Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ chương trình Khảo sát Sức khỏe và Dinh Dưỡng Quốc Gia Hoa Kỳ và tạo ra một mô hình mô phỏng bệnh tật để đánh giá nguy cơ phát triển tiểu đường và bệnh tim mạch của người trưởng thành có cân nặng khác nhau.
Từ đây, các nhà nghiên cứu tính toán số năm tuổi thọ và số năm sống khỏe mạnh bị mất đi do thừa cân và béo phì ở người Mỹ trưởng thành từ 20 đến 79 tuổi so với người có cân nặng bình thường.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy người thừa cân (có chỉ số BMI từ 25-30 kg/m2) có thể mất tới 3 năm tuổi thọ tùy thuộc vào tuổi tác và giới tính. Người được xếp vào dạng béo phì (có chỉ số BMI từ 30-35 kg/m2) có thể mất tới 6 năm tuổi thọ và con số này ở người béo phì nặng (có chỉ số BMI từ 35 kg/m2 trở lên) có thể lên đến 8 năm.
Theo nghiên cứu, thừa cân có tác động lớn nhất lên số năm tuổi thọ mất đi ở người trẻ và tác động này giảm theo tuổi tác. Bên cạnh làm giảm tuổi thọ, thừa cân còn có thể giảm số năm sống khỏe mạnh, mà được định nghĩa trong nghiên cứu là những năm không bị bệnh tim mạch và tiểu đường liên quan đến béo phì.
Người trưởng thành trẻ từ 20 đến 29 tuổi bị mất đi số năm sống khỏe mạnh nhiều nhất, lên đến 19 năm ở người béo phì nặng. Ở người bị thừa cân hoặc béo phì, các nhà nghiên cứu tính toán thấy số năm sống khỏe mạnh bị mất đi nhiều hơn từ hai đến bốn lần số năm tuổi thọ bị mất đi.
Trưởng nhóm nghiên cứu, GS.TS Steven Grover và là nhà dịch tễ học của Viện Nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Đại học McGill, Canada giải thích phát hiện trên:
“Mối tương quan trên là rất rõ ràng. Cân nặng càng cao và tuổi càng trẻ thì ảnh hưởng lên sức khỏe càng lớn vì số năm gặp các nguy cơ cho sức khỏe liên quan đến béo phì càng nhiều.
Phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng, giúp người bị béo phì và các chuyên gia y tế đánh giá đúng tầm nghiêm trọng của vấn đề và lợi ích của lối sống lành mạnh, bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn và hoạt động thể chất thường xuyên.”
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh