✴️ Chăm sóc giảm đau (P2)

Nội dung

Các bước thực hiện lượng giá đau cho người bệnh bằng thước VAS

Điều dưỡng giải thích với người bệnh về mục đích, cách sử dụng thước VAS

Người bệnh nằm hoặc ngồi

Quay mặt màu đỏ của thước về phía người bệnh.

Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh quan sát, nhận biết mặt màu đỏ của thước, hướng dẫn cách kéo thước và dừng kéo thước.

Người bệnh tự đánh giá mức đau của mình bằng cách tự kéo thước.

Điều dưỡng đọc mức đau của ở mặt đối diện của thước, ghi số cm ở điểm dừng của thanh trượt.

Nhận định cường độ đau của người bệnh theo bảng đánh giá kết quả Kết quả đánh giá cường độ đau

 

VAI TRÒ CỦA ĐIỀU DƯỠNG TRONG KIỂM SOÁT ĐAU

Đánh giá được khách quan nhất cơn đau của người bệnh;

Cung cấp các biện pháp can thiệp đau kịp thời cho người bệnh;

Báo cáo những thay đổi của người bệnh cũng như đáp ứng của người bệnh cho bác sĩ, các bác sĩ có thể điều chỉnh liều dựa trên đánh giá đau (sử dụng thang đo đau) hoặc các dấu hiệu đau khác;

Khi kiểm soát được đau cho người bệnh, người điều dưỡng sẽ giúp:  Có thể tối ưu hóa sự thoải mái, giấc ngủ và hoạt động của người bệnh;  Giúp giảm lo lắng và thúc đẩy sự phục hồi.

 

ÁP DỤNG KIỂM SOÁT ĐAU TRÊN LÂM SÀNG

Kiểm soát đau được áp dụng rộng rãi trong các đau mạn tính (đau lưng, đau khớp, đau ngực, đau do ung thư...) và đau cấp tính (đau sau mổ, đau đẻ, đau do phù phổi cấp, đau do nhồi máu cơ tim...).

Không được áp dụng phương pháp kiểm soát đau trong các trường hợp đau chưa xác định được nguyên nhân, đau ngoại khoa (do thủng tạng rỗng, vỡ tạng đặc, tắc ruột, viêm ruột thừa, tắc mật, sỏi niệu quản, viêm phúc mạc...). Nguyên tắc kiểm soát đau

Người bệnh bị đau cần được kiểm soát đau để cải thiện chất lượng cuộc sống trong mọi giai đoạn của bệnh.

Kiểm soát đau là làm giảm cường độ đau và ngăn chặn đau tái phát. Kiểm soát đau có kết quả là khi người bệnh thấy hết đau, thoải mái và có thể duy trì được các hoạt động bình thường.

Kiểm soát đau có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế, tại nhà, cộng đồng.

Tôn trọng và ghi nhận mô tả của người bệnh về cảm giác đau và hiệu quả giảm đau của các biện pháp can thiệp, kể cả khi người bệnh đang dùng thuốc gây nghiện. Việc mô tả về đau phải được ghi nhận ngay khi người bệnh vào viện, đáp ứng sau dùng thuốc và thực hiện các biện pháp can thiệp; các thay đổi dù là nhỏ nhất về tình trạng đau. Bản đánh giá đau lần đầu cần được thực hiện đầy đủ tất cả các nội dung, nhưng các lần sau không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ tất cả các nội dung như lần đầu.

Không chỉ sử dụng các biện pháp dùng thuốc mà phải kết hợp cả các biện pháp không dùng thuốc và luôn chú ý tới các vấn đề về tâm lý.

Các biện pháp giảm đau và liều lượng thuốc sử dụng tùy thuộc vào từng người bệnh.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT ĐAU

Mục tiêu của kiểm soát đau làm cho người bệnh giảm đau, thoải mái, hợp tác, tin tưởng nhân viên y tế trong quá trình thăm khám, chăm sóc và điều trị, làm dễ dàng quá trình thăm khám tiếp theo và hạn chế các tác dụng bất lợi do đau gây ra. Bao gồm các phương pháp chính sau:

Làm giảm các yếu tố gây đau

Loại bỏ các tác nhân gây đau, các yếu tố kích thích làm tăng tình trạng đau. Các phương pháp này được áp dụng đầu tiên khi tiến hành giảm đau cho người bệnh, bao gồm: giữ ấm, giảm tiếng ồn ở phòng bệnh, lăn trở thường xuyên 2 giờ/lần, đặt người bệnh ở tư thế thoải mái, hướng dẫn người bệnh thư giãn....

Giảm đau bằng thuốc

Các loại thuốc dùng để giảm đau

Các thuốc thường sử dụng trong kiểm soát đau là thuốc giảm đau chống viêm non-steroid (NSAIDs), steroid và thuốc giảm đau trung ương (họ morphin); Giảm đau bằng thuốc tê với phương pháp gây tê vùng cũng được áp dụng rộng rãi.

Các thuốc NSAIDs tác dụng vào các dây thần kinh nhận cảm đau ngoại biên. Thuốc dùng tốt cho các trường hợp đau nhẹ đến vừa. Một số thuốc dùng phổ biến là ketorolac, piroxicam, Ibuprofene... Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp của nhóm thuốc này là: kích thích đường tiêu hóa, giảm kết dính tiểu cầu, giảm tưới máu thận và có thể làm nặng thêm bệnh thận có từ trước đó... Tiêu chuẩn đạt là sau dùng thuốc mức độ đau của người bệnh giảm quá 3 điểm hoặc mức độ đau < 4/10.

Các thuốc giảm đau họ morphin (Opioid), tác dụng cả ngoại biên và trung ương. Một số thuốc thường sử dụng là morphin, dolargan, fentanyl.... Tác dụng giảm đau tốt, các thuốc giảm đau họ morphin có một số tác dụng không mong muốn (gây nghiện, buồn nôn và nôn, ngứa, táo bón, bí đái, ức chế hô hấp...), nên phải hạn chế sử dụng. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp đau mức độ vừa đến nặng, đau ngực do nguyên nhân tim mạch, phù phổi cấp. Hình thức sử dụng thuốc giảm đau họ morphin theo bậc thang của Tổ chức Y tế thế giới:

Hình 2. Thang sử dụng thuốc giảm đau 3 bậc của Tổ chức Y tế thế giới

Các thuốc tê có tác dụng phong bế dẫn truyền thần kinh, làm mất cảm giác của một vùng cơ thể, nên có tác dụng giảm đau. Một số thuốc tê như lidocain, bupivacain... được dùng kết hợp trong các phương pháp tê tại chỗ, tê thân thần kinh, tê đám rối...

Các kỹ thuật kiểm soát đau

Dùng thuốc các đường: uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch thường áp dụng với các thuốc NSAIDs, thuốc giảm đau họ morphin.

Ưu tiên sử dụng đường uống, trừ khi người bệnh không thể uống được.

Cần theo dõi đáp ứng với thuốc của người bệnh.

Dùng thuốc đúng và đủ liều (theo chỉ định) đối với từng người bệnh

Theo dõi phát hiện các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Kỹ thuật kiểm soát đau bằng phương pháp tự điều khiển

Đây là phương pháp kiểm soát đau bằng thuốc, cho phép người bệnh tự kiểm soát đau thông qua tự quản lý liều thuốc giảm đau. Người bệnh chỉ cần bấm nút trên một thiết bị đặc biệt gọi là máy bơm PCA, máy bơm chứa một lượng thuốc giảm đau mà thầy thuốc đã chuẩn bị cho người bệnh, bơm được kết nối với một ống nhỏ, cho phép thuốc tiêm vào tĩnh mạch, dưới da, trong da hay ngoài màng cứng, có thể ngăn ngừa sự quá liều bằng khóa ngắt quãng.

Ưu điểm của phương pháp là đạt được mức giảm đau mong muốn với liều thuốc giảm đau tối thiểu, tùy thuộc ngưỡng đau của từng người bệnh mà không gây ra hiện tượng quá liều hoặc không đủ liều thuốc giảm đau.

Một số lỗi thường gặp khi sử dụng máy bơm PCA: người bệnh nhấn sai nút, hỏng bơm, chuông báo hoặc hết pin. Một số lỗi khác có thể gặp là khóa ngắt quãng bị hỏng, lắp bơm thuốc không đúng ...

Gây tê: gồm các phương pháp: tiêm thuốc tê liên tục cạnh vết mổ; gây tê thân thần kinh; gây tê ngoài màng cứng... Điều dưỡng cần phải hiểu rõ các tác dụng không mong muốn của các kỹ thuật gây tê, đặc biệt là gây tê ngoài màng cứng, để từ đó giải thích cho người bệnh và có biện pháp phòng ngừa tác dụng không mong muốn.

Kiểm soát (giảm) đau không dùng thuốc

Một số can thiệp giúp giảm đau, có thể dùng trong trường hợp cấp tính hay chăm sóc cấp một, tại nhà hay cơ sở hồi phục sức khỏe. Những can thiệp này bao gồm can thiệp nhận thức về hành vi và thể chất, liệu pháp thư giãn:

Sự giáo dục: giải thích cho người bệnh biết về đau và phương pháp kiểm soát đau, giúp người bệnh tin tưởng vào phương pháp điều trị để đạt hiệu quả sớm hơn mong đợi. Biện pháp này không áp dụng đối với những trường hợp muốn hết đau ngay trong thời gian ngắn.

Hướng dẫn hình ảnh: là cách làm thư giãn bằng tưởng tượng về các hình ảnh đẹp như sông núi, những nơi thư giãn thú vị mà người bệnh đã từng trải nghiệm, chú tâm vào nhịp thở để cảm nhận sự trao đổi khí của phổi khi hít thở, hoặc chú ý đếm các con số để giảm bớt chú ý đến vùng đau. Không nên cắt ngang dòng suy nghĩ của người bệnh trong lúc thư giãn.

Sự giải trí: là phương pháp làm thư giãn cơ bắp và thư giãn về đầu óc giúp giảm đau, giảm lo lắng, giúp tinh thần được thoải mái. Các thư giãn này sẽ làm giảm căng thẳng cho thần kinh.

Sử dụng nhiệt (nóng/lạnh): Có một số vị trí đau khi thực hiện kỹ thuật sử dụng nhiệt cần có chỉ định của bác sĩ. Không được sử dụng phương pháp này ở những vùng nhạy cảm. Sử dụng nhiệt dù nóng hay lạnh không được kéo dài lâu hơn 20 phút 1 lần. Điều dưỡng cần quan sát, theo dõi người bệnh trong suốt quá trình chăm sóc.

Chườm nóng, chườm lạnh (Học viên tự học bài chườm nóng, chườm lạnh)

Nhiệt bức xạ hồng ngoại: Bức xạ hồng ngoại là bức xạ có nhiệt lượng cao nên còn gọi là bức xạ nhiệt, tác dụng của hồng ngoại chủ yếu gây giãn mạch, đỏ da tại dùng điều trị, nên có tác dụng giảm đau chống viêm mạn tính, thư giãn cơ. Độ xuyên sâu của bức xạ hồng ngoại vào cơ thể khoảng 1- 3 mm.

Sóng ngắn: có tác dụng sinh nhiệt ở lớp tổ chức sâu (2 - 3 cm), do vậy thường áp dụng trong các trường hợp đau mạn tính, đau cơ, đau thần kinh.

Siêu âm: có thể làm tăng nhiệt độ ở mô sâu hơn (có thể tới 8cm) và phạm vi chống chỉ định hẹp hơn.

Điện xung: tùy theo tần số và dạng xung mà điện xung kích thích lên da một tác dụng hưng phấn hoặc ức chế để giảm đau và thường có tác dụng kéo dài từ 4 - 6 giờ sau điều trị.

Sử dụng điện chiếu qua da để kích thích thần kinh (TENS): Đây là phương pháp dùng điện chiếu qua da để kích thích dây thần kinh V dưới da. Người bệnh cảm nhận được sự thoải mái nhờ cảm giác rung động. TENS được kéo dài trong thời gian 15 đến 30 phút hoặc lâu hơn nếu người bệnh cần. Phương pháp này sử dụng cho người bệnh đau mạn tính, phẫu thuật thẩm mỹ.

Xoa bóp (Massage): dùng đôi tay tác động trực tiếp lên cơ thể sẽ giúp làm giảm nhẹ dần các đau nhức. Mát-xa giúp thư giãn cơ, bài tiết các chất bị ứ đọng trong cơ; tăng cường oxy, máu được lưu thông, từ đó sẽ kích thích sự nghỉ ngơi của hệ thần kinh, làm giảm các căng thẳng thần kinh và giúp giảm các cơn đau cơ.

Châm cứu và bấm huyệt: Phương pháp này kích thích cơ thể sản sinh ra endorphin; độ xoắn, độ rung của kim châm cứu và áp lực từ da đã kích thích làm giảm đau.

Thôi miên: là một phương pháp chữa bệnh bằng cách đưa một người đi vào trạng thái bất thần, làm thay đổi tri giác và trí nhớ. Trong suốt lúc thôi miên sự ám thị làm cho cảm giác đau của người bệnh biến mất, hoặc người bệnh sẽ cảm nhận được cảm giác của mình một cách thoải mái.

Điều trị tâm lý: đây là phương pháp an toàn, có thể làm giảm đau bằng cách giảm mức độ căng thẳng sinh lý.

Điều dưỡng cần hiểu rõ vai trò của tâm lý trong phát sinh, phát triển bệnh lý, ảnh hưởng của bệnh lý đối với tâm lý người bệnh, vai trò của tâm lý trong điều trị, chăm sóc và phòng ngừa bệnh tật; đồng thời có khả năng áp dụng các nguyên tắc về tâm lý tiếp xúc với người bệnh, thân nhân người bệnh trong quá trình điều trị và chăm sóc.

Tâm lý có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình điều trị, chăm sóc. Người bệnh có tâm lý thoải mái bao giờ cũng tiếp nhận phương pháp điều trị nhanh hơn và mau chóng bình phục hơn. Để được thoải mái người bệnh cần phải được loại bỏ hết các tác nhân, triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh trong đó điển hình nhất là triệu chứng đau. Việc quản lý kiểm soát đau cần được duy trì thực hiện trong suốt quá trình người bệnh nằm bệnh viện, kéo dài đến giai đoạn cuối cuộc đời. Người điều dưỡng đóng vai trò như người đồng hành cùng người bệnh, cung cấp cho người bệnh sự thoải mái nhất có thể.

Chăm sóc đau của điều dưỡng

Để chăm sóc giảm đau cho người bệnh, điều dưỡng (hoặc phối hợp với nhóm chăm sóc) có sự phối hợp của người bệnh và gia đình người bệnh nhận định nguyên nhân, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng tới đau; lượng giá mức độ đau. Trên cơ sở đó có kế hoạch can thiệp kiểm soát đau cho người bệnh.

Chăm sóc đau cấp tính

Nhận định về đau:

Hỏi người bệnh triệu chứng đau, mức độ, đặc điểm đau; các yếu tố liên quan.

Khám và lượng giá đau (sử dụng công cụ lượng giá đau - Thang điểm nhìn VAS,…).

Khám toàn diện, nhận định nguyên nhân đau, nhận định các yếu tố ảnh hưởng tới các phương pháp kiểm soát đau.

NB có những phản ứng thực thể chống lại đau như vã mồ hôi, co người lại…

Giảm vị giác

Mất khả năng thực hiện các hành động chăm sóc thường ngày 

Kém tập trung

Tăng thần kinh giao cảm

Thay đổi trương lực cơ

Thể hiện cảm xúc quá mức: khóc lóc, gào thét…

Bộ mặt của đau

Rối loạn giấc ngủ

Chẩn đoán điều dưỡng:

Đau liên quan đến tổn thương các cơ quan (hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu….).

Can thiệp điều dưỡng:

Đánh giá

Đánh giá về mức độ đau và các yếu tố liên quan khác

Đánh giá về mức độ đáp ứng của NB với các biện pháp giảm đau

Chăm sóc đau mạn tính

Nhận định về đau:

Hỏi người bệnh triệu chứng đau, mức độ, đặc điểm đau; các yếu tố liên quan

Khám và lượng giá đau (sử dụng công cụ lượng giá đau - Thang điểm nhìn VAS,…).

Khám toàn diện, nhận định nguyên nhân đau, nhận định các yếu tố ảnh hưởng tới các phương pháp kiểm soát đau.

Bồn chồn, khó chịu, trầm uất

Thay đổi cân nặng

Teo cơ

Ít giao tiếp với người khác

Phản ứng giao cảm

NB có những phản ứng thực thể chống lại đau như vã mồ hôi, co người lại…

Giảm vị giác 

Thể hiện cảm xúc quá mức: khóc lóc, gào thét…

Bộ mặt của đau

Rối loạn giấc ngủ

Chẩn đoán điều dưỡng:

Đau liên quan đến các bệnh lý mạn tính

Đau liên quan đến tổn thương các cơ quan (hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu….)

Can thiệp điều dưỡng:

Đánh giá

Đánh giá về mức độ đau và các yếu tố liên quan khác

Đánh giá về mức độ đáp ứng của NB với các biện pháp giảm đau

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top