Nguyên nhân gây ợ nóng, nóng mụn, nhiệt miệng

Nội dung
  • Ợ nóng: nguyên nhân có thể là do ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (protein), giàu chất béo (lipid) hoặc do sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm nhóm NSAIDs, do mắc một số bệnh lý về dạ dày… Đối với phụ nữ mang thai, đó có thể còn là do thay đổi hormone, do chịu sự chèn ép của thai nhi. Ngoài ra, ăn các thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn, có chứa bạc hà, trà đặc… cũng sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày, gây ra ợ nóng.

  • Nổi mụn: có thể là do căng thẳng, môi trường nhiều khí bụi, khói, thời tiết nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi hoặc do mắc một số bệnh như các bệnh về gan, bệnh truyền nhiễm, tiểu đường…Nguyên nhân từ thực phẩm có thể là do chế độ ăn ít rau, ít trái cây, ít chất xơ khiến gan phải làm việc nhiều hơn, từ đó dễ làm suy yếu chức năng thải độc của gan.

  • Nhiệt miệng: do bị tổn thương trong quá trình vệ sinh răng miệng như bị xước, chảy máu, rối loạn hormone trong kì kinh hoặc mang thai hay căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài. Về mặt dinh dưỡng, thiếu các loại vitamin như B6, B2, C, kẽm và acid folic cũng có thể gây nhiệt miệng.

Xét một cách tổng thể, những biểu hiện mà mọi người coi là nóng do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Và trong số đó, cần để ý đến lý do chế độ ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều thịt và các loại chất đạm khác (do protein cần nhiểu năng lượng để tiêu hoá nhất và do vây sẽ sinh ra nhiều nhiệt năng hơn), hoặc uống ít nước… Bất cứ hoạt động nào của cơ thể cũng sẽ cần tiêu hao và sử dụng năng lượng. Hoạt động tiêu hoá cũng vậy. Khi sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng – chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất bột đường (carbohydrate) thì cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Trung bình, một người sử dụng khoảng 10% năng lượng tiêu thụ hàng ngày để tiêu hóa và hấp thu thức ăn nhưng tỷ lệ này thay đổi phụ thuộc vào loại thực phẩm mà bạn ăn. Chất đạm mất khoảng 20-30% tổng lượng calo trong chất đạm để tiêu hóa chính nó; tiếp đến là chất bột đường  cần 5-10% và cuối cùng là chất béo với 0-3%. Năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể; ngoài ra việc uống quá ít nước sẽ không đủ làm mát cơ thể.

Ví dụ, nhu cầu khuyến nghị năng lượng dành cho người trưởng thành 20 tuổi, lao động nhẹ là khoảng 1980 Kcal/ngày. Cũng theo khuyến nghị, người trưởng thành 20 tuổi cần ăn khoảng 65g protein, 58g lipid và 360g carbohydrate

Năng lượng dùng để tiêu hoá thức ăn = 1980x 10% = 198kcal

Năng lượng mà 65g protein cung cấp = 65 x 4 = 260 kcal. Năng lượng cơ thể tiêu hao để tiêu hoá được 65g protein này = 260 x 25% = 65 kcal (lấy khoảng giữa 20-30%)

Năng lượng 58g lipid cung cấp = 58 x 9 = 522 kcal. Năng lượng cơ thể sử dụng để tiêu hoá lượng lipid này = 522x 1.5% = 7.8 kcal

Năng lượng 360g carb cung cấp = 360 x 4 = 1440 kcal. Năng lượng cơ thể sử dụng để tiêu hoá lượng carb này = 1440 x 7.5% = 108 kcal.

Như vậy, tổng năng lượng để tiêu hoá thức ăn khoảng 65+7.8+108 =180.8kcal, xấp xỉ với con số tính toán ban đầu là 198 kcal. Lượng kcal còn lại dùng để tiêu hoá chất xơ và các dưỡng chất khác.

Theo y học cổ truyền “Âm hư sinh nội nhiệt”, nóng trong người là do âm hư bởi các nguyên nhân sau: nội nhân - do chức năng hoạt động của các tạng phủ yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa, gan và thận suy yếu nên các chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại, và biểu hiện thành các chứng như ợ nóng, mụn nhọt, nhiệt miệng

Đó là những cách lý giải sơ bộ cho tình trạng “nóng” thường gặp. Nhưng có thể bạn sẽ thấy mình không nằm trong những lý do đó. Khi đó bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm câu trả lời và giải pháp hợp lý, hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top