Bổ sung Kẽm cho cơ thể

Nội dung

Kẽm liên quan đến quá trình sản xuất protein, tổng hợp DNA và phân chia tế bào trong cơ thể. Kẽm cũng cần thiết cho hàng trăm enzyme hoạt động trong các phản ứng hóa học khác nhau nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường của cơ thể và cũng rất quan trọng để có khứu giác và vị giác bình thường.

Nhu cầu kẽm khuyến nghị dành cho người Việt Nam (với mức hấp thu vừa):

  • Trẻ 1-2 tuổi: 4.1mg/ngày

  • Trẻ 3-5 tuổi: 4.8 mg/ngày

  • Trẻ 6-7 tuổi: 5.6mg/ngày

  • Trẻ 8-9 tuổi: 6.0mg/ngày

  • Trẻ 10-11 tuổi: 8.6mg/ngày

  • Trẻ 12-14 tuổi: 9.0mg/ngày

  • 15-69 tuổi: 10mg/ngày

  • Trên 70 tuổi: 9.0mg/ngày

Kẽm được tìm thấy trong các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, gia cầm, cá và hải sản. Hàu đặc biệt rất giàu kẽm. Cây họ đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm từ sữa cũng chứa kẽm. Cơ thể con người không có hệ thống dự trữ kẽm tốt, do đó bạn cần phải ăn những thực phẩm giàu kẽm mỗi ngày.

Người ăn chay, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người nghiện rượu và những người có các bệnh về hệ tiêu hóa sẽ có nhu cầu kẽm cao hơn, do vậy cần sử dụng các loại thực phẩm giàu kẽm trong chế độ ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, có thể dùng thực phẩm chức năng có chứa kẽm. Cần lưu ý rằng, rất thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng có chứa kẽm bởi sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc kẽm. Chỉ sử dụng thực phẩm chức năng có chứa kẽm khi được bác sỹ chỉ định.

 

Triệu chứng thiếu kẽm

Thiếu kẽm có thể dẫn đến chán ăn, suy giảm chức năng hệ miễn dịch và tăng trưởng chậm hơn. Thiếu hụt kẽm nghiêm trọng có thể gây rụng tóc, các vấn đề mắt và về da, tiêu chảy, giảm cân, suy nhược thần kinh và bất lực ở nam giới.

Thiếu kẽm có thể là do thiếu kẽm trong chế độ ăn uống hoặc các vấn đề với sự hấp thu kẽm. Người bị bệnh viêm ruột (IBD) hoặc một số loại phẫu thuật dạ dày-ruột có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ kẽm. Phụ nữ có thai có nguy cơ thiếu kẽm cao hơn vì thai nhi đòi hỏi lượng kẽm lớn. Người ăn chay có thể cần thêm kẽm vì nhiều nguồn thực vật giàu kẽm cũng có hàm lượng phytates cao, làm giảm khả năng hấp thụ kẽm.

Thiếu kẽm thường không phổ biến ở các nước phát triển, và hiếm khi xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thiếu kẽm thường khó phát hiện vì lượng kẽm trong huyết thanh không đại diện cho số lượng được tìm thấy trong tế bào.

 

Ngộ độc kẽm

Uống quá nhiều thực phẩm chức năng chứa kẽm có thể gây buồn nôn, nôn mửa, chuột rút, tiêu chảy và đau đầu. Dùng liều lớn kẽm mỗi ngày trong một thời gian dài có thể gây ra vấn đề với đồng và sắt, làm hỏng hệ thống miễn dịch và giảm mức cholesterol HDL. Thực phẩm chức năng chứa kẽm cũng có thể tương tác với một số loại thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top