✴️ Hướng dẫn sử dụng thuốc Salbutamol

Tên quốc tế: Salbutamol

Nhóm thuốc: Thuốc tác dụng trên đường hô hấp

Loại thuốc: Thuốc kích thích beta2 giao cảm

1. Tác dụng của Salbutamol

Salbutamol có tác dụng trên cơ trơn và cơ xương, gồm có: giãn phế quản, giãn cơ tử cung và run. Tác dụng giãn cơ trơn tùy thuộc vào liều dùng và được cho rằng xảy ra thông qua hệ thống adenyl cyclase-AMP vòng, với việc thuốc gắn vào thụ thể beta-adrenergic tại màng tế bào gây ra sự biến đổi ATP thành AMP vòng làm hoạt hóa protein kinase. Ðiều này dẫn đến sự phosphoryl hóa các protein và cuối cùng làm gia tăng calci nội bào loại liên kết; calci nội bào ion hóa bị giảm bớt gây ức chế liên kết actin-myosin, do đó làm giãn cơ trơn. 

Thuốc chủ vận  beta2 như salbutamol cũng có tác dụng chống dị ứng bằng cách tác dụng lên dưỡng bào làm ức chế sự phóng thích các hóa chất trung gian gây co thắt phế quản như histamin, yếu tố hóa ứng động bạch cầu đa nhân trung tính (NCF) và prostaglandin D2. 

Salbutamol làm giãn phế quản ở cả người bình thường lẫn bệnh nhân suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sau khi uống. Salbutamol còn làm gia tăng sự thanh thải tiêm mao nhầy (đã được chứng minh ở bệnh nhân COPD lẫn ở người bình thường). 

Salbutamol kích thích các thụ thể beta2 gây ra các tác dụng chuyển hóa lan rộng: tăng lượng acid béo tự do, insulin, lactat và đường; giảm nồng độ kali trong huyết thanh. 

Salbutamol có lẽ là chất có hiệu lực và an toàn nhất trong số các thuốc giãn phế quản loại giống giao cảm.

2. Chỉ định của Salbutamol

Làm giảm và phòng ngừa co thắt phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh tắc nghẽn đường thở có thể hồi biến.

3. Liều lượng – cách dùng của Salbutamol

Viên uống

Người lớn: mỗi lần một viên nang, ngày hai lần. 

Dung dịch khí dung

  • Dạng hít khí dung và hít bột khô: Liều hít một lần khí dung là 100microgam và hít một lần bột khô là 200microgam salbutamol. 
  • Ðiều trị cơn hen cấp: 100microgam/liều cho người bệnh, hít 1 – 2 lần qua miệng, cách 15 phút sau, nếu không đỡ, có thể hít thêm 1 – 2 lần. Nếu đỡ, điều trị duy trì; không đỡ phải nằm viện. 
  • Ðề phòng cơn hen do gắng sức: Người lớn: dùng bình xịt khí dung để hít 2 lần, trước khi gắng sức từ 15 đến 30 phút. Trẻ em: hít 1 lần, trước khi gắng sức 15 đến 30 phút. 

Người lớn: Liều thường dùng 2,5 – 5mg salbutamol (dung dịch 0,1%) qua máy phun sương, hít trong khoảng 5 – 15 phút, có thể lặp lại mỗi ngày tới 4 lần. Có thể pha loãng dung dịch 0,5% với dung dịch natri clorid 0,9% để có nồng độ 0,1%. Có thể cho thở liên tục qua máy phun sương, thường ở tốc độ 1 – 2mg salbutamol mỗi giờ, dùng dung dịch 0,005 – 0,01% (pha với dung dịch natri clorid 0,9%). Phải đảm bảo cho thở oxygen để tránh giảm oxygen máu. 

Một vài người bệnh có thể phải tăng liều đến 10mg salbutamol. Trường hợp này có thể hít 2ml dung dịch salbutamol 0,5% (không cần pha loãng) trong khoảng 3 phút, ngày hít 3 – 4 lần. 

Trẻ em: 50 – 150 microgam/kg thể trọng (tức là từ 0,01 đến 0,03ml dung dịch 0,5% /kg, không bao giờ được quá 1ml ). Kết quả lâm sàng ở trẻ nhỏ dưới 18 tháng không thật chắc chắn. 

Nếu cơn không dứt hoàn toàn thì có thể lặp lại liều trên 2 – 3 lần trong một ngày, các lần cách nhau từ 1 đến 4 giờ. Nếu phải dùng dạng khí dung nhiều lần thì nên vào nằm viện.

Sử dụng salbutamol theo đường tiêm truyền:

  • Ðể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da thì dùng ống tiêm 0,5mg/ml không cần pha loãng.
  • Ðể tiêm tĩnh mạch chậm hay để truyền tĩnh mạch phải pha loãng thuốc với dung dịch glucose 5%

Truyền liên tục trong glucose 5%.

  • Để làm giãn phế quản, pha loãng 5 mg với 500 ml glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%.

  • Trong chuyển dạ sớm:

    • Khi tiêm truyền tĩnh mạch salbutamol sulfat, nên dùng bơm tiêm điện khi nồng độ thuốc là 200 microgam salbutamol/ml pha trong dung dịch glucose 5%. Nếu không có bơm tiêm điện, phải dùng dung dịch nồng độ loãng hơn 20 microgam/ml (pha với dung dịch glucose 5%). Liều dùng giống như khi dùng bơm tiêm điện. Tốc độ truyền ban đầu được nhà sản xuất khuyến cáo là 10 microgam/phút, cách 10 phút lại tăng lên cho tới khi có đáp ứng; lúc đó tốc độ truyền tăng chậm cho tới khi hết co cơ tử cung. Liều thông thường có hiệu quả là 10 – 45microgam/phút. Tiêm truyền phải duy trì với tốc độ mà cơn co hết trong vòng 1 giờ, sau đó giảm 50% cách nhau 6 giờ. Phải tránh điều trị kéo dài vì nguy cơ cho mẹ tăng lên sau 48 giờ và hơn nữa, đáp ứng cơ tử cung cũng bị giảm.

    • Phải theo dõi mạch của người mẹ suốt thời gian tiêm truyền và tốc độ truyền phải điều chỉnh để tránh tần số tim của mẹ trên 135 – 140/phút. Phải theo dõi tình trạng tiếp nước để đề phòng phù phổi.

    • Sau đó có thể cho salbutamol uống với liều 4mg, 3 hoặc 4 lần mỗi ngày nhưng cách dùng này không còn được khuyến cáo nữa vì có nhiều nguy cơ do dùng kéo dài.

4. Chống chỉ định của Salbutamol

Bệnh nhân có tiền sử tăng cảm với salbutamol.

5. Thận trọng

  • Nên dùng salbutamol cách thận trọng đối với bệnh nhân tim mạch (nhất là suy động mạch vành, loạn nhịp tim và tăng huyết áp); bệnh nhân kinh giật, cường giáp hay đái tháo đường; và đối với bệnh nhân đôi khi có phản ứng với các amin giống giao cảm.
  • Phụ nữ mang thai: Dù không có bằng chứng gây quái thai, nếu thật sự cần thiết, chỉ nên dùng thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ.
  • Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ thuốc có được bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do khả năng sinh khối u của salbutamol quan sát được trong các nghiên cứu trên súc vật, cần phải quyết định hoặc ngưng cho con bú hoặc tiếp tục dùng thuốc.
  • Trẻ em: Tính an toàn và hiệu lực của thuốc đối với trẻ em dưới 6 tuổi chưa được chứng minh.

6. Tương tác thuốc

Không dùng salbutamol cùng lúc với các thuốc giống giao cảm khác vì có thể gây độc hại cho tim mạch. Cần thận trọng tối đa khi dùng cho bệnh nhân đang được điều trị bằng các thuốc ức chế monoamine oxidase hay các thuốc chống trầm cảm vòng ba vì tác dụng của salbutamol lên hệ thống mạch máu có thể bị ảnh hưởng. Các thuốc chẹn thụ thể bêta và salbutamol ức chế tác dụng của nhau.

7. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ được giảm thiểu do dạng bào chế áp dụng công nghệ DRCM. Nhìn chung, salbutamol được dung nạp tốt và các tác dụng độc nguy hiểm là hiếm gặp. Các phản ứng bất lợi của salbutamol, nếu có, tương tự với các thuốc giống giao cảm khác, tuy nhiên với salbutamol tỷ lệ phản ứng trên tim mạch thấp hơn. Tác dụng phụ thường gặp nhất là: bứt rứt và run. Các phản ứng khác có thể có: nhức đầu, tim nhanh và hồi hộp, vọp bẻ, mất ngủ, buồn nôn, suy nhược và chóng mặt. Hiếm gặp : nổi mề đay, phù mạch, nổi mẩn và phù hầu họng. Ở một số bệnh nhân, salbutamol có thể gây biến đổi về tim mạch (mạch, huyết áp, một số triệu chứng hoặc điện tâm đồ). Nhìn chung, các phản ứng phụ chỉ thoáng qua và thường không cần phải ngưng điều trị với salbutamol.

8. Quá liều và xử trí

Các triệu chứng có thể có khi dùng quá liều là do kích thích thụ thể bêta quá mức, như đã nêu ở mục Tác dụng phụ. Có thể có: cơn gồng cứng, đau họng, tăng hay giảm huyết áp, tim nhanh, loạn nhịp tim, bứt rứt, nhức đầu, run, khô miệng, hồi hộp, buồn nôn, chóng mặt, suy nhược, khó chịu và mất ngủ. Có thể có hạ kali máu. Xử trí khi quá liều: ngưng dùng salbutamol và điều trị triệu chứng.

9. Bảo quản

Thuốc độc bảng B.

Thành phần giảm độc: siro có nông độ tối đa là 0,04%. Dung dịch khí dung có nồng độ tối đa là 0,2%. Khí dung phân liều: dạng dung dịch có hàm lượng tối đa là 0,2 mg/lần phun. Dạng viên nang có nông độ tối đa là 0,4 mg/viên/lần hít. Thuốc viên có hàm lượng tối đa là 2 mg. Thuốc viên tan chậm có hàm lượng tối đa là 8 mg.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top