Trước đây, bệnh nhân ĐTĐ thường ăn kiêng quá mức dẫn tới tình trạng thiếu chất lâu dài hoặc có thể gây hạ đường huyết đột ngột, cũng rất nguy hiểm. Với quan điểm mới hiện nay thì người bệnh cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Ăn như thế nào là phù hợp?
Theo ThS. Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thì không có một công thức bữa ăn nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân, mà tùy từng thể trạng, cân nặng và mức độ tiêu hao năng lượng từng người sẽ có một chế độ ăn khác nhau. Trước đây, việc thực hiện chế độ ăn điều trị bệnh ĐTĐ thường bị thất bại do người bệnh khó thay đổi thói quen ăn uống hoặc do họ áp dụng chế độ ăn kiêng quá mức. Một chế độ ăn điều trị bệnh ĐTĐ đúng phải là bữa ăn đảm bảo sức khỏe, kiểm soát được đường huyết và các yếu tố khác như: huyết áp, mỡ máu, cân nặng. Cụ thể là:
Bữa ăn phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh.
Nhìn chung, bệnh nhân nên hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít... Nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả ít ngọt như: táo, bưởi, ổi...
Nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no. Người bệnh nên ăn lưng bát rau luộc khi bắt đầu bữa ăn. Cần lưu ý, một bữa ăn hỗn hợp gồm chất bột đường và nhiều chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục để giảm cân. Tuy nhiên nên giảm cân từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột. Đối với người gầy (BMI < 18,5) thì nên ăn thêm 1-2 bữa phụ để tăng cân, nhưng lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường thêm chất đạm hoặc chất béo.
Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày. Đối với người cân nặng ổn định, đường huyết kiểm soát tốt không cần thiết phải ăn thêm bữa phụ hoặc chia nhỏ bữa ăn. Người bệnh chỉ ăn thêm bữa phụ khi phải vận động nhiều: đi tham quan, chơi thể thao... Đối với những bệnh nhân có nguy cơ bị hạ đường huyết và gây nguy hiểm như bệnh nhân có tuổi, có các biến chứng tim mạch nặng nề, suy thận hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc kích thích tụy bài tiết insulin và đặc biệt bệnh nhân đang tiêm insulin thì cần xem xét có bữa phụ, đặc biệt trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết trong đêm. Người bệnh không nên ăn bữa phụ sáng vì sau bữa sáng đường huyết thường cao nhất trong ngày do liên quan đến các hormon làm tăng đường huyết của cơ thể.
Nên bổ sung đầy đủ vitamin và muối khoáng: do ăn kiêng quá nên nhiều bệnh nhân ĐTĐ hay bị thiếu vitamin. Một chế độ ăn không có mỡ sẽ hạn chế hấp thu nhiều loại vitamin quan trọng như vitamin A, D, K, E... Khi điều trị dài ngày thuốc metformin sẽ gây thiếu vitamin B12, B9 do ức chế hấp thu ở dạ dày. Còn khi ăn quá nhiều chất xơ lại dễ bị thiếu canxi và sắt. Vì thế, bệnh nhân ĐTĐ rất cần ăn uống đầy đủ và biết lựa chọn các thức ăn có nhiều vitamin và chất khoáng quan trọng như sữa, cá hồi chứa nhiều canxi.
Nên ăn nhiều chất xơ: các thức ăn có nhiều chất xơ như rau xanh, một số hoa quả sẽ lưu lại dạ dày lâu hơn, ngăn cản các men tiêu hoá tác dụng với thức ăn, làm chậm quá trình tiêu hoá và hạn chế hấp thu đường vào máu.
Ăn vừa phải chất béo: hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.
Nên hạn chế uống rượu bia vì nguy cơ tăng cân và hạ đường huyết. Người bệnh tăng huyết áp nên ăn nhạt.
Nên ăn loại thức ăn nào?
Về nguyên tắc thì không có bất cứ loại thức ăn nào bị cấm đối với bệnh nhân ĐTĐ. Một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ từ nhiều nguồn thức ăn sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giúp cơ thể có thể hoạt động bình thường. Với bệnh nhân ĐTĐ là trẻ em lại càng cần một chế độ ăn đúng, đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của các bé. Các chất bột là nguồn năng lượng cho cơ thể hoạt động; chất đạm giúp cho các tế bào, các mô của các cơ quan, bộ phận của cơ thể phát triển; chất béo (mỡ) cho nhiều năng lượng và giúp hấp thu một số vitamin. Còn ăn hoa quả để có đủ vitamin và muối khoáng.
Nên lựa chọn và ăn các loại thức ăn ít làm tăng đường huyết sau ăn. Rau xanh vừa cung cấp chất xơ vừa làm tăng cảm giác no nhằm hạn chế bữa ăn nhiều năng lượng, đặc biệt có lợi đối với người bệnh quá cân béo phì cần giảm cân.
Cùng với chế độ ăn hợp lý, người bệnh cần tăng cường tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe, tiêu thụ năng lượng dư thừa trong cơ thể nên làm giảm cân, cải thiện đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh