1. Khái quát về viêm xương khớp
Viêm xương khớp là một bệnh rất phổ biến, được phân thành hai dạng bệnh thường gặp là viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp do thoái hoá.
Nguyên nhân chủ yếu của viêm khớp dạng thấp là yếu tố tự miễn, còn với viêm xương khớp thì chủ yếu là tình trạng thoái hoá khớp. Bệnh được biểu hiện bằng các triệu chứng như: sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp, cứng khớp, hạn chế vận động, biến dạng khớp,…
Quá trình thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cơ bản sẽ giúp cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh và có được kết luận chính xác nhất, từ đó sẽ đưa ra được pháp đồ điều trị cụ thể và hiệu quả.
2. Viêm xương khớp có nên đi bộ hay không?
Đi bộ là một sự vận động tích cực và có lợi cho các khớp. Sự vận động này giúp cho các cơ bắp được nuôi dưỡng bằng dịch khớp, làm cho các sụn khớp được hoạt hoá, khớp được bôi trơn, tránh được khô khớp, hạn chế viêm khớp và cứng khớp.
Thói quen đi bộ hàng ngày còn giúp cho cơ thể giảm cân nặng, giảm áp lực trên hệ thống xương khớp. Nhưng đi bộ khoảng bao lâu là hợp lí và không làm ảnh hưởng đến quá trình viêm xương khớp, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây.
2.1. Cách đi bộ hợp lí cho người bệnh bị viêm xương khớp
– Nếu các khớp đang sưng, đau, nóng đỏ, hạn chế gấp duỗi (đặc biệt là khớp gối) thì chưa nên đi vội.
– Cần khởi động cơ bắp nhẹ nhàng làm nóng cơ thể khoảng 10-15 phút trước khi đi bộ.
– Không đi chân đất mà sử dụng giày thể thao mềm, nhẹ, chống trơn và chống trượt.
– Đoạn đường đi bộ phải bằng phẳng, không ồn ào, không khí trong lành, có nhiều bóng cây râm mát.
– Thời gian đi bộ nên hạn chế trong khoảng từ 30-45 phút, chia thành hai thời điểm vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
– Nếu đang đi bộ mà cảm giác đau khớp tăng lên thì nên dừng lại.
2.2. Một số lưu ý khác khi đi bộ
– Kết hợp các môn thể thao nhẹ nhàng: yoga, đi xe đạp, bơi lội, phương pháp dưỡng sinh,…
– Kết hợp chế độ ăn uống phù hợp và khoa học trong thời gian thực hiện việc đi bộ: tăng cương rau xanh, hoa quả, các loại sữa và thực phẩm giàu omega 3 (các loại cá); hạn chế các đồ ăn quá mặn, quá ngọt, nhiều dầu mỡ, bia rượu.
3. Tác dụng của việc đi bộ với bệnh lý khớp gối
Khi đi bộ, khớp gối là bộ phận chịu nhiều tác động vì gối là khớp vận động nhiều nhất, đồng thời cũng là bộ phận nâng đỡ sức nặng của toàn bộ cơ thể nên rất dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên việc đi bộ nhẹ nhàng (đi bách bộ) trong một khoảng thời gian hợp lý thì sẽ góp phần cho sự phục hồi khớp nhanh chóng vì:
– Giúp tăng cường tuần hoàn lưu thông mạch máu đến sụn khớp
– Tăng độ dẻo dai và tính đàn hồi của sụn khớp
– Kiểm soát được cân nặng, giảm áp lực của cơ thể lên khớp gối
Việc đi bộ đối với khớp gối cũng thực hiện giống như đối với bệnh lý xương khớp nói chung, không chạy mà chỉ đi bộ. Ngoài ra có thể kết hợp các môn thể dục như: yoga, bơi lội, đi xe đạp,…
Trong thời gian tập thể dục hay đi bộ, người bệnh cần ghi nhớ không thực hiện ở cường độ cao, thời gian dài hay các động tác phức tạp. Hạn chế mang vác nặng, leo cầu thang và làm việc quá sức. Có thời gian nghỉ ngắn và lưu ý hiệu quả tập luyện.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên đi khám định kỳ và tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có thể kết hợp việc tập luyện và các phương pháp điều trị một cách hợp lý nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh