Loãng xương là nguyên nhân gây ra 8,9 triệu ca gãy xương mỗi năm trên thế giới. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 3 giây thì lại có một ca gãy xương do loãng xương xảy ra. Ước tính toàn cầu cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ được chẩn đoán gãy xương do loãng xương và cứ 5 nam giới thì có 1 nam giới được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Nếu bạn được chẩn đoán bị loãng xương hoặc suy giảm mật độ khoáng thông thường các bác sỹ sẽ kê đơn cho bạn các loại thuốc điều trị loãng xương và kèm theo lời khuyên là bổ sung canxi. Liệu đây có phải là những điều tốt nhất cho những người bị loãng xương hay không?
Mật độ xương không phải là điều duy nhất giúp xương chắc khỏe!
Các phương pháp cổ điển để chẩn đoán suy giảm mật độ xương và loãng xương dựa vào một phương pháp chụp X-quang xương có tên là chụp DEXA để đo mật độ xương hoặc mức độ khoáng hóa của xương.
Nhưng một bộ xương khỏe mạnh toàn diện thì lại cần nhiều thứ hơn chứ không chỉ có mỗi mật độ xương. Đó là lý do tại sao một số loại thuốc điều trị loãng xương lại không hoàn toàn giúp xương chắc khỏe.
Xương được xây dựng nhờ các chất khoáng và ma trận collagen. Các chất khoáng tạo nên độ cứng và độ đặc nhưng collagen mới chính là thứ giữ cho xương có độ linh hoạt. Không có độ linh hoạt tốt xương của chúng ta sẽ rất giòn và dễ gãy.
Như vậy, để xương chắc khỏe toàn diện thì ngoài đánh giá mật độ xương còn cần đánh giá hàm lượng collagen trong xương.
Thuốc điều trị loãng xương thực tế lại không giúp xương chắc khỏe toàn diện?
Những loại thuốc như điều trị loãng xương giúp thu thập rất nhiều chất khoáng vào xương và khiến xương trông cỏ vẻ đặc hơn nhưng thực tế là nhiều khoáng quá thì lại khiến xương giòn hơn và dễ gãy hơn đó là lý do tại sao mà rất nhiều ca gãy xương chậu vẫn xảy ra mặc dù đã uống thuốc theo đúng đơn.
Hình minh họa cấu trúc bên trong xương
Để có một hệ xương chắc khỏe và linh hoạt thì bạn cần phải tập thể dục và bổ sung các dưỡng chất, đặc biệt là vitamin K2.
Vitamin K không quá xa lạ với nhiều người có tình trạng dễ hình thành cục máu đông vì nó tham gia vào quá trình đông máu của cơ thể. Chữ K bắt nguồn từ chữ cái đầu tiên trong tiếng Đức “Koagulation” nghĩa là đông tụ. Nếu bạn đang uống các thuốc chống đông máu, thì các bác sỹ sẽ có cảnh báo bạn về vitamin K sẽ tương tác với các thuốc được kê đơn. Tuy nhiên nếu không có vẫn đề gì về máu thì có lẽ bạn vẫn chưa được khai phá về những tác dụng của vitamin K đối với sức khỏe đặc biệt là giúp xương chắc khỏe.
Xương là một cấu trúc cứng ở bên ngoài và bao gồm một ma trận xốp của các mô bên trong. Xương được coi là một cấu trúc sống. Toàn bộ xương sẽ được thay thế từ 7-10 năm một lần. Trong quá trình tái tạo xương, cơ thể sẽ giải phóng canxi từ xương vào máu để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của cơ thể, giúp xương thay đổi kích thước, hình dạng khi xương phát triển hơn hoặc hồi phục sau chấn thương. Quá trình tái tạo xương được điều chỉnh bởi quá trình tạo cốt bào (osteoblasts) hay còn gọi là quá trình hình thành xương và quá trình hủy cốt bào (osteoclasts) còn gọi là quá trình phá hủy xương. Miễn là quá trình hình thành xương xảy ra nhiều hơn quá trình phá hủy xương, thì cấu trúc khỏe mạnh của xương sẽ được duy trì
Quá trình tạo cốt bào sản xuất ra osteocalcin, giúp lấy canxi từ tuần hoàn máu và gắn vào ma trận xương. Osteocalcin có ảnh hưởng đến quá trình khoáng hóa xương vì osteocalcin có thể gắn với các chất khoáng có trong xương, do đó có thể giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, các tế bào osteocalcin mới hình thành lại ở dạng chưa hoạt động và cần có vitamin K2 để được hoạt hóa hoàn toàn (thông qua quá trình carboxyl hóa) và có thể gắn với canxi. Số lượng osteocalcin được carboxyl hóa (cOC) là một phương pháp tốt để đánh giá tình trạng vitamin K của cơ thể: nếu tỷ lệ osteocalcin chưa được carboxyl hóa (ucOC) cao chứng tỏ cơ thể đang bị thiếu vitamin K và ngược lại. Bên cạnh đó, Vitamin K2 còn giúp canxi không bị lắng đọng ở các thành mạch máu thông qua một loại protein điều chỉnh quá trình canxi hóa là Matrix Gla Protein (MGP). MGP là một loại protein phụ thuộc vitamin K, được các tế bào cơ trơn sản xuất ra và có chức năng điều chỉnh lượng canxi trong cơ thể.
Tóm lại, Vitamin K2 kích hoạt 2 loại protein là osteocalcin và matrix Gla protein (MGP) có tác dụng giúp lấy canxi từ tuần hoàn gắn vào xương đồng thời tránh được việc lắng đọng canxi vào xương.
Vitamin K2 cũng là cofactor của việc sản xuất gamma-glutamyl carboxylase – một enzyme mới được chứng minh là có mối liên quan đến các khiếm khuyết của quá trình khoáng hóa xương.
Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định vitamin K2 có ảnh hưởng tích cực đến quá trình tạo xương. Ví dụ, một bài báo được xuất bản trên tạp chí dược học Châu Âu do nhóm nghiên cứu của Akiyama đến từ Nhật Bản đã chỉ ra MK4- một dạng của vitamin K2 có tác dụng hạn chế được quá trình hủy xương.
Một nghiên cứu khác về vitamin K2 và việc phòng chống loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh được chẩn đoán suy giảm mật độ xương. Một nửa số phụ nữ được bổ sung vitamin K2 trong 2 năm, nhóm còn lại nhận giả dược, trong đó lại có 261 phụ nữ tiếp tục được bổ sung thêm vitamin K2 thêm 2 năm nữa. Kết quả cho thấy: trong khi các hình ảnh chụp xương cho thấy mật độ xương đều giảm ở cả hai nhóm, nhưng sau 4 năm số lượng phụ nữ trong nhóm dùng giả dược bị gãy xương nhiều hơn 50% so với số phụ nữ ở nhóm nhận vitamin K2.
Nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hy Lạp và Hà Lan vừa công bố kết quả nghiên cứu về khả năng giảm loãng xương của canxi, vitamin D3, vitamin K1 và vitamin K2. Đây là công trình nghiên cứu mới nhất chứng minh rõ công dụng của vitamin K2 trong điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Các nhà khoa học tiến hành khảo sát 173 phụ nữ ở độ tuổi 54-73 từ năm 2008-2009. Các tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm:
Sau 12 tháng, kết quả cho thấy mật độ khoáng trong xương cột sống của nhóm bổ sung 800 mg canxi, 10 mcg vitamin D3 và 100 mcg vitamin K2 tăng đáng kể so với nhóm đối chứng và cao hơn so với nhóm chỉ bổ sung canxi và vitamin D3. Đồng thời, nghiên cứu cũng ghi nhận hàm lượng osteocalcin dạng bất hoạt trong máu ở nhóm bổ sung canxi, vitamin D3 và vitamin K2 thấp hơn so với thời điểm bắt đầu thử nghiệm 23% và thấp hơn 70% -75% so với nhóm chỉ sử dụng canxi và vitamin D3. Theo nhóm nghiên cứu, chính việc giảm lượng osteocalcin dạng bất hoạt chứng tỏ vitamin K2 giúp hoạt hóa osteocalcin. Do đó các protein này có thể gắn calci vào khung xương, giảm sự mất cân bằng của quá trình hủy xương và quá trình tạo xương ở phụ nữ mãn kinh. Từ đó khiến mật độ khoáng trong xương tăng.
Mặt khác, nồng độ các chất chỉ thị cho quá trình hủy xương trong nước tiểu như D-Pyd, urine Pyd ở nhóm được bổ sung canxi, vitamin D3 và vitamin K2 cũng thấp hơn 21,6% và 15% so với thời điểm bắt đầu thử nghiệm và thấp hơn so với các nhóm khác lần lượt là 9,7%-11,6% (D-Pyd) và 5,8% - 8,7%. Điều này chứng tỏ việc kết hợp vitamin K2 với canxi và vitamin D3 giúp giảm quá trình hủy xương. Chính điều này góp phần giảm loãng xương và giảm nguy cơ bị gãy xương
Như vậy, có thể nói rằng vitamin K2 là một khám quá quan trọng của khoa học góp phần cải thiện sức khỏe xương giúp phần phòng ngừa nguy cơ loãng xương sau này. Để có thể làm được việc này bạn cần bổ sung K2 thông qua thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm chế biễn sẵn có chứa vitamin K2. Nhu cầu của vitamin K2 dành cho người Việt Nam trong khoảng 60- 120 mcg/ngày cho trẻ từ 1-10 tuổi, 120-160 mcg/ngày cho trẻ từ 10-18 tuổi, và khoảng 150-160 mcg/ngày cho người trưởng thành. Bổ sung vitamin K2 được coi là an toàn với mọi người, cho đến nay khoa học chưa ghi nhận được trường hợp nào ngộ độc vitamin này. Vì vậy hãy cố gắng bổ sung vitamin K2 từ sớm để phòng ngừa loãng xương.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh