Ngủ trưa bao lâu là đủ đối với trẻ?

Ngủ trưa là một phần quan trọng trong thời gian biểu hàng ngày đối với cả người lớn lẫn trẻ em, đặc biệt là ở những vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Với nhiều người, ngủ trưa đã trở thành một thói quen. Trên nhiều khía cạnh, thói quen này thực sự có tác dụng cho sức khỏe, nếu ngủ trưa một cách khoa học.

Một giấc ngủ trưa đúng cách, khoa học sẽ chỉ cần một khoảng thời gian ngắn và nên diễn ra hàng ngày, nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, như: tăng cường khả năng linh động, sự sáng tạo, học hỏi và sức mạnh của não bộ; trẻ tỉnh táo, vui vẻ, ít mệt mỏi, cáu gắt; “sạc” lại năng lượng cho cơ thể để thực hiện các hoạt động cả về thể chất và trí tuệ khi tỉnh dậy.

 

Trẻ cần ngủ bao lâu cho mỗi giấc ngủ trưa?

Mặc dù giấc ngủ trưa khá quan trọng nhưng không có nghĩa bạn phải “ép buộc” trẻ ngủ trưa càng nhiều càng tốt. Ngủ trưa quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối của trẻ, có thể khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ ít vào buổi tối và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thêm nữa, ngủ trưa quá nhiều sẽ khiến trẻ khó tỉnh dậy và kém năng động vào buổi chiều.

Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian ngủ trưa mỗi ngày của trẻ dưới 1 tuổi nên từ 2-3 tiếng; trẻ 4-6 tuổi là 1-2 tiếng; trên 6 tuổi nên ngủ khoảng 30-60 phút. Đây là khoảng thời gian phù hợp với độ tuổi của trẻ cũng như đem lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe của trẻ.

 

Môi trường ngủ trưa tốt dành cho trẻ

Có một chỗ ngủ tốt nhất cho trẻ: trẻ nên được ngủ ở nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, mát mẻ, tránh gió lùa và ánh nắng quá chói. Chỗ ngủ nên có cửa, có rèm che cửa sổ để tạo thành một nơi ngủ riêng biệt cho trẻ.

Nơi ngủ trưa của trẻ nên tại cùng một chỗ vào mỗi ngày, điều này giúp cho trẻ có cảm giác thân quen và dễ ngủ trưa hơn. Đối với những trẻ đi học mẫu giáo hoặc trường học, trẻ thường được ngủ trưa tại trường sau bữa ăn bán trú, phòng học thường là nơi ngủ trưa và nên được bố trí chỗ ngủ và chăn, gối phù hợp. Vào những ngày cuối tuần hoặc đối với những trẻ chưa đi học, tốt nhất là cho trẻ ngủ trưa tại chính giường đi ngủ buổi tối của trẻ.

Tạo thói quen ngủ trưa càng đều đặn càng tốt: hãy cho trẻ ngủ trưa vào thời gian nhất định mỗi ngày, nhằm hình thành đồng hồ sinh học giúp trẻ có thói quen hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý. Kể cả những ngày cuối tuần hoặc khi đi nghỉ cũng nên tạo được thời gian biểu ít thay đổi nhất cho giấc ngủ trưa.

Không nên cho trẻ ngủ trưa ngay sau một bữa ăn trưa quá no: nên để khoảng thời gian nghỉ ngơi khỏang 10 phút sau khi ăn trưa để tránh hiện tượng trẻ đầy bụng khó ngủ. Thêm nữa, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, ngủ ngay sau khi ăn no có thể khiến trẻ ậm ạch, nôn trớ hoặc sặc sữa, bột, cháo...  Hạn chế ăn các đồ chiên rán, dầu mỡ, nước ngọt có ga trong các bữa ăn trưa cũng là cách tốt để trẻ có giấc ngủ trưa tốt hơn.

Tránh những kích thích gây khó ngủ trưa cho trẻ: không để đồ chơi gần trẻ hoặc cho trẻ sử dụng điện thoại, ipad… khi gần đến giờ ngủ trưa.

Khi trẻ thức dậy: hãy đánh thức trẻ từ từ, có thể để trẻ nằm tại chỗ trên giường hoặc chỗ ngủ khoảng 5 phút trước khi dậy hẳn và tham gia các hoạt động buổi chiều.

 

Tầm quan trọng của ngủ trưa đối với tăng trưởng chiều cao của trẻ

Tuyến yên tiết ra một loại hormone tăng trưởng được gọi là GH. GH là yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự tăng trưởng của trẻ trong khi ngủ (bao gồm cả tăng trưởng chiều cao), bên cạnh những yếu tố quan trọng là: chế độ dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần và hoạt động thể chất (bao gồm vận động hàng ngày và tập thể dục).

Hormone tăng trưởng GH được giải phóng trong suốt cả ngày, nhưng đối với trẻ em, GH được giải phóng nhiều nhất là khi trẻ bắt đầu giấc ngủ sâu của mình vào buổi tối. Các nghiên cứu cho thấy ở trẻ em, GH được giải phóng trong giấc ngủ sâu (tức là khoảng 1 giừ sau khi trẻ bắt đầu giấc ngủ), cao gấp 4 lần lượng GH giải phóng vào ban ngày.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em, việc phát triển xương hầu hết diễn ra trong khi ngủ hoặc nghỉ thay vì diễn ra trong khi hoạt động hoặc đứng. Nguyên nhân của hiện tượng này được các nhà khoa học của trường Đại học Wisconsin-Madison lý giải là đến từ áp lực của trọng lượng cơ thể lên lớp sụn ở đầu xương khi đứng khiến xương khó có cơ hội phát triển như khi đang ở tư thế nằm. Và khi xương không có cơ hội phát triển, trẻ cũng sẽ không có cơ hội để cao lớn thêm.

Do việc tăng trưởng chiều cao của trẻ hầu như diễn ra vào buổi tối, nên giấc ngủ trưa về cơ bản không có tác động trực tiếp đến sự phát triển chiều cao. Tuy nhiên, giấc ngủ trưa lại tác động gián tiếp và hiệu quả đến phát triển chiều cao của trẻ trên một số khía cạnh. Thứ nhất: khi trẻ được ngủ trưa và nghỉ ngơi hợp lý, và có một thời gian biểu sinh hoạt cũng như đồng hồ sinh học đều đặn, trẻ sẽ ngủ tốt hơn vào ban đêm, điều này cũng đồng nghĩa trẻ sẽ thu được nhiều lợi ích từ giấc ngủ cho sự phát triển chiều cao hơn. Thứ hai, như đã đề cập ở trên, giấc ngủ trưa sẽ giúp trẻ có thể “sạc” lại năng lượng để thực hiện các hoạt động thể chất hàng ngày tốt hơn, và hoạt động thể chất chính là một trong các yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng chiều cao tối ưu ở trẻ.

 

Lưu ý bổ sung

Giấc ngủ giúp cơ thể trẻ ở trạng thái tốt nhất cho phát triển chiều cao. Bên cạnh yếu tố này cùng với hoạt động thể chất, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến yếu tố chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung đầy đủ bộ ba cao lớn vitamin K2, vitamin D và canxi để giúp trẻ phát triển chiều cao một cách tối ưu nhất. Vitamin K2 sẽ giúp kích hoạt osteocalcin, giúp gắn canxi chính xác vào xương, trong khi vitamin D sẽ tăng cường khả năng hấp thu canxi của cơ thể.

Phối hợp với nhau, Bộ ba cao lớn vitamin k2, vitamin D và canxi, cùng với chế độ vận động, luyện tập hợp lý, nghỉ ngơi đúng cách sẽ trở thành những “trợ thủ đắc lực” mang đến chiều cao tối ưu của trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top