Lợi ích của đường thốt nốt

Nội dung

Đường thốt nốt là gì?

Đường thốt nốt là tên chung cho các sản phẩm đường chưa tinh luyện, thường được sản xuất tại châu Á và châu Phi. Đường thốt nốt được coi là đường chưa tinh luyện bởi mật đường chưa bị loại bỏ trong quá trình chế biến. Khoảng 70% lượng đường thốt nốt trên toàn thế giới được sản xuất tại Ấn Độ. Đường thốt nốt thường được sản xuất từ cây mía, tuy nhiên, đường thốt nốt làm từ cây cọ hay cây thốt nốt cũng rất phổ biến ở nhiều quốc gia khác.

 

Đường thốt nốt được làm như thế nào?

Đường thốt nốt được làm từ phương pháp truyền thống, bắt đầu từ việc ép và chưng cất nước ép cọ, nước ép mía, hay nước ép cây thốt nốt. Quy trình này gồm 3 bước:

  • Ép: cây mía hoặc cọ hoặc thốt nốt được ép để lấy nước hoặc nhựa

  • Làm sạch: nước sau khi ép ra được đựng trong các thùng chứa lớn để các chất cặn lắng xuống đáy. Sau đó được lọc lại để lấy nước trong.

  • Cô đặc: nước sau đó được cho vào một cái chảo rất rộng, phẳng và được đun nóng để cô đặc.

Trong suốt quá trình cô đặc, đường thốt nốt được khuấy đều và các tạp chất được tách ra cho đến khi chỉ còn một dung dịch màu vàng cánh gián. Dung dịch này sau đó được chuyển sang khuôn và làm lạnh để trở thành các viên đường thốt nốt. Màu của đường thốt nốt có thể có màu từ vàng nhạt đến nâu đậm. Màu sắc này rất quan trọng vì màu sắc và cấu trúc của viên đường được sử dụng để đánh giá chất lượng của đường.

Tại Ấn Độ, đường thốt nốt có màu sáng hơn thường được đánh giá có chất lượng tốt hơn và thường có lượng sucrose cao hơn 70%. Đường thốt nốt cũng chứa lượng glucose và fructose ít hơn 10%, với 5% là các khoáng chất. Đường thốt nốt thường được bán dưới dạng viên cứng, nhưng đôi khi cũng được sản xuất dưới dạng lỏng và dạng hạt.

 

Đường thốt nốt có giàu dinh dưỡng hơn đường tinh luyện hay không?

Đường thốt nốt thường chứa nhiều dinh dưỡng hơn đường tinh luyện nhờ hàm lượng mật có trong đường.

Mật là một sản phẩm phụ giàu dinh dưỡng được sản xuất ra trong quá trình tạo ra đường nhưng mật lại thường bị loại bỏ khi làm đường tinh luyện. Mật sẽ giúp bổ sung thêm một hàm lượng dinh dưỡng nhất định vào sản phẩm cuối cùng.

Giá trị dinh dưỡng chính xác của đường thốt nốt rất khác nhau, phụ thuộc vào loại cây dùng để làm đường là mía hay cọ hay thốt nốt.

100g đường thốt nốt có thể có chứa:

  • Năng lượng: 383 kcalo

  • Sucrose: 65-85g

  • Fructose và glucose:  10-15g

  • Protein 0.4g

  • Chất béo: 0.1g

  • Sắt: 11mg

  • Magie: 70-90mg

  • Kali: 1050 mg

  • Mangan: 0.2-05mg

  • Đường thốt nốt còn có một lượng nhỏ vitamin nhóm B và các khoáng chất, bao gồm canxi, kẽm, phosphor và đồng.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng, đây là hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g đường thốt nốt, tức là cao hơn rất nhiều lượng đường bạn tiêu thụ thực tế. Trung bình, mỗi lần, một người chỉ có thể tiêu thụ từ 7-20g đường.

Tuy nhiên, đường thốt nốt vẫn chủ yếu vẫn là đường

So sánh với đường tinh luyện, đường thốt nốt có vẻ giàu dinh dưỡng hơn. Đường tinh luyện chỉ chứa calo rỗng, tức là calo mà không có thêm bất cứ vitamin và khoáng chất nào. Tuy nhiên, đường thốt nốt vẫn được coi là một loại đường, và điều đó có nghĩa là nếu bạn ăn nhiều đường thốt nốt, ngoài việc bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, bạn cũng sẽ nạp vào rất nhiều calo. Do vậy, có thể bạn nên thay thế đường tinh luyện bằng đường thốt nốt để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nhưng bạn không nên bổ sung thêm quá nhiều đường thốt nốt vào chế độ ăn hàng ngày của bạn.

