Iod cần thiết cho việc tạo ra hormone tuyến giáp, giúp điều hoà quá trình phát triển, tăng trưởng, và chuyển hoá. Do cơ thể không thể tự tạo ra iod, nên iod được coi là khoáng chất quan trọng. Nhu cầu iod sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Người trưởng thành cần khoảng 150mcg iod một ngày. Trong quá trình mang thai, sẽ cần khoảng 220 mcg iod và trong khi cho con bú, con số này là 290mcg/ngày.
Mặc dù nguồn cung cấp iod chính là muối iod, nhưng nhiều loại thực phẩm khác cũng có thể cung cấp iod, bao gồm cá và động vật có vỏ cứng ở biển, sữa, phô mai, trứng và rau trồng tại các khu vực đất giàu iod. Rong biển cũng là một nguồn cung cấp iod rất tốt.
Do có sự xuất hiện của muối iod, nên tình trạng thiếu iod đang trở nên hiếm gặp hơn. Tuy nhiên, 30% dân số toàn cầu vẫn có nguy cơ thiếu iod. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo tình trạng này
Bạn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ
Iod có mặt trong tất cả các mô của cơ thể. Cho đến nay, chức năng duy nhất của iod là tham gia vào việc sản xuất hormone tuyến giáp. Trong bệnh suy giáp, tuyến giáp bị suy giảm hoạt động và cơ thể không sản sinh đủ hormone tuyến giáp để duy trì hoạt động. Triệu chứng của bệnh suy giáp bao gồm mệt mỏi, táo bón, tăng cân.
Khô da hoặc nhạy cảm với không khí lạnh
Các dấu hiệu khác của tình trạng suy giáp bao gồm khô da, nhạy cảm với không khí lạnh và yếu cơ. Nữ giới có nguy cơ bị suy giáp cao hơn nam giới 8 lần và nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
Giảm khả năng làm việc
Ở người trưởng thành, thiếu iod mức độ nhẹ đến trung bình có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh thần và hiệu quả công việc. Đây cũng là những triệu chứng của tình trạng suy giáp. Thiếu iod không chỉ là tình trạng của các nước đang phát triển mà ngay cả phụ nữ mang thai và cho con bú ở các nước phát triển cũng có thể gặp phải tình trạng này vì không ăn đủ các thực phẩm giàu iod.
Có khối u lớn ở cổ
Bướu cổ là tình trạng phì đại tuyến giáp và là dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng thiếu iod. Khối u có thể xuất hiện ở phía dưới, đằng trước của cổ. Loại muối thường sử dụng khi chế biến các loại đồ ăn nhanh thường không phải là muối iod. Đó là lý do vì sao những người thường ăn đồ ăn nhanh, vẫn có thể bị thiết iod.
Có cảm giác như bị hóc khi nằm xuống
Một khối u ở cổ sẽ khiến bạn khó thở và khó nuốt hơn. Khi bạn nằm xuống, bạn sẽ có cảm giác như bạn đang bị hóc vậy.
Nồng độ iod trong nước tiểu thấp
Nếu bạn muốn xét nghiệm nồng độ iod trong cơ thể, có thể tiến hành xét nghiệm nước tiểu. Nguyên nhân là vì iod sẽ được đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bạn xem xem mình có bị thiếu iod hay không
Bạn đã từng bị sảy thai hoặc thai chết lưu
Trong quá trình hormone, cơ thể cần có hormone tuyến giáp – và do đó, cần có iod. Hormone tuyến giáp cần thiết để sản xuất ra myelin – vỏ của tế bào thần kinh, giúp các tế bào thần kinh kết nối được với nhau. Phụ nữ mang thai bị thiếu iod nghiêm trọng thường sẽ có nguy cơ sảy thai và thai chết lưu.
Bạn có con bị khuyết tật thần kinh
Thiếu iod có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Thiếu iod trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của thai nhi. Thiếu iod có thể dẫn đến các tổn thương não bộ không thể hồi phục được, bao gồm chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra, thiếu iod cũng cũng làm hạn chế sự phát triển não bộ và có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ sau này.
Trẻ bị tăng động giảm chú ý hoặc các vấn đề khác
Thiếu iod trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn đến chậm phát triển chiều cao và các vấn đề khác ở trẻ. Thiếu iod khi mang thai đã được chứng minh có liên quan đến tình trạng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Theo các khuyến nghị, phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung 150mcg kali iod mỗi ngày. Cơ thể hấp thu kali iod khá tốt và thường sẽ có mặt trong các loại vitamin tổng hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh