✴️ Chăm sóc người bệnh chấn thương sọ não

BỆNH HỌC

ĐỊNH NGHĨA

Chấn thương sọ não được định nghĩa là lực đập vào hộp sọ gây tổn thương nặng hay nhẹ ở da đầu, xương sọ, màng não, mô não.

 

CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT

Khẩn: máu tụ ngoài màng cứng, máu tụ dưới màng cứng, máu tụ trong não, lún sọ hở.

Bán cấp: lún sọ kín, nứt sàng sọ trước, nứt sàng sọ giữa.

Điều trị bảo tồn: giập não, chấn động não, phù não.

 

CHĂM SÓC CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Tình trạng đầu

Có vết rách da đầu, vết nứt xương sọ, vỡ sọ hay lõm sọ.

Dấu hiệu bầm hay giập mặt, dấu hiệu Battle’s (dấu hiệu mắt kính). Cơ mặt cử động không cân xứng do liệt dây VII.

Dấu hiệu tăng áp lực nội sọ

Điều dưỡng cần thăm khám các dấu hiệu biểu hiện tình trạng tăng áp  lực nội sọ. Đánh giá kích thước của đồng tử, so sánh kích thước cả hai bên, đồng tử không đều do giãn đồng tử một bên.

Tri giác giảm: lời nói bối rối, lẫn lộn, sai ý, Glasgow nhỏ hơn 12 điểm. Có dấu hiệu thần kinh khu trú.

Dấu chứng sinh tồn rối loạn: mạch chậm, huyết áp tăng nhẹ, hơi thở nhanh hay chậm.

Động kinh

Ngay sau chấn thương, động kinh cục bộ hay toàn thể. Tiêu tiểu không tự chủ.

Gồng cơ

Giảm hay tăng phản xạ, tư thế gồng mất vỏ, mất não. Dịch não tủy hay máu dò ra tai, mũi.

Liệt nửa bên, liệt mặt, liệt vận động kèm giảm cảm giác.

Yếu cơ

So sánh 2 chi, so sánh chi trên và chi dưới.

Tâm thần

La hét, kích động.

Các chấn thương khác kèm theo. Tình trạng mất máu sau chấn thương.

 

CAN THIỆP CẤP CỨU

Theo dõi đường thở: dị vật (răng gãy, bụi cát), đờm nhớt, dấu hiệu khó thở hay ngưng thở, rối loạn nhịp thở.

Đảm bảo đường thở thông: hút đờm nhớt, đặt nội khí quản, đặt tube Mayor tránh cắn lưỡi. Nên đặt

thông dạ dày tránh hiện tượng nôn thức ăn, đờm nhớt vào khí quản.

Cung cấp đủ oxy cho người bệnh bằng mọi nguồn, tránh cho người bệnh thiếu oxy vì nếu thiếu oxy não sẽ bị phù nề hơn.

Thiết lập ngay đường truyền với kim luồn 2 hay 3 chia.

Cố định cổ trước khi khám phát hiện chấn thương cổ kèm theo. Khám và phát hiện những tổn thương kèm theo.

Xử trí cầm máu vết thương trên sọ. Khám phát hiện dấu hiệu chảy máu mũi, máu tai, vết thương sọ não. Hỏi lại cơ chế chấn thương qua người bệnh hay người chứng kiến tai nạn.

Cởi bỏ quần áo nạn nhân và ủ ấm người bệnh.

Tiếp tục theo dõi: dấu chứng sinh tồn, tri giác, nhịp tim, đồng tử, dấu hiệu thần kinh khu trú.

 

CHĂM SÓC TRƯỚC MỔ

Thực hiện hồi sức nội khoa nếu người bệnh choáng: truyền dịch, truyền máu theo y lệnh, thực hiện thuốc, cung cấp oxy cho người bệnh.

Cạo sạch tóc người bệnh, tránh rách da gây nhiễm trùng.