 

Lợi ích về sức khoẻ của đường thốt nốt

Ngoài việc giàu dinh dưỡng hơn thì đường thốt nốt cũng được cho là có nhiều lợi ích với sức khoẻ. Một số khẳng định cho rằng đường thốt nốt có thể cải thiện sức khoẻ đường ruột, dự phòng thiếu máu, giải độc gan và cải thiện chức năng miễn dịch.

Cải thiện sức khoẻ đường ruột

Tại Ấn Độ, nhiều người thường ăn đường thốt nốt sau khi ăn bữa chính. Một số người tin rằng đường thốt nốt có thể hỗ trợ tiêu hoá, kích thích nhu động ruột nên có thể giúp dự phòng tình trạng táo bón.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng đường thốt nốt là một nguồn cung cấp sucrose và gần như không chứa chất xơ hoặc nước – hai yếu tố giúp cải thiện nhu động ruột. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định kết luận này nhưng dựa vào thành phần dinh dưỡng, có thể thấy rằng đường thốt nốt không có khả năng hỗ trợ tiêu hoá hoặc dự phòng táo bón.

Dự phòng thiếu máu

Một số nghiên cứu gợi ý rằng sắt trong các loại đường chưa tinh chế sẽ được cơ thể sử dụng hiệu quả hơn sắt từ các nguồn khác. Đường thốt nốt chứa khoảng 11mg sắt trong 100g đường, tương đương khoảng 61% RDA (nhu cầu khuyến nghị hàng ngày). Nghe có vẻ rất ấn tượng nhưng bạn không thể ăn 100g đường thốt nốt một lần được. Với lượng ăn là 7-20g/ngày, bạn chỉ có thể bổ sung được 0.77-2.2mg sắt/ngày (tương đương 4-12%RDA).

Với những người có lượng sắt trong cơ thể thấp, việc tiêu thụ đường thốt nốt có thể giúp bổ sung một lượng nhỏ sắt cho cơ thể, đặc biệt là khi thay thế đường tinh luyện bằng đường thốt nốt. Tuy nhiên, bạn cần bổ sung đủ lượng lớn sắt từ các thực phẩm giàu sắt. Ngoài ra, bổ sung thêm đường vào chế độ ăn là không tốt cho sức khoẻ. Do vậy, việc bổ sung thêm đường thốt nốt vào chế độ ăn vì đường thốt nốt có chứa sắt là không hợp lý.

Giải độc gan

Rất nhiều thực phẩm được khẳng định là có thể giúp bạn loại bỏ được các chất độc. Tuy nhiên, cơ thể có khả năng tự làm được việc này. Cũng không có bằng chứng nào khẳng định rằng bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào có khả năng giải độc (detox) cho cơ thể nhanh hơn hoặc hiệu quả hơn cơ chế tự nhiên của cơ thể cả.

Cải thiện chức năng miễn dịch

Ở Ấn Độ, đường thốt nốt đường được thêm vào một số loại nước uống dùng để điều trị nhiều chứng bệnh. Mọi người tại đây tin rằng, các khoáng chất và chất chống oxy hoá có trong đường thốt nốt có thể hỗ trợ hệ miễn dịch và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn sau khi bị cảm lạnh và cúm.

Một số bằng chứng cho rằng việc bổ sung kẽm và vitamin C đường uống có thể giúp làm giảm thời gian bị bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh cảm lạnh, nhưng cả 2 vi chất này đều có hàm lượng không cao trong đường thốt nốt. Do vậy, có thể thấy, còn thiếu các bằng chứng để khẳng định rằng đường thốt nốt có khả năng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, đường thốt nốt có hàm lượng năng lượng khá cao và có thể giúp tăng nguồn năng lượng cho những người đang bị bệnh.

 

Đường thốt nốt có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ hay không?

Nạp vào quá nhiều đường sẽ góp phần gây ra rất nhiều bệnh mạn tính. Trên thực tế, các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường typ 2.

Do vậy, mặc dù có nhiều giá trị dinh dưỡng, đường thốt nốt vẫn là một loại đường và bạn không nên ăn quá nhiều đường thốt nốt. Nhưng việc thay thế đường tinh luyện bằng đường thốt nốt sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top