✴️ Liều dùng và xử trí quá liều Diphenhydramine

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

Có thể uống diphenhydramin cùng với thức ăn, nước hoặc sữa để làm giảm kích thích dạ dày. Khi tiêm bắp cần tiêm sâu. Khi tiêm tĩnh mạch phải tiêm chậm, người bệnh ở tư thế nằm. Khi dùng diphenhydramin để dự phòng say tàu xe, cần phải uống ít nhất 30 phút, và tốt hơn là 1 - 2 giờ, trước khi đi tàu xe.

Liều uống:

Liều uống thường dùng cho người lớn và thiếu niên: Kháng histamin: Mỗi lần uống 25 - 50 mg, cứ 4 - 6 giờ một lần.

Chống loạn vận động: Ðể trị bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson sau viêm não, mỗi lần uống 25 mg, 
3 lần mỗi ngày khi bắt đầu điều trị, sau đó tăng dần liều tới 50 mg, 4 lần mỗi ngày.

Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Mỗi lần uống 25 - 50 mg, 4 - 6 giờ một lần.

An thần, gây ngủ: Mỗi lần uống 50 mg, 20 - 30 phút trước khi đi ngủ.

Trị ho: Mỗi lần uống 25 mg, cứ 4 - 6 giờ một lần (dạng siro).

Giới hạn kê đơn thông thường cho người lớn: Tối đa 300 mg mỗi ngày.

Liều uống thường dùng cho trẻ em:

Kháng histamin: Trẻ em dưới 6 tuổi, mỗi lần uống 6,25 - 12,5 mg, cứ 4 - 6 giờ một lần. Trẻ em 6 - 12 tuổi, uống 12,5 - 25 mg, cứ 4 - 6 giờ một lần, không uống quá 150 mg mỗi ngày.

Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Mỗi lần uống 1 - 1,5 mg/kg thể trọng, cứ 4 - 6 giờ một lần, không uống quá 300 mg mỗi ngày.

Liều tiêm:

Liều tiêm thường dùng cho người lớn và thiếu niên:

Kháng histamin, hoặc chống loạn vận động: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 10 - 50 mg.

Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 10mg khi bắt đầu điều trị, có thể tăng tới 20 đến 50 mg, 2 hoặc 3 giờ một lần.

Giới hạn kê đơn thông thường cho người lớn: Tối đa 100 mg cho 1 liều hoặc 400 mg, mỗi ngày.

Liều tiêm thường dùng cho trẻ em:

Kháng histamin, hoặc chống loạn vận động: Tiêm bắp 1,25 mg/kg thể trọng hoặc 37,5 mg cho một mét vuông diện tích cơ thể, 4 lần mỗi ngày, không tiêm quá 300 mg mỗi ngày.

Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Tiêm bắp 1 - 1,5 mg/kg thể trọng, 6 giờ một lần, không tiêm quá 300 mg mỗi ngày.

Liều dùng tại chỗ: Ðể giảm nhất thời ngứa và đau ở các bệnh ngoài da của người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên: bôi kem, thuốc xức hoặc dung dịch chứa 1 - 2% diphenhydramin hydroclorid vào vùng bị bệnh 3 - 4 lần mỗi ngày.

 

Tương tác thuốc

Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương có thể tăng khi dùng đồng thời thuốc kháng histamin với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác gồm barbiturat, thuốc an thần và rượu.

Thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) kéo dài và làm tăng tác dụng kháng cholinergic của thuốc kháng histamin. Chống chỉ định thuốc kháng histamin ở người đang dùng thuốc IMAO.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản các chế phẩm diphenhydramin hydroclorid ở 15 - 300C và chống ẩm; tránh để đóng băng cồn ngọt, thuốc tiêm, dung dịch uống, hoặc thuốc xức dùng tại chỗ. Bảo quản thuốc tiêm và cồn ngọt tránh ánh sáng. Bảo quản nang, viên nén, cồn ngọt, dung dịch uống trong lọ kín.

 

Quá liều và xử trí

Có tư liệu về ngộ độc diphenhydramin ở trẻ em: Với liều 470 mg đã gây ngộ độc nặng ở một trẻ 2 tuổi, và liều 7,5 g gây ngộ độc nặng ở một trẻ 14 tuổi. Sau khi rửa dạ dày, ở cả 2 trường hợp vẫn còn các triệu chứng kháng cholinergic, khoảng QRS dãn rộng ra trên điện tâm đồ và tiêu cơ vân. Ở người lớn, và đặc biệt khi dùng đồng thời với rượu, với phenothiazin, thuốc cũng có thể gây ngộ độc rất nặng. Triệu chứng ức chế hệ thần kinh trung ương biểu hiện chủ yếu là mất điều hòa, chóng mặt, co giật, ức chế hô hấp. ỨC chế hô hấp đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Triệu chứng ngoại tháp có thể xảy ra, nhưng thường muộn, sau khi uống thuốc an thần phenