✴️ Quản lý giấc ngủ và nghỉ ngơi (P2)

Nội dung

LẬP KẾ HOẠCH CHĂM SÓC

Rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật và là mối quan tâm lo lắng của mọi người. Người điều dưỡng cần quan tâm đến những rối loạn này của người bệnh để phát hiện sớm giúp cho việc điều trị và điều hòa lại giấc ngủ cho người bệnh. Trong cộng đồng cũng vậy, đôi khi do có một mối quan tâm nào đó trong cuộc sống, ví dụ như những người mẹ có con nhỏ thường ngủ không ngon giấc vì sợ con thức giấc đòi bú…, làm việc, thức giấc nhiều lần đưa đến rối loạn giấc ngủ và đôi khi có thể trầm trọng rồi người mẹ mới phát hiện về tình trạng ngủ không ngon giấc và nghỉ ngơi không đầy đủ của mình.

Những điều dưỡng chuyên nghiệp có thể giữ vai trò chủ chốt trong việc giúp đỡ người bệnh để nhận định và đáp ứng những nhu cầu của họ về ngủ và nghỉ ngơi. 

Nhận định

Các dữ kiện chủ quan 

Tiêu chuẩn cho một tình trạng ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ là dựa vào tình trạng người bệnh. Nhận định tình trạng người bệnh được nghỉ ngơi đầy đủ mang nhiều tính chủ quan.  

Nhận biết về tình trạng nghỉ và ngủ hàng ngày của người bệnh

Xác định tình trạng ngủ và nghỉ ngơi thông thường của một người thông qua các câu hỏi sau:

Bạn thường ngủ bao nhiêu giờ/ngày?

Bạn đi ngủ và thức dậy lúc mấy giờ?

Cái gì giúp bạn dễ ngủ?

Cái gì làm cho bạn khó ngủ?

Bạn cảm thấy thế nào sau khi thức giấc?

Bạn có thường nghỉ trưa không? Bao lâu?

Cái gì giúp bạn thư giãn?

Nhận biết các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự nghỉ ngơi của người bệnh:

Khi nhận định nguy cơ xảy ra các vấn đề rối loạn giấc ngủ, cần phải biết những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến rối loạn giấc ngủ: yếu tố môi trường, quan hệ xã hội, tâm lý, thuốc đã dùng, thức ăn, rượu, cafê… 

Nhận biết các yếu tố khác: 

Người bệnh có biết mình bị rối loạn giấc ngủ hay không? 

Do người bệnh cố ý không ngủ hoặc nghỉ ngơi vì phải bận một công việc    hay nghề nghiệp yêu cầu, hay do tự nhiên bị mất ngủ? 

Rối loạn giấc ngủ đã kéo dài bao lâu hay mới xuất hiện? 

Những hoàn cảnh, sự việc xảy ra trước khi bị rối loạn giấc ngủ?

Các dữ kiện khách quan

Xuất hiện những vòng thâm quầng dưới mắt, ngáp, ngủ gà ngủ gật và sự chậm chạp đối với các đáp ứng, dễ cáu kỉnh, giảm khả năng tập trung,... 

Than phiền về tình trạng khó vào giấc ngủ, khó ngủ suốt giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém.

Rối loạn giấc ngủ phải xảy ít nhất 3 lần trong tuần và kéo dài ít nhất trong  một tháng.

Người bệnh quan tâm, suy nghĩ về tình trạng mất ngủ suốt ngày đêm và lo lắng thái quá về những tác hại của nó.

Thời lượng ngủ hoặc chất lượng ngủ không thoả mãn làm cho người bệnh căng thẳng rõ rệt hoặc gây ảnh hưởng tới khả năng hoà nhập xã hội cũng như khả năng lao động, nghề nghiệp của người bệnh.

Các triệu chứng kèm theo khi rối loạn giấc ngủ: trầm cảm, lo sợ… 

Mệt, cảm giác kiệt sức và năng suất làm việc về thể chất lẫn tinh thần bị giảm.

Khó chịu, mất khả năng tập trung là những biểu hiện của tình trạng nhiễu loạn giấc ngủ.

Chẩn đoán điều dưỡng 

Để trình bày chính xác chẩn đoán điều dưỡng, cần phải thu thập dữ kiện và sắp xếp, chọn lọc theo mức độ quan trọng.

Ví dụ: trong một điều tra về những việc người ta làm trước khi ngủ, có đến 72% ý kiến trả lời họ có thói quen xem tivi trước khi ngủ, nhưng chỉ có 26% trong số đó cho rằng đó là việc quan trọng để giúp họ dễ ngủ. Do vậy, việc thiếu tivi trong môi trường bệnh viện có thể là một yếu tố không quan trọng trong việc ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.  

Người bệnh ngủ không hiệu quả liên quan đến sự lo lắng về tình trạng bệnh lý hoặc thiếu kiến thức về bệnh. 

Người bệnh ngủ không hiệu quả liên quan đến tình trạng bệnh lý.

Người bệnh ngủ không hiệu quả liên quan đến tình trạng thay đổi môi trường và thói quen.

Can thiệp điều dưỡng

Duy trì giấc ngủ được hiệu quả

Phòng ngủ luôn được sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ hoặc tối tùy theo ý thích của mỗi người. Không nên làm việc hay làm nơi vui chơi trong phòng ngủ. 

Trước khi ngủ nên vệ sinh sạch sẽ: tắm, săn sóc răng miệng,... đôi khi có thể ngâm chân với nước ấm trước khi ngủ tùy theo thói quen, sở thích của mỗi người. 

Một cái gối ôm, một cái chăn bé hay một con thú nhồi bông ưa thích là một cách duy trì thói quen khi ngủ của trẻ, làm tăng chất lượng cho giấc ngủ. 

Vỗ về, massage nhẹ vùng lưng, đọc truyện, hoặc đôi khi cần phải có sự hiện diện của người thân bên cạnh như là một biện pháp thư giãn, thì người bệnh mới cảm thấy an tâm và giấc ngủ mới được đảm bảo. 

Kể cho trẻ nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ, hay uống một tách trà đối với những người lớn tuổi, hay làm một số việc nào đó vào cuối thời gian tỉnh táo là một trong những cách hiệu quả nhất giúp dễ ngủ. 

Sự cầu nguyện hay đọc kinh thánh có thể tạo một cảm giác an lành và giúp người bệnh dễ ngủ. Một số người lại cho rằng thiền là một biện pháp hữu hiệu.

Trước khi ngủ cần hạn chế lượng dịch đưa vào vì sẽ gây khó chịu và có thể mất ngủ do tiểu đêm, trẻ nhỏ dễ đái dầm.

Những người khả năng vận động bị hạn chế cần được hỗ trợ trong việc đi vệ sinh trước khi nghỉ ngơi và tạo cảm giác thoải mái khi ngủ. 

Những thay đổi cảm giác nội tại như bệnh tật, các yếu tố liên quan đến tinh thần: stress tâm lý, công việc căng thẳng, sự mâu thuẫn, lo lắng, stress… hoặc các yếu tố về thể chất: đau, nôn, buồn nôn… có thể ảnh hưởng đến tình trạng thức giấc của người bệnh, người điều dưỡng cần quan tâm và cố gắng loại bỏ các yếu tố trên bằng các biện pháp tâm lý trị liệu hay thực hiện y lệnh về thuốc …

Sự thường xuyên kiểm tra tình trạng người bệnh của điều dưỡng cũng có thể làm giảm sự sợ hãi, lo lắng của người bệnh.

Việc giảm nhẹ hoạt động trước khi lên giường giúp củng cố giấc ngủ và kèm với một thời gian thức dậy thích hợp, đều đặn, cuối cùng sẽ dẫn đến thời gian ngủ đều đặn hơn.

Các bệnh lý cần có sự phối hợp điều trị về sự ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ

Mặc dù đã có liệu pháp điều trị tiên tiến nhưng việc nghỉ ngơi vẫn còn là một trong số những cách điều trị triệu chứng phổ biến nhất đối với các trường hợp bệnh khác nhau. 

Nghỉ ngơi

Những người bệnh bị thiếu máu cơ tim cục bộ do cục máu đông phải tuân theo một chế độ ăn nghiêm ngặt và hạn chế vận động. Việc giúp đỡ những người bệnh này duy trì một tình trạng nghỉ ngơi cho tim khi cơn đau lắng xuống là một thử thách cho óc sáng tạo của điều dưỡng. Giúp những người bệnh này nhận ra rằng: mặc dù họ cảm thấy khỏe nhưng trái tim bị tổn thương cần được nghỉ ngơi nhiều hơn nữa.

Việc duy trì phương pháp kéo xương để xương được “nghỉ ngơi” đối với những người bệnh bị gãy xương đùi hay nhỏ thuốc nhỏ mắt tạm thời để làm tê liệt mắt. Do vậy, việc nghỉ ngơi của mắt sau phẫu thuật là một cách mà bác sỹ thường áp dụng để tạo điều kiện cho các phần hay các cơ quan trong cơ thể cần một giai đọan nghỉ ngơi để hồi phục những tổn thương. 

Dùng thuốc

Thuốc ngủ thường được sử dụng để can thiệp trong một thời gian ngắn khi người bệnh bị rối loạn giấc ngủ do hoàn cảnh, bệnh lý nào đó… Tuy nhiên, thuốc ngủ chỉ nên dùng khi đã áp dụng các biện pháp khác không hiệu quả. Trong việc đưa ra quyết định và hướng dẫn người bệnh chú ý đến việc sử dụng thuốc ngủ, ta cần xem xét những nguyên tắc sau:

Tất cả các loại thuốc ngủ đều phải được sử dụng thận trọng vì chúng can thiệp vào cấu trúc của một giấc ngủ bình thường ở một mức độ nào đó. Giai đoạn ngủ cử động mắt nhanh là dễ bị tác động nhất, cho nên những dấu hiệu thiếu hụt giai đoạn này có thể là điều hiển nhiên, mặc dù tổng thời gian ngủ tăng do dùng thuốc ngủ. Giảm liều từ từ đối với những người bệnh sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể ngăn ngừa ảnh hưởng ngược lại đối với giai đoạn ngủ cử động mắt nhanh.

Tất cả các loại thuốc ngủ đều làm giảm chức năng thức dậy. Tình trạng ngủ gà ngủ gật vào ban ngày và sự suy yếu các kĩ năng tâm thần vận động thường  xảy ra trên người bệnh dùng thuốc ngủ, vì vậy việc hướng dẫn người bệnh đang sử dụng thuốc ngủ về thời gian bán hủy của thuốc và cảnh báo với họ tránh lái xe hay vận hành máy móc trong khi sử dụng thuốc. Cần đảm bảo môi trường an toàn tại nhà và bệnh viện đối với những người bệnh sử dụng thuốc ngủ mà co nhu cầu thức dậy đi vệ sinh vào ban đêm.

Hiệu lực của thuốc ngủ giảm sau khoảng 4 tuần sử dụng nó. Do đó, những người sử dụng thuốc lâu dài có thể bị ảnh hưởng nhiều. 

Thuốc ngủ thường được dùng thích hợp nhất cho những người bệnh mới bị mất ngủ. Người bệnh nên uống liều nhỏ nhất, sau đó chỉ dùng một vài đêm hay chỉ dùng khi cần thiết.

Thời gian cần thiết cho những người lớn tuổi để chuyển hóa benzodiazepin tăng. Tình trạng thức giấc do nồng độ oxy trong máu giảm sau khi dùng thuốc ngủ. Cho nên, cần phải cẩn thận khi dùng thuốc ngủ cho người bệnh mắc các bệnh ảnh hưởng đến đường hô hấp, người già. 

Tiêu chuẩn lượng giá

Người bệnh sẽ báo là ít gặp những vấn đề trong giai đoạn ngủ tiềm tàng.

Người bệnh báo là cảm thấy nghỉ ngơi được nhiều hơn.

Người bệnh sẽ có những biểu hiện về thể chất là đang được nghỉ ngơi tốt.

Người bệnh ngủ nhiều vào ban đêm và và ít vào ban ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top