Khi ai đó mong muốn thiết lập quyền lực và kiểm soát người khác bằng sự sợ hãi và đe dọa, họ sẽ có hành vi bạo lực hoặc hung hăng trong nhà. Hành vi này được gọi là bạo lực gia đình. Các cụm từ khác đồng nghĩa với bạo lực gia đình bao gồm đánh đập, bạo hành trong mối quan hệ tình cảm, ngược đãi vợ chồng, bạo hành gia đình và có liên quan đến bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý, và lạm dụng tình cảm.
Bạn có thể không chắc chắn người bạn của mình có đang bị “lạm dụng” hay không. Trong hầu hết các trường hợp, họ có thể sợ hãi kẻ lạm dụng họ hoặc luôn luôn cố gắng làm hài lòng kẻ đó. Họ ngưng việc gặp gỡ bạn bè hoặc gia đình, hoặc cắt ngắn cuộc nói chuyện điện thoại khi kẻ bạo hành có mặt ở đó. Họ thường bị chỉ trích hoặc làm nhục bởi kẻ bạo hành trước mặt người khác. Họ cũng nói về kẻ lạm dụng bằng các từ ngữ như “ghen tị”, “nóng nảy” hoặc “chiếm hữu”. Nếu người bạn của bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình, họ có thể trở nên lo lắng hay chán nản, mất niềm tin, hoặc im lặng một cách bất thường, cùng với những chấn thương thể chất (vết bầm tím, gãy xương, bong gân, vết cắt, vv).
Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy: có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL, thì trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Đặc biệt, có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần.
Theo điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đối với phụ nữ, tỷ lệ từng bị bạo lực về tinh thần là 47,2%, bạo lực thể chất là 7,3%, bạo lực tình dục là 4,2%, bạo lực về kinh tế là 1,8%.
Bạo lực người cao tuổi trong những năm trở lại đây có xu hướng gia tăng, hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là: Hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục… Còn với trẻ em, nguyên nhân chính thường xuất phát từ mâu thuẫn cha, mẹ và con cái, trẻ không nghe lời, nghịch ngợm, không làm theo các quy định mà người lớn đặt ra.
Bạn cần phải chắc chắn rằng cuộc trò chuyện với người bạn được bảo mật và an toàn. Khi kẻ bạo hành không có mặt, hãy tận dụng cơ hội để nói chuyện. Điều này có thể bảo vệ bạn bè và chính bản thân bạn, cũng như cung cấp cho họ không gian để nói về những vấn đề của họ. Bạn cũng cần lựa chọn nơi an toàn cũng như ước tính thời gian hợp lý để nói về vấn đề này. Nạn nhân có thể sẵn sàng nói chuyện nếu họ cảm thấy an toàn và tin tưởng bạn giữ bí mật về tình hình của họ. Những câu nói như “Mình thấy lo vì dạo gần đây tụi mình không được gặp nhau nhiều như xưa nữa”, hoặc “Dạo này nhìn bạn không được vui” là những câu mở đầu phù hợp bạn có thể dùng để bắt đầu cuộc nói chuyện.
Trong hầu hết các trường hợp bạo hành gia đình, bạn quen biết với cả cả nạn nhân và kẻ bạo hành. Bạn có thể khó tưởng tượng được người quen của mình lại hành động bạo lực như vậy. Tuy nhiên, kẻ lạm dụng có thể sẽ cho bạn thấy một con người rất khác so với những gì anh ta thể hiện ra bên ngoài. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tin vào những gì người bạn mình nói. Họ thường sẽ giảm nhẹ sự lạm dụng chứ không phải là phóng đại nó lên. Điều này đặc biệt đúng ở phụ nữ. Người ta thường sẽ không tin một người phụ nữ khi cô ấy lần đầu tiết lộ bị lạm dụng, dẫn đến sau này do dự không muốn chia sẻ với người khác.
Đừng phán xét hay chỉ trích những gì người bạn mình nói! Đừng bảo họ phải làm gì mà hãy giúp họ tìm hiểu những lựa chọn đang có. Đồng thời, bạn cũng đừng bảo họ phải rời bỏ kẻ lạm dụng hoặc phê bình họ vì đã chịu đựng. Mặc dù bạn có thể muốn họ rời bỏ ngay lập tức, tuy nhiên đây là vấn đề của họ, vì thế bạn nên để họ tự đưa ra quyết định và lựa chọn thời điểm thực hiện quyết định đó. Nghiên cứu cho thấy nạn nhân thường sẽ dễ bị tấn công ngay tại thời điểm hoặc ngay sau khi rời khỏi kẻ bạo hành.
Bạn nên giúp họ tìm đến những cộng đồng, cơ quan và tổ chức có thể giúp đỡ họ, bao gồm cả các dịch vụ để giúp họ thoát khỏi bạo lực nếu họ muốn. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn cần phải tự tìm đến những tổ chức này để giúp đỡ người bạn đấy và khuyến khích bạn bè, người thân của bạn làm điều này trên danh nghĩa của chính họ.
Nếu bạn nghĩ rằng họ cần được các nhà chuyên môn trợ giúp thông qua bạn, thì bạn cứ nói cho bạn mình biết. Bạn cần trấn an họ rằng bạn có thể thảo luận tình hình với các nhà chuyên môn này mà không tiết lộ danh tính của họ. Hãy giúp người bạn ấy hiểu rằng họ có quyền sống một cuộc sống tự do, không có bạo hành. Nếu họ muốn trú ẩn ở một nơi nào đó, hãy hỗ trợ họ làm như vậy và gọi công an ngay nếu họ gặp nguy hiểm.
Người ta thường coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ nên được giải quyết trong nội bộ gia đình. Trái ngược với điều đó, bạo lực gia đình là một tội ác ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và không thể được chấp nhận. Nếu bạn nhận ra người bạn của mình đang vướng phải tình huống này, điều quan trọng là bạn nên tìm cách hỗ trợ và giúp đỡ họ kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh