ tạo ra các lỗ khuyết gây thoát vị như hình

Thoát vị Bochdaleck là thể hay gặp nhất trong thoát vị hoành bẩm sinh, nằm ở phía sau và thường gặp ở bên trái. Nguyên nhân là do khiếm khuyết trong quá trình hợp thành giữa nếp màng phổi – màng bụng ở phía sau vào cơ ở thành cơ thể gây ra lỗ khuyết bochdaleck. Các thoát vị lớn điển hình xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các rối loạn về hô hấp. Trong tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị Bochdaleck chỉ có khoảng 5% được chẩn đoán ở trẻ lớn và người trưởng thành. Lâm sàng thường không đặc hiệu có thể không có triệu chứng ở bệnh nhân trưởng thành. Thoát vị bên phải thành phần thường gặp gan, thận, mỡ. Bên trái có thể gặp ống tiêu hóa, lách, gan, tụy, thận và mỡ. Thoát vị đại tràng hiếm và thường gặp hơn ở bên trái. Việc chẩn đoán được xác định bằng sự kết hợp của X – quang ngực và cắt lớp vi tính. Trên X – quang ngực, thoát vị Bochdaleck có thể hiển thị như hình ảnh khí dịch của ống tiêu hóa, hình của tạng đặc giống như tràn dịch màng phổi. Cắt lớp vi tính là kiểm tra hữu ích để chẩn đoán, phát hiện sự mất liên tục cơ hoành ở vị trí phía sau và các tạng, mỡ trong ổ bụng lên phía mặt trên cơ hoành

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top