✴️ Đón tiếp người bệnh, chuyển viện, xuất viện

GIỚI THIỆU

Xã hội càng phát triển, mọi người ngày càng quan tâm đến sức khoẻ của bản thân và gia đình. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phát triển ngày càng nhiều không những ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng nông thôn, miền núi. Người bệnh sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tiếp cận với dịch vụ y tế. Khi người bệnh phải vào nhập viện, hoặc chuyển viện, tuỳ theo tình trạng bệnh tật mà mỗi người bệnh, kể cả gia đình họ đều có tâm tư, nguyện vọng khác nhau: Khi vào viện người bệnh luôn lo lắng về bệnh tật của mình (lo lắng bệnh có khỏi không? Có nguy hiểm không? Có bị tái phát lại không?). Mặt khác, hầu hết người bệnh đều xa lạ với môi trường bệnh viện và gặp khó khăn, lúng túng khi làm thủ tục nhập viện. Khi người bệnh được xuất viện, người bệnh và gia đình cũng chưa biết đầy đủ về thủ tục xuất viện, cách chăm sóc, theo dõi phòng ngừa bệnh tật tại cộng đồng. Do vậy, điều dưỡng viên cần nhận rõ tâm lý của người bệnh, đón tiếp ân cần, chu đáo, thông cảm với những lo lắng của người bệnh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, an tâm, tin tưởng vào khả năng điều trị, chăm sóc của nhân viên y tế, tạo cho người bệnh những ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Mặt khác, điều dưỡng viên cũng phải phối hợp với đồng nghiệp để chăm sóc người bệnh liên tục, an toàn và đạt hiệu quả từ khi tiếp nhận người bệnh vào viện cho đến khi họ chuyển viện hoặc xuất viện. Khi họ được xuất viện cũng cần được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ cách tự chăm sóc và theo dõi sức khoẻ.

Nhóm kỹ năng đón tiếp người bệnh, chuyển viện và xuất viện bao gồm:

Tiếp nhận người bệnh vào viện.

Làm thủ tục cho người bệnh chuyển khoa, chuyển viện.

Chuẩn bị cho người bệnh xuất viện.

 

ĐÓN TIẾP NGƯỜI BỆNH

Điều dưỡng viên cần phải hiểu biết rõ về chính sách, nội quy, quy định của bệnh viện, khoa phòng để hướng dẫn, giải thích cho người bệnh, gia đình người bệnh khi nhập viện.

Các thủ tục hành chính khi người bệnh vào viện

Trường hợp cấp cứu

Chuyển ngay vào phòng cấp cứu; ghi họ tên, tuổi, địa chỉ người bệnh, cơ quan và gia đình, ngày giờ, lý do đến phòng khám, ghi lại tên địa chỉ người đưa người bệnh đến, phương tiện vận chuyển và tình trạng người bệnh.

Kiểm kê lại tài sản của người bệnh để bàn giao lại cho người nhà hoặc khoa/phòng tiếp nhận người bệnh.

Trường hợp bình thường: khi vào viện người bệnh cần có các loại giấy tờ sau:

Giấy giới thiệu của cơ quan y tế tuyến dưới.

Giấy chứng nhận miễn, trừ viện phí, bảo hiểm y tế

Lập hồ sơ cho người bệnh (cần ghi rõ và đủ các mục ở phần đầu bệnh án): tên, tuổi, địa chỉ, lý do vào viện....

Biên nhận tài sản người bệnh đã giữ lại.

Điều dưỡng viên cần phải có kỹ năng thăm khám tiếp nhận người bệnh để đánh giá vấn đề sức khỏe và nhu cầu người bệnh.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ đón tiếp người bệnh

Chuẩn bị phòng đợi

Sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát và yên tĩnh.

Đầy đủ nghế cho người bệnh ngồi chờ.

Có tranh ảnh, áp phích cho người bệnh xem, đọc trong thời gian chờ.

Có nước uống

Có bảng nội quy khoa phòng

Phát phiếu vào khám theo thứ tự

Chuẩn bị phòng khám

Sắp xếp phòng khám gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Chuẩn bị bình phong, giường khám bệnh, bàn ghế.

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho bác sĩ khám bệnh:

 Dụng cụ tổng quát: ống nghe, đèn, búa phản xạ, nhiệt kế, huyết áp kế, đồng hồ bấm giây…

 Dụng cụ khám chuyên khoa.

Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ thủ tục hành chính (hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi người bệnh ra vào bệnh viện, giấy xét nghiệm, bảng theo dõi chức năng sống...).

Chuẩn bị phòng tiếp nhận người bệnh làm thủ tục nhập viện

Chuẩn bị giấy tờ liên quan giúp người bệnh nhập viện.

Buồng bệnh

Giường nằm phù hợp với người bệnh.

Hệ thống chuông gọi nhân viên y tế.

Áo mặc trong bệnh viện cho người bệnh và gia đình.

Khăn, xà phòng, kem và bàn chải đánh răng, chậu…

Cốc có nắp đậy.

Bô dẹt, vịt tiểu...