Rửa sạch vết thương và băng vô trùng: tránh dùng dung dịch sát khuẩn trên vết thương, không thăm dò hay băng ép vết thương, không lấy mô não hay nhét mô não vào trong hộp sọ.

Không cho người bệnh ăn uống, không rửa dạ dày bằng ống Faucher, không thụt tháo.

Đặt thông tiểu, đặt tube Levine.

Làm công tác tư tưởng cho gia đình người bệnh: cung cấp những thông tin về cuộc mổ, những tiên lượng sau mổ.

 

CHĂM SÓC SAU MỔ

Chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu sau mổ

Đây là khoảng thời gian nguy hiểm nhất đối với người bệnh.

Tư thế: người bệnh nằm thẳng, an toàn, cho nằm đầu cao 15 – 300, giữ ấm người bệnh…

Hô hấp: đường thở thông, hút đờm nhớt, bảo đảm đủ oxy. Chăm sóc nội khí quản, chăm sóc người bệnh thở máy. Theo dõi khí máu động mạch, chỉ số oxy mạch máu ngoại biên.

Tuần hoàn: duy trì dịch truyền và theo dõi chính xác theo y lệnh nước xuất nhập. Theo dõi huyết áp, mạch. Theo dõi dấu chứng sinh tồn thường xuyên. Cài đặt monitor theo dõi điện tim liên tục. Theo dõi sát CVP cho người bệnh.

Dẫn lưu não thất: kín, hoàn toàn vô trùng, theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất dịch thoát ra, câu nối kín và dẫn lưu xuống thấp.

Dẫn lưu da đầu: chăm sóc dẫn lưu vô khuẩn, rút sớm sau 24 giờ, câu nối kín và dẫn lưu xuống thấp.

Vết mổ: chăm sóc vô trùng, cắt chỉ chậm, băng dày ở vùng da đầu không có hộp sọ, tránh cho người bệnh nằm đè lên vùng vết mổ.

Theo dõi dấu hiệu tăng áp lực nội sọ: đánh giá và so sánh tri giác, đồng tử mỗi giờ. Điều dưỡng quan sát đồng tử để đánh giá phản xạ ánh sáng giúp theo dõi tiến triển bệnh.

Động kinh: nhận định cơn động kinh về thời gian động kinh giữa hai cơn, thời gian của cơn động kinh. Xác định động kinh cục bộ ở vùng nào trên cơ thể hay động kinh toàn thể. Sau động kinh điều dưỡng theo dõi người bệnh có giảm tri giác, thiếu oxy.

Vận động: tình trạng co cứng cơ do mất vỏ não hay mất não. Mức độ liệt và so sánh hai bên. Liệt đối bên hay cùng bên đồng tử giãn.

Rối loạn tâm thần: người bệnh la hét, vật vã, bứt rứt.

Giai đoạn tổng quát

Chăm sóc người bệnh hôn mê.

Thực hiện các y lệnh theo dõi người bệnh hôn mê

Theo dõi sát tri giác người bệnh theo bảng điểm Glasgow. Ghi nhận những vận động vô thức của co cơ, co tứ chi, gồng cứng cơ. Đánh giá đồng tử đều hay không đều, phản xạ ánh sáng của mắt nhanh hay chậm. Thay đổi màu da, thay đổi nhiệt độ da, độ ẩm da. Dấu chứng sinh tồn mỗi giờ. Mô tả và ghi nhận chính xác cơn động kinh, thời gian giữa 2 cơn động kinh, tri giác trong và sau cơn động kinh, loại động kinh cục bộ, toàn thể. Ghi nhận những dấu hiệu sưng phù quanh hốc mắt, dấu hiệu viêm màng não. Theo dõi vết thương đầu, dẫn lưu đầu sau mổ có dấu hiệu dò dịch não tủy. Khám và phát hiện dấu hiệu chảy máu hay dò dịch não tủy ở mũi, tai. Đánh giá số lượng và tính chất của dịch chảy ra. Quan sát mô não thoát ra qua vết thương sọ não.

Vệ sinh giúp ngăn ngừa biến chứng do nằm lâu

Da: máu cung cấp cho da giảm ở người bệnh hôn mê vì thế khi có nhiễm trùng thì da khó lành. Điều dưỡng lau da bằng nước ấm với xà phòng, nếu da khô nên xoa da bằng dầu ẩm da. Drap giường cần khô, phẳng.

Mắt: người bệnh hôn mê sẽ mất phản xạ giác mạc nên giác mạc khi bị kích thích do gió, bụi và mắt nhắm không kín dễ bị khô giác mạc. Điều dưỡng nên nhỏ nước muối sinh lý làm ướt mắt thường xuyên.

Chăm sóc mắt ngày 2 – 3 lần, che kín mắt cho người bệnh.

Mũi: dễ nghẹt do dịch tiết. Nếu có chảy máu, dịch não tủy cần làm vệ sinh cho người bệnh. Trong trường hợp đặt meche ở mũi cần được theo dõi về đường thở, về dịch chảy ra, quan trọng nhất là máu và không được rút nếu chưa có y lệnh của bác sĩ. Nếu thấy có dò dịch não tủy qua mũi hay tai nên báo cáo ngay cho bác sĩ. Chăm sóc mũi sạch sẽ và áp dụng kỹ thuật vô trùng nhưng tránh dùng bông gòn nhét vào tai hay mũi người bệnh để thấm dịch vì như thế sẽ gây ứ đọng dịch và là nơi sống lý tưởng cho vi khuẩn.

Miệng: đối với người bệnh hôn mê nên lấy răng giả ra, chăm sóc răng miệng ngày 3 lần vì người bệnh hôn mê thường hôi khi thở, niêm mạc miệng đóng bợn nên rất dễ gây viêm loét và nhiễm trùng. Do hôn mê nên môi dễ bị khô, nứt nẻ, điều dưỡng nên xoa son vaseline hay chất làm ẩm da lên môi người bệnh.

Tóc: gội đầu 5 ngày/1 lần, nên sấy khô sau khi gội tránh ẩm tóc và tránh cho người bệnh bị lạnh. Trong trường hợp người bệnh cạo tóc điều dưỡng cần chăm sóc da sạch sẽ và xoay trở đầu để tránh tình trạng loét da đầu.

Tai: nếu có chảy máu, dịch não tủy nên chăm sóc vô trùng, dùng băng gạc băng ở vành tai nhưng tránh nhét gạc làm bít đường chảy ra vì dễ gây nhiễm trùng do ứ đọng dịch.

Dinh dưỡng: quan niệm cũ nghĩ rằng không nên ăn khi người bệnh chấn thương sọ não hôn mê trong giai đoạn cấp tính. Nhưng hiện nay việc đặt ống thông dạ dày cho người bệnh hôn mê được thực hiện 24 – 48 giờ sau chấn thương. Mỗi lần cho người bệnh ăn thường truyền nhỏ giọt 100 – 300ml/2 – 3 giờ. Người bệnh cần năng lượng 3000Kcalo/ngày.

Vệ sinh tiêu tiểu: phương pháp đặt thông tiểu, tã giấy, dùng bao cao su giúp vùng hội âm sạch sẽ, khô ráo. Nếu người bệnh táo bón có thể thực hiện thuốc nhuận tràng, thụt tháo nhẹ nhưng hết sức thận trọng với người bệnh có tăng áp lực nội sọ. Nên cho người bệnh uống nhiều nước, thức ăn có chất xơ, tập vận động tránh cho người bệnh táo bón.

Vật lý trị liệu: cần thay đổi tư thế thường xuyên cho người bệnh để tránh teo cơ, cứng khớp, cổ tay rũ, bàn chân rũ… Cần xoay trở 2 giờ/1 lần, tập vật lý trị liệu.

Phòng chống loét: giữ da người bệnh khô sạch, drap giường khô sạch, xoa bóp các vùng da dễ bị đè cấn.

Giai đoạn phục hồi

Giúp người bệnh trở về đời sống bình thường ở mức độ tốt nhất và giúp gia đình cùng tham gia trong việc phục hồi những di chứng của người bệnh như động kinh, mất ngôn ngữ, mất trí nhớ. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc trả người bệnh về với cuộc sống đời thường. Cần có sự hỗ trợ của nhiều nhóm người: vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý, điều dưỡng, bác sĩ tâm thần và quan trọng hơn hết là người thân và bản thân người bệnh. Đây là giai đoạn không còn ảnh hưởng đến cái chết nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh rất nhiều và cũng là giai đoạn có nhiều tai nạn nhất cho người bệnh do liệt, do mất cảm giác, do động kinh. Điều dưỡng cần có chương trình chăm sóc riêng cho từng người bệnh.

 

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Khứu giác: mất mùi hai bên.

Thị giác: liệt vận nhãn, nhìn đôi, rung giật nhãn cầu, mù, bán manh.

Thính giác: nghe kém, ù tai.

Mức độ ý thức: thay đổi tâm thần, kích động, trầm cảm, loạn thần, mê sảng, hôn mê, quên sau chấn thương.

Chức năng vận động: yếu, liệt nhẹ, liệt, tư thế mất vỏ, tư thế mất não, mất phản xạ.

Dấu hiệu kích thích màng não: cứng gáy, dấu Kernig, dấu Brudzinski.

Tổn thương: nứt sọ, lún xương, tụ máu dưới màng cứng, chảy máu màng kết, chảy máu mũi, vết bầm máu chung quanh ổ mắt, chảy máu tai, vết bầm máu xương chũm.

Phù não/tăng áp lực nội sọ:

Thay đổi mức độ hôn mê.

Thở chậm, thở cố gắng.

Thay đổi huyết áp và mạch, nhịp tim chậm. Biếng ăn, nôn ói hay ói vọt.

Đồng tử giãn, mất đối xứng. Phù gai thị.

Thay đổi chức năng vận động như liệt. Babinski (+).

Nhìn đôi.

Tụt não:

Mê sâu hơn đồng thời thay đổi chức năng vận động và đồng tử. Thở axitosis hay alkalosis, thở Cheyne – Stockes.

Cứng gáy, gồng cứng mất vỏ hay mất não.

Giãn nở đồng tử một bên hay hai bên. Mất phản xạ ánh sáng của mắt.

Huyết áp tăng, mạch chậm, cần so sánh với số lần mạch lần trước, rối loạn nhịp tim.

Tiểu não: đồng tử co, mê sâu, ngưng thở hay mất điều hoà nhịp thở.

Chảy máu:

Tụ máu màng cứng, mất ý thức trong thời gian ngắn, tăng áp lực nội sọ, giãn nở đồng tử một bên.

Chảy máu dưới màng cứng: hôn mê dần, đau đầu, tăng áp lực nội sọ, động kinh, giãn nở đồng tử một bên.

Chảy máu trong não: tăng áp lực nội sọ, giảm cảm giác và vận động, mê, rối loạn nhịp thở.

Dấu hiệu sống:

Huyết áp giảm, mạch chậm hay nhanh và yếu.

Thở nông hay ngưng thở tạm thời, tăng thông khí, thở Cheyne Stokes. Nhiệt độ tăng cao liên quan đến tổn thương vùng hạ đồi và thiếu máu não.

Vấn đề khác: giảm trí nhớ, hội chứng sau hôn mê, đau đầu, ngủ gà, mất nước, tiểu nhiều, choáng.

Biến chứng ngoài não: gãy cổ, chấn thương ngực, tụ máu mô mềm, chảy máu dạ dày, thiếu máu, giảm huyết áp.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Đường thở không thông

Lượng giá khả năng sạch đờm nhớt.

Hút đờm: cung cấp oxy 100% trước và sau khi hút đờm, không hút quá 10 giây/lần, không để cho người bệnh thiếu oxy máu. Duy trì đường thở thông qua nội khí quản, mở khí quản, máy thở. Nghe phổi 1 – 2 giờ/1 lần, ghi chú tính chất và sự gia tăng thông khí.

Máy thở: chú ý thể tích thở (chỉ số oxy, nút báo động). Ghi chú khi thấy PO2† và PCO2T. Kiểm tra dấu chứng sinh tồn 1 – 2 giờ/lần. Theo dõi tình trạng tri giác, dấu hiệu thần kinh khu trú 15 – 30 phút/lần cho đến khi ổn định, sau đó 1 – 2 giờ/lần

Giữ thuốc cấp cứu và dụng cụ thông khí bên giường. Không cho người bệnh ăn bằng miệng để ngăn ngừa tắc đường thở do thức ăn rơi vào khí quản. Cố định cổ và tránh gập cổ cho đến khi biết người bệnh không chấn thương cổ.

Thay đổi tưới máu mô não

Lập bảng theo dõi dấu hiệu thần kinh 15 – 30 phút/lần. Theo dõi dấu hiệu thiếu oxy não. Can thiệp hay phòng ngừa tăng áp lực nội sọ: thuốc điều trị, truyền dịch theo y lệnh, tư thế người bệnh nằm đầu cao 300.

Nếu người bệnh có sử dụng steroid cần theo dõi: kiểm tra phát hiện chảy máu qua phân, qua tube Levine. Xét nghiệm nước tiểu tìm pH, đường và ceton 2 giờ/lần phát hiện khởi đầu của tiểu đường. Thực hiện phynotadine tiêm bắp mỗi ngày. Kiểm soát chảy máu, thực hiện thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để ngăn ngừa hay giảm kích thích dạ dày, phòng ngừa nguy cơ chảy máu.

Cho người bệnh nằm đầu cao 300 giúp dẫn lưu tĩnh mạch não tốt, theo dõi dấu hiệu phù não, xét nghiệm Ion đồ, công thức máu, Hct để đánh giá tình trạng thiếu máu hay mất nước.

Kiểm soát tổng số dịch truyền cho phép trong 24 giờ. Báo cáo chính xác nước xuất nhập và bàn giao sau mỗi phiên trực.

Thực hiện thuốc chống động kinh theo chương trình, theo dõi tác dụng chính và phụ của thuốc chống động kinh, duy trì và ngăn ngừa cơn động kinh.

Thay đổi cảm giác nhận thức (nhìn, nghe, xúc giác, vị giác, khứu giác)

Lượng giá định hướng và mức độ hôn mê theo bảng Glasgow.

An toàn cho người bệnh, giữ chấn song cao trong thời gian người bệnh ở một mình.

Duy trì môi trường yên lặng, làm giảm những kích thích tối thiểu cho người bệnh như ánh sáng chói, tiếng ồn quá mức…

Giúp tái định hướng cho người bệnh về thời gian, nơi chốn, con người.

Lập chương trình nghỉ ngơi, bảo đảm giấc ngủ đủ và tốt, phân bố ánh sáng phù hợp giúp phòng ngừa tai nạn cho người bệnh.

Giúp người bệnh nhận biết cảm giác các vùng trên cơ thể người bệnh bằng các kích thích cảm giác sờ, nếm.

Cung cấp thông tin cho gia đình về các diễn biến của bệnh và sự hợp tác của người thân để chăm sóc người bệnh trong giai đoạn hồi phục.

Những chấn thương tiềm tàng liên quan đến động kinh

Cho người bệnh nằm giường thấp và chấn song cao, sau khi dùng thuốc an thần hay khi người bệnh rối loạn tâm thần. Trang bị cho người bệnh chuông gọi dễ dàng. Cho người bệnh ngồi xe lăn, cáng, khoá khi di chuyển. Tránh cho người bệnh tiếp xúc với lửa, không cho người bệnh tự lái xe.

