✴️ Dinh dưỡng và ung thư - Những câu hỏi mở

Tác dụng của các chất chống oxy hóa với ung thư là gì?

Các chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất hóa học thực vật khác. Các chất chống oxy hóa giúp dự phòng những tổn thương gây ra do tương tác hóa học của các chất với oxy. Vì những tổn thương này có thể đóng một vai trò nhất định trong việc phát triển các loại ung thư, nên các chất chống oxy hóa từ lâu đã được cho rằng có thể góp phần dự phòng bệnh ung thư.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người ăn nhiều rau xanh, trái cây – những nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể có nguy cơ mắc một số loại ung thư thấp hơn. Vì những người sống sót sau khi điều trị một loại ung thư sẽ có nguy cơ mắc phải một loại ung thư thứ hai, nên những người này nên ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mỗi ngày.

Tuy vậy, nghiên cứu về các loại thực phẩm chức năng có chứa vitamin và chất khoáng có tính oxy hóa vẫn chưa chứng minh được tác dụng giảm nguy cơ ung thư. Do vậy, lời khuyên tốt nhất cho người bệnh ung thư vào thời điểm này là nên bổ sung các chất chống oxy hóa thông qua các loại thực phẩm, hơn là thông qua các loại thực phẩm chức năng.

Sử dụng các loại thực phẩm chức năng có tác dụng chống oxy hóa trong khi điều trị ung thư có an toàn hay không?

Rất nhiều các loại thực phẩm chức năng có chứa các chất chống oxy hóa ở nhiều ngưỡng cao hơn rất nhiềun so với lượng khuyến nghị một ngày (ví dụ như vitamin C và vitamin E).

Vào thời điểm này, rất nhiều bác sỹ điều trị ung thư khuyên không nên sử dụng liều cao các loại thực phẩm chức năng có chất chống oxy hóa trong khi hóa trị hoặc xạ trị điều trị ung thư. Có một mối lo ngại rằng, các chất chống oxy hóa có thể cũng sẽ góp phần sửa chữa tổn thương của các tế bào ung thư do phương pháp điều trị ung thư tạo ra, do vậy, có thể làm việc điều trị ung thư kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có một số bác sỹ cho rằng, những tác động này của các chất chống oxy hóa chỉ xảy ra trên lý thuyết. Họ tin rằng, có một hệ thống các lợi ích trong việc bảo vệ các tế bào thông thường trước các tổn thương gây ra bởi các phương pháp điều trị ung thư.

Do vậy, câu trả lời cho việc liệu sử dụng các loại thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa có lợi hay có hại cho việc điều trị ung thư hiện vẫn chưa được rõ. Cho đến khi có thêm nhiều bằng chứng hơn, thì tốt nhất, những người bệnh ung thư đang được hóa trị hoặc xạ trị nên tránh sử dụng các loại thực phẩm chức năng, trừ khi biết chắc chắn rằng mình đang bị thiếu một loại chất dinh dưỡng nào đó, và cũng nên tránh sử dụng các loại thực phẩm chức năng cung cấp nhiều hơn 100% giá trị dinh dưỡng một ngày của các chất chống oxy hóa.

Các loại chất béo khác nhau có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư và kết quả điều trị ung thư không?

Có những bằng chứng cho thấy, các loại chất béo khác nhau, ví dụ như chất béo bão hòa, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Có rất ít bằng chứng cho thấy các loại chất béo khác, ví dụ như chất béo không bão hòa đơn, các axit béo omega 3 và các chất béo không bão hòa đa có thể làm giảm nguy cơ ung thư (các chất béo không bão hòa đơn có thể được tìm thấy trong dầu ôliu và dầu hạt cải, trái bơ, bơ lạc và rất nhiều loại hạt khác, axit béo omega 3 có thể được tìm thấy trong cá và quả óc chó).

Trong một nghiên cứu, tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm giảm kết quả điều trị ung thư tiền liệt tuyến. Trong một nghiên cứu khác, chất béo không bão hòa đơn có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư tiền liệt tuyến.

Mặc dù chất béo chuyển hóa (trans fat) có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tim mạch, ví dụ làm tăng lượng cholesterol, nhưng mối liên quan giữa trans fat với nguy cơ ung thư hoặc tỷ lệ điều trị ung thư thành công vẫn chưa rõ ràng. Do vậy, những người điều trị ung thư, đặc biệt là điều trị bằng những phương pháp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nên ăn càng ít chất béo chuyển hóa càng tốt. Các nguồn chất béo chuyển hóa bao gồm bơ thực vật, bánh nướng và các món ăn vặt có chứa các loại dầu hydro hóa một phần.

Chất xơ có thể dự phòng hoặc cải thiện tỷ lệ điều trị ung thư thành công hay không?

Chất xơ bao gồm rất nhiều các loại carbohydrate thực vật mà con người không tiêu hóa được và bao gồm 2 loại là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua việc giảm lượng cholesterol trong máu. Chất xơ cũng có tác dụng cải thiện chức năng đường ruột

Các nguồn cung cấp chất xơ tốt bao gồm các loại đậu, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt và trái cây. Những người điều trị ung thư được khuyến nghị nên tiêu thụ nhiều những loại thực phẩm này, bởi ngoài chất xơ, chúng còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng khác có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư. Những nguồn thực phẩm này có rất nhiều lợi ích khác, ví dụ như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vào thời điểm này, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy liệu tiêu thụ chất xơ có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư và tỷ lệ điều trị ung thư thành công hay không.

Có nên tránh ăn thịt không?

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc ăn một lượng lớn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn (như thịt xông khói, xúc xích) với việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu gợi ý rằng, rán, luộc hoặc nướng thịt ở nhiệt độ quá cao có thể tạo ra các chất hóa học làm tăng nguy cơ một số loại ung thư.

Vì lý do này, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ chế biến sẵn và không nên nấu thịt hoặc các thực phẩm giàu chất béo và protein khác ở nhiệt độ cao. Những người đang điều trị ung thư cũng nên tuân theo khuyến cáo này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top