Quy trình đón tiếp người bệnh

Bảng kiểm kỹ thuật đón tiếp người bệnh vào viện

 

CHO NGƯỜI BỆNH CHUYỂN KHOA, CHUYỂN VIỆN

Trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện do diễn biến của bệnh lý, bác sĩ có thể quyết định cho người bệnh chuyển từ khoa này sang khoa khác, hoặc bệnh viện này sang bệnh viện khác, khiến người bệnh/gia đìnhNB băn khoăn lo lắng. Do đó, điều dưỡng cần hỗ trợ và giải thích cho người bệnh/gia đình NB hiểu được sự di chuyển sẽ giúp cho người bệnh nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt hơn.

Các thủ tục cần thiết cho người bệnh chuyển khoa, chuyển viện

Chuyển khoa phòng

Ðiều dưỡng viên phải liên hệ với khoa phòng mới để bố trí thời gian chuyển người bệnh đến.

Thông báo cho phòng Kế hoạch tổng hợp để làm mọi thủ tục chuyển người bệnh và chuẩn bị phương tiện vận chuyển nếu cần.

Giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh lý do chuyển và ngày giờ chuyển.

Khi đưa người bệnh đến khoa phòng mới phải bàn giao đầy đủ hồ sơ bệnh án. Phản ánh những đặc điểm về tư tưởng và sinh hoạt của người bệnh để khoa phòng mới tiếp tục quản lý. Ðưa người bệnh tới tận giường bệnh rồi mới trở về.

Chuyển viện

Ðiều dưỡng phải liên hệ với bệnh viện mới để bố trí thời gian chuyển người bệnh đến. Nếu là người bệnh cấp cứu thì phải gọi điện thoại báo trước.

Thông báo cho phòng Kế hoạch tổng hợp để làm mọi thủ tục chuyển người bệnh và chuẩn bị phương tiện vận chuyển.

Chuẩn bị giấy tờ chuyên môn: tóm tắt bệnh án và các tài liệu điều trị (kết quả chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, xét nghiệm...).

Thông báo cho người bệnh và gia đình người bệnh biết ngày giờ chuyển viện, giải thích rõ lý do để người bệnh yên tâm.

Khi chuyển viện, điều dưỡng phải đi cùng với người bệnh và chuẩn bị sẵn phương tiện xử trí khi đi đường (hộp thuốc cấp cứu...).

Khi đến nơi, điều dưỡng phải bàn giao đầy đủ giấy tờ và phản ánh những đặc điểm về tư tưởng và sinh hoạt của người bệnh để cơ sở điều trị mới tiếp tục quản lý. Ðưa người bệnh tới phòng khoa, ký nhận bàn giao xong mới về.

Dụng cụ và giấy tờ cần thiết cho người bệnh chuyển khoa, chuyển viện

Hồ sơ bệnh án: giấy chuyển viện, tóm tắt bệnh án...

Sổ ký bàn giao người bệnh và thuốc

Phương tiện vận chuyển: cáng, xe lăn, xe ô tô.

Dụng cụ cấp cứu đi kèm: bình oxy, thuốc cấp cứu

Quy trình cho người bệnh chuyển khoa, chuyển viện

Bảng kiểm kỹ thuật đón tiếp người bệnh vào viện

 

CHO NGƯỜI BỆNH XUẤT VIỆN

Kế hoạch xuất viện đòi hỏi sự tham gia của tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe và cần có sự thảo luận với người bệnh và gia đình người bệnh. Điều dưỡng cần xác định nhu cầu người bệnh khi xuất viện và các cơ sở dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng sẵn có phù hợp với tình trạng người bệnh. Liên hệ với những dịch vụ và theo dõi diễn biến của người bệnh sau khi xuất viện.

Các thủ tục cần thiết cho người bệnh xuất viện

Phải chuẩn bị đủ hồ sơ bệnh án của người bệnh, có ghi rõ ngày, giờ ra viện và kết quả điều trị, chăm sóc.

Chuyển hồ sơ người bệnh lên phòng Kế hoạch tổng hợp để làm thủ tục ra viện.

Thông báo cho người bệnh và gia đình hoặc cơ quan người bệnh biết tình hình xuất viện, ngày giờ xuất viện, thủ tục hành chính để đón người bệnh và thanh toán viện phí.

Dặn dò người bệnh những điều cần lưu ý về điều trị, chăm sóc, phòng bệnh để duy trì kết quả điều trị. Nếu người bệnh có khám lại theo định kỳ thì phải thông báo rõ ngày giờ đến khám lại, giải quyết các thắc mắc của người bệnh nếu có.

Giải thích cho người bệnh biết rõ kết quả điều trị, cách điều trị, chăm sóc tiếp theo tại nhà, hướng dẫn cách ăn uống, luyện tập nâng cao thể trạng.

Làm thủ tục thanh toán viện phí và công khai các khoản chi cho người bệnh

Dụng cụ và giấy tờ cần thiết cho người bệnh xuất viện

Hồ sơ bệnh án

Các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị hỗ trợ thích hợp

Phương tiện hỗ trợ người bệnh di chuyển: xe lăn/cáng, xe ôtô.

Phương tiện cấp cứu: bình oxy, bóp bóng, thuốc (trường hợp người bệnh nặng - gia đình xin về).

Quy trình cho người bệnh xuất viện

Bảng kiểm kỹ thuật cho người bệnh xuất viện

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành đón tiếp người bệnh, chuyển viện, xuất viện

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top