Trước động kinh

Có dụng cụ thở oxy, dụng cụ hút đờm cạnh giường để cho người bệnh thở oxy, tránh thiếu oxy não khi xảy ra động kinh.

Giường có chắn song để tránh người bệnh ngã xuống đất, tuy nhiên cũng cần che chắn các chấn song tránh để người bệnh tổn thương do chấn song cứng.

Người bệnh báo cho điều dưỡng các dấu hiệu tiền triệu hay với điều dưỡng kinh nghiệm sẽ nhận ra dấu hiệu báo động trước khi động kinh.

Trong thời gian động kinh

Duy trì đường thở thông.

Nâng đỡ và bảo vệ đầu, mặt nghiêng sang bên. Ngăn ngừa chấn thương:

Cho người bệnh nằm xuống nền nhà nếu người bệnh ngồi trên ghế. Kê gối dọc hai bên song giường nếu người bệnh nằm trên giường. Di chuyển những vật xung quanh người bệnh ra xa.

Nới lỏng quần áo.

Dùng muỗng hay cây đè lưỡi có quấn gạc chèn giữa hai hàm răng để tránh cho người bệnh cắn vào lưỡi.

Theo dõi người bệnh, ghi chú thường xuyên số lần, vùng động kinh, kéo dài của cơn. Tránh can thiệp bằng cách cố định người bệnh.

Sau động kinh

Duy trì đường thở, hút đờm và cho người bệnh thở oxy. Vệ sinh răng miệng khi có chất tiết và máu.

Kiểm tra dấu chứng sinh tồn và tình trạng tri giác cho người bệnh. Tái định hướng môi trường cho người bệnh.

Nâng đỡ tâm lý, tư thế thoải mái, xoay trở.

Giảm vận động và nguy cơ tổn thương da

Phát hiện sớm loét giường: điều dưỡng chăm sóc da, xoa da 1 – 2 giờ/1 lần giúp tuần hoàn máu nuôi da tốt. Xoay trở người bệnh nhẹ nhàng, chậm 1 – 2 giờ/1 lần và khi cần thiết nếu không có chống chỉ định.

Giữ tư thế đúng: dùng nệm cố định hay ván giường khi thay đổi tư thế nằm sấp hay nằm ngửa. Dùng ván bàn chân kê bàn chân đúng tư thế ngừa bàn chân rơi, hướng dẫn người bệnh không đẩy chống đối lại ván bàn chân.

Chống thuyên tắc mạch hay cục máu đông: thực hiện phương pháp dùng tất chống thuyên tắc mạch chi dưới, giúp máu hồi lưu tốt. Phát hiện dấu hiệu thuyên tắc sớm: đỏ, đau, sưng, ấm ở chi nhất là chi dưới. Phát hiện dấu hiệu chảy máu do thuốc chống đông qua phân, nước tiểu, vết mổ, nơi tiêm thuốc, qua da.

Ngăn ngừa teo cơ đơ khớp

Khuyến khích người bệnh tự vận động nếu người bệnh tỉnh nhưng tránh tập vận động quá sức, quá mệt. Nên có chương trình tập luyện phù hợp với sức khỏe người bệnh, với phương pháp vật lý trị liệu. Trong trường hợp người bệnh mất ý thức hay hôn mê thì điều dưỡng, vật lý trị liệu tập luyện cho người bệnh và hướng dẫn người nhà thực hiện cho người bệnh để khi xuất viện người bệnh vẫn tiếp tục được chăm sóc.

Rối loạn cân bằng dinh dưỡng do người bệnh không tự ăn uống được

Nên đặt tube Levine cho người bệnh ăn ngay sau mổ. Thức ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều lần, nên ăn nhỏ giọt nếu người bệnh trong tình trạng nặng, hay hôn mê. Trong trường hợp người bệnh sống đời sống thực vật hay không tiếp xúc được thì cần cho ăn thật cẩn thận tránh cho người bệnh sặc, và tuyệt đối không nên cho ăn qua miệng.

Nếu người bệnh không mổ thì cũng nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh, qua miệng nếu người bệnh tỉnh hay qua ống thông dạ dày khi tri giác giảm.

Suy giảm vệ sinh cá nhân do tri giác giảm

Giúp vệ sinh răng miệng 2 giờ/1 lần, vệ sinh cá nhân.

Chăm sóc mắt ngăn ngừa loét giác mạc, trong trường hợp người bệnh hôn mê mắt không nhắm kín điều dưỡng cần che mắt cho người bệnh bằng vải thưa sau khi chăm sóc để tránh khô giác mạc. Ngoài ra, điều dưỡng cũng cần nhỏ mắt thường xuyên giúp niêm mạc mắt không bị khô.

Duy trì chức năng ruột với sự bài tiết đều đặn.

Chăm sóc da sạch sẽ bằng cách cho người bệnh tắm rửa mỗi ngày và quan sát tình trạng da để phát hiện những bệnh lý về da sớm.

Hình dạng thân thể, rối loạn nhân cách

Lượng giá và ghi chú mức độ rối loạn tâm thần của người bệnh.

Điều dưỡng giúp người bệnh tái định hướng thời gian, con người, nơi chốn. Giải thích cẩn thận rằng người bệnh đang làm gì và tại sao.

Trả lời những câu hỏi của người bệnh với câu trả lời đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và trung thực. Điều chỉnh những thông tin không chính xác.

Điều dưỡng cần tôn trọng sự riêng tư của người bệnh. Tôn trọng sự tự chủ, độc lập của người bệnh.

Lo lắng

Trợ giúp người bệnh tái lập chức năng sinh lý, tâm lý nhiều nhất ở mức độ cho phép. Khuyến khích gia đình cùng là thành viên chăm sóc người bệnh, là vai trò chủ động quyết định chăm sóc người bệnh.

Giảm giao tiếp bằng lời nói

Đánh giá khả năng giao tiếp, nhận thức của người bệnh. Triển khai khả năng giao tiếp cùng người bệnh bằng cách cung cấp dụng cụ trao đổi như bút chì, hình ảnh, sờ mó, điệu bộ, phát âm.

 

GIÁO DỤC NGƯỜI BỆNH

Hướng dẫn gia đình trong chăm sóc, giải thích về phương pháp điều trị và hướng xử trí, khuyến khích hoạt động độc lập: cần cung cấp dụng cụ nâng đỡ theo chỉ định, tập luyện đều, người bệnh tự vận động. Từng bước cho người bệnh tham gia vào sinh hoạt cộng đồng. Giúp người bệnh lấy lại niềm tin về cảm giác lo âu, sợ, thay đổi hình dạng.

Thực hiện dinh dưỡng theo bệnh lý: bổ sung ăn uống, ăn ít, nhai chậm, ăn nhiều lần. Hướng dẫn người bệnh liệt mặt cách ăn uống như: cho người bệnh ăn bên không liệt, nhai chậm, thức ăn mềm không quá lỏng gây sặc.

An toàn cho người bệnh bị liệt vận động: chấn song, ghế tắm, nạng, xe lăn, gậy, ánh sáng đầy đủ.

Hướng dẫn người bệnh tránh dùng thuốc điều trị quá liều chỉ định. Cần trực tiếp cho người bệnh uống thuốc nếu người bệnh chưa phục hồi về mặt ý thức. Giáo dục người bệnh và gia đình về cách chăm sóc người bệnh động kinh, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa tai nạn cho người bệnh động kinh như uống thuốc đúng liều, đúng thời gian, khi có dấu hiệu tiền triệu thì không đi xe, không đến gần sông, hồ nước, không tiếp xúc với lửa, điện…

 

LƯỢNG GIÁ

Đường thở thông tốt, kiểu thở hiệu quả. Sự tưới máu não và tủy sống tốt.

Ít biến chứng về tổn thương.

Vận động tốt. Tự chăm sóc tốt. Tâm lý thoải mái.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top