Những điều cần biết về Vitamin K

Vitamin K được tìm ra vào năm 1929 bởi Henrik Dam – một nhà khoa học người Đan Mạch, khi ông đang tiến hành thử nghiệm về sự phát sinh cholesterol trong gà con được nuôi trong điều kiện không có chất béo. Ông nhận thấy rằng gà con bị chảy máu dưới da, nhưng bệnh này có thể khỏi khi cho gà ăn các loại rau màu xanh. Ông gọi chất này là vitamin K (có nguồn gốc từ Koagulation – trong tiếng Đức có nghĩa là đông máu). Đến năm 1931, các nhà khoa học phân chất được vitamin K trong cá và đến năm 1939 phân chất được vitamin K trong cây đinh lăng. Năm 1943, nhà khoa học tìm ra vitamin K là Henrik Dam và nhà khoa học khám phá ra cấu trúc hóa học của vitamin K là Edward Adelbert Doisy đã cùng được nhận giải Nobel về Y học – Sinh lý học vì những khám phá này.

Vitamin K có màu vàng, hòa tan trong dung dịch chất béo, bền vững với nhiệt và quá trình oxy hóa nhưng bị phá hủy bởi ánh sáng, dung dịch chất kiềm và rượu. Vitamin K thuộc nhóm quinones, là một nhóm vitamin tan trong dầu, bao gồm nhiều loại vitamin có cấu trúc giống nhau, bao gồm phylloquinone (vitamin K1), menaquinones (vitamin K2) và menadion (vitamin K3). Từ đó đến nay đã có hơn 1500 công trình nghiên cứu và bài báo khoa học được xuất bản trên thế giới nghiên cứu về vitamin K và những lợi ích của vitamin K đối với sức khỏe.

Vitamin K1 là loại vitamin K nổi tiếng nhất, bởi nó có liên quan đến quá trình quang hợp. Vitamin K1 thường có nhiều trong các loại thực vật, rong, nhưng vitamin K1 sẽ tập trung nhiều nhất trong các loại rau có lá màu xanh.

Vitamin K2 (một trong 3 loại vitamin K) là một nhóm các loại vitamin thường được gọi là menaquinones (viết tắt là MK), được tổng hợp và sản xuất ra bởi vi khuẩn đường ruột của các loại động vật có xương sống. Trong cấu trúc phân tử, sự lặp lại của các chuỗi isoprenoid thường từ 4-13 lần, do đó, tạo ra các phân tử vitamin K2 có chiều dài khác nhau, được gọi tên từ MK-4 đến MK-13. Các sản phẩm từ động vật, ví dụ như thịt, trứng, sữa, và các sản phẩm lên men, ví dụ như như pho mát, sữa chua là những nguồn cung cấp chủ yếu vitamin K2. Dạng vitamin K2 phổ biến nhất trong các sản phẩm từ động vật là MK-4 nhưng MK-7 lại là dạng vitamin K2 được nhiều nghiên cứu sử dụng hơn cả. 

Vitamin K3 không được coi là một loại vitamin tự nhiên như vitamin K1 và K2 mà được coi là một hợp chất tổng hợp tương tự, hoạt động như một loại tiền vitamin. Vitamin K3 không thể thực hiện được tất cả các chức năng của vitamin K tự nhiên bởi vitamin K3 rất khó để chuyển hóa sang dạng vitamin tan trong dầu.

Vitamin K cần thiết cho hoạt động sinh học của các yếu tố đông máu như yếu tố II, VII, IX, X, protein C và S. Vai trò chuyển hóa chính của vitamin K là tham gia hoạt hóa các yếu tố đông máu ở trên, do đó, quá trình đông máu có thể diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn. Thiếu vitamin K, cơ thể chỉ tổng hợp được tiền chất của các yếu tố trên, là những chất có hoạt tính đông máu rất thấp, đôi khi còn gây ức chế đông máu.

Gần đây, một chức năng quan trọng khác của vitamin K, đặc biệt là vitamin K2, mới được phát hiện đó là tham gia vào quá trình chuyển hóa xương, giúp gắn canxi vào xương, từ đó giúp xương chắc khỏe và dự phòng tình trạng loãng xương.

Không giống như vitamin A và D, vitamin K không được dự trữ trong cơ thể với lượng lớn. Vì lý do này, nếu chế độ ăn thiếu vitamin K trong vòng 1 tuần, thì bạn rất có thể sẽ bị thiếu vitamin K.

Biểu hiện chính của tình trạng thiếu vitamin là thời gian đông máu kéo dài, và hậu quả là chứng chảy máu do thiếu vitamin K. Không có biểu hiện ngộ độc do ăn vào quá nhiều vitamin K. Tuy nhiên, nếu truyền nhiều vitamin K3 tổng hợp hoặc muối của nó có thể liên quan đến tình trạng xuất huyết và gây độc cho gan. Đối với vitamin K1 và đặc biệt là vitamin K2, cho tới nay chưa có bất cứ báo cáo nào về việc tác dụng phụ cũng như tình trạng sức khỏe xấu hay ngộ độc vitamin K2. Do đó, có thể thấy được vitamin K2 là an toàn và tốt cho sức khỏe.

Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin. K là những người không có khả năng hấp thu lipid, những người sử dụng kháng sinh đường uống kéo dài. Trẻ sơ sinh cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin K do trẻ sơ sinh có lượng dự trữ vitamin K thấp, trong khi hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ không cao, lượng vitamin K do cơ thể sinh ra lại chưa đủ, nên trẻ dễ bị thiếu vitamin K gây xuất huyết não, màng não.

Vì vậy, đảm bảo đầy đủ vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 trong chế độ dinh dưỡng của bạn và người thân là vô cùng quan trọng. Đủ vitamin K2 sẽ giúp bạn có một sức khỏe ổn định, hạn chế bệnh tật, và đặc biệt là ở các trẻ trong độ tuổi phát triển, vitamin K2 là một yếu tố quan trọng giúp hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ xương, tăng cường chiều cao của trẻ.

Tuy nhiên, cũng giống như những dưỡng chất khác, vitamin K sẽ không thể hoạt động hiệu quả một mình, đặc biệt là ở tác dụng của vitamin K lên xương. Để có được chiều cao tốt nhất, cùng với hệ thống xương khỏe mạnh, tất nhiên bạn sẽ cần đến canxi và “kiềng ba chân” canxi, vitamin D và vitamin K2 – những vi chất có tác dụng hiệp đồng với nhau để có thể mang lại lợi ích cao nhất về dinh dưỡng cho xương của bạn và người thân, nhất là trẻ trong độ tuổi phát triển.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top