Các thuốc làm loãng máu có tác dụng ngăn chặn việc hình thành cục máu đông và làm giảm nguy cơ thuyên tắc mạch.
Các thuốc làm loãng máu được sử dụng rất thận trọng vì có thể gây ra tình trạng xuất huyết nặng khi có vết thương hở hoặc khiến chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu hơn. Bạn cũng có thể bị chóng mặt, đau đầu, gặp các vấn đề với dạ dày hoặc bị vàng da khi sử dụng những loại thuốc này.
Để tránh những phản ứng phụ này, một số giải pháp đến từ các thực phẩm, cây cỏ...có thể giúp ích cho bạn. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất cứ giải pháp nào vì biết đâu chúng lại gây cản trở tác dụng của các loại thuốc khác hoặc ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bạn, hay không đủ mạnh để giúp ích cho bạn.
Hình thành cục máu đông là phản ứng tự nhiên của cơ thể, xuất hiện khi cơ thể bị chảy máu và rất hữu ích để ngăn chặn tình trạng mất máu do chảy máu. Vitamin K, thường có trong các loại rau lá có màu xanh đậm, có tác dụng làm cho quá trình đông máu diễn ra tốt và nhanh hơn, hạn chế tình trạng mất máu khi cơ thể bị thương hoặc xuất huyết.
Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường (khi cơ thể không bị chảy máu) mà máu của bạn lại có những cục máu đông, thì các cục máu đông có thể di chuyển trong dòng máu đến phổi, tim, hoặc não, gây thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tất cả những tình trạng này đều rất nguy hiểm và đe dọa tính mạng.
Thuốc chống đông máu và chống ngưng tụ tiểu cầu là hai loại thuốc làm loãng máu phổ biến nhất. Thuốc chống đông máu ngăn chặn hoạt động của vitamin K để không hình thành cục máu đông. Thuốc chống ngưng tụ tiểu cầu sẽ ngăn chặn tiểu cầu không giải phóng ra thromboxane – chất hỗ trợ quá trình đông máu và do vậy, hạn chế các cục máu đông.
Cả hai loại thuốc này không thể chữa khỏi tình trạng hình thành cục máu đông, nhưng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đông máu. Phụ nữ mang thai và những người có rối loạn chảy máu hoặc thiếu máu ác tính không nên sử dụng các loại thuốc làm loãng máu này.
Tuy nhiên, có một số thành phần trong tự nhiên có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Trao đổi với bác sỹ trước khi bạn thử những giải pháp sau đây.
Nghệ là loại gia vị giúp cho các món ăn có màu vàng bắt mắt và nghệ từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc dân gian. Theo một nghiên cứu, thành phần chính của nghệ là curcumin có thể có tác dụng lên tiểu cầu và giúp ích cho việc ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Gừng cùng họ với nghệ và có chứa salicylate, một loại axit có trong rất nhiều loại cây. Acetyl salicylic, một dẫn xuất của salicylate, thường được biết đến với tên gọi là aspirin có thể giúp ngăn chặn tình trạng đột quỵ. Các loại thực phẩm có chứa salicylate, như trái bơ, một số trái họ dâu, ớt, và anh dào có thể ngăn chặn việc hình thành cục máu đông.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xem xét liệu những loại thực phẩm này có hiệu quả như các loại thuốc kê đơn hay không.
Quế và họ hàng của quế đều được sử dụng rộng rãi và có chứa coumarin, một chất hóa học hoạt động như một chất chống đông máu rất mạnh. Coumarin có thể làm giảm huyết áp và giảm viêm gây ra do viêm khớp và các tình trạng viêm khác.
Thận trọng khi sử dụng quế như một loại thuốc làm loãng máu vì một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng quế kéo dài trong thực phẩm, bao gồm cả bánh mì làm từ quế và trà quế, có thể gây tổn thương gan.
Ớt cayenne có thể có tác dụng làm loãng máu rất mạnh do có chứa rất nhiều salicylate. Ớt cayenne có thể được sử dụng dưới dạng viên nang uống hoặc sử dụng như một loại gia vị trong thực phẩm. Ngoài việc làm loãng máu, ớt cayenne còn có thể làm giảm huyết áp và tăng tuần hoàn máu.
Các loại thực phẩm giàu vitamin E cũng có chứa các thành phần chống đông máu và có thể có tác dụng như một loại thuốc làm loãng máu. Các loại thực phẩm giàu vitamin E bao gồm đa số các loại hạt cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm làm từ lúa mỳ và một số loại rau có lá xanh đậm.
Nếu bạn thường xuyên ăn một hoặc nhiều loại thực phẩm thiên nhiên làm loãng máu được kể đến ở trên (ví dụ như nếu bạn thường xuyên sử dụng quế trong bữa sáng), thì bạn nên đến bác sỹ để kiểm tra các vấn đề về tim mạch hoặc về gan.
Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm làm loãng máu nào, và bạn thấy rằng bạn chảy máu rất nhiều từ một vết thương hoặc ra máu trong chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, bạn nên ngừng uống tất cả các loại thuốc làm loãng máu (tự nhiên hoặc kê đơn) đang sử dụng. Liên lạc ngay với bác sỹ về việc liệu có nên tiếp tục sử dụng những loại thuốc này hay không.
Nếu bạn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật tim mạch hoặc thay van tim, bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm làm loãng máu nào kể trên đây. Vì sau phẫu thuật tim, bác sỹ thường sẽ kê các loại thuốc làm loãng máu, sử dụng thêm các loại thuốc làm loãng máu khác ngoài những loại thuốc được kê sẽ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nghệ, gừng, quế, ớt cayenne và vitamin E có tác dụng như một loại thuốc làm loãng máu và có thể là một sự thay thế tốt cho những loại thuốc kê đơn. Những thành phần làm loãng máu này đã dược chứng minh là có thể dự phòng việc hình thành cục máu đông nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của những loại gia vị này và các loại thuốc làm loãng máu tự nhiên khác cũng có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi uống liều cao trong thời gian dài. Do vậy, hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi thử bất cứ một giải pháp nào vì chúng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Kiểm soát lượng thuốc làm loãng máu tự nhiên mà bạn nạp vào để dự phòng các biến chứng khác là điều cũng rất quan trọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh