Không ăn quá nhiều
Trải nghiệm dịch vụ và thưởng thức những món ăn ngon tại nhà hàng là một niềm vui trong chuyến du lịch, tuy nhiên cần kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, nhiều trường hợp phải cần có sự can thiệp y tế do ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc.
Thức ăn nhiều chất xơ
Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn ngăn ngừa táo bón, vì vậy hãy cố gắng bổ sung đủ chất xơ cho bữa ăn giống như những bữa ăn thường ngày ở nhà.
Một số nguồn thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc…
Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, bạn có thể mua đồ ăn nhẹ, hoặc các loại thực phẩm giàu chất xơ từ các cửa hàng hay chợ xung quanh.
Uống nhiều nước
Thiếu nước là một trong những nguyên nhân gây nên táo bón, sau một quá trình dài di chuyển, cơ thể mất nhiều nước, vì vậy bổ sung đủ nước cho cơ thể là điều cần thiết.
Nước uống cần phải đảm bảo là nước sạch, không bị nhiễm khuẩn, với các loại nước chế biến hay đóng chai, cần nghiên cứu kỹ thành phần và chắc chắn rằng cơ thể bạn không có dị ứng với bất kì thành phần nào có trong đó.
Nhiều người thích uống nước chung với đá lạnh, bạn cần cân nhắc sử dụng chúng, bởi nước đá nhiễm khuẩn có nguy cơ lớn khiến cơ thể bạn nhiễm khuẩn gây ra viêm họng hay rối loạn tiêu hóa.
Chọn loại nước uống phù hợp
Nạp quá nhiều thức uống chứa đường, cafein hay cồn có thể kích ứng hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở những người có hội chứng dạ dày kích thích.
Cà phê và thức uống có cồn có thể kích thích bài xuất tiêu hóa, việc này làm cho đại tràng không có đủ thời gian hấp thu lại nước trong phân, khiến cơ thể bạn mất nước và đi cầu phân lỏng.
Mua thực phẩm tươi sống từ các cửa hàng, chợ địa phương
Bạn có thể đi dạo một vòng quanh khu dã ngoại hoặc quanh khách sạn, lựa mua những nguyên liệu thực phẩm tươi sống và tự chế biến hành món ăn ưa thích. Với nhiều người không thích ăn đồ hộp hay các món ăn nhiều dầu mỡ ở các nhà hàng thì đây là một lựa chọn hợp lý, hiệu quả và ít tốn kém.
Thói quen đại tiện
Trong suốt chuyến du lịch dài ngày, nhiều người nhịn đi vệ sinh bởi họ cảm thấy không thoải mái trong chuyện “giải tỏa nỗi buồn” ở một nơi lạ lẫm. Việc này ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa, gây táo bón. Vì vậy, hãy thư giãn, thoải mái hơn và đừng trì hoãn việc đại tiện.
Rửa tay thường xuyên
Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh cần sửa sạch tay với xà phòng. Theo khuyến cáo của bộ Y tế, các bước rửa tay sạch bao gồm:
- Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
- Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay
- Bước 7 : Dùng khăn sạch lau khô tay và dùng khăn tắt vòi nước
Mang thuốc theo bên mình
Với một số loại thuốc không kê đơn, như thuốc kháng axit có thể giúp giảm bớt triệu chứng ợ chua, hay đối với triệu chứng tiêu chảy nhẹ có thể sử dụng các loại thuốc chứa thành phần như bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol) và loperamide (Imodium)
Với các loại thuốc kê đơn, cần tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng,
Nếu có bất kì triệu chứng nào như đi cầu, nôn ra máu, sốt cao hay đau bụng quằn quại, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và chăm sóc kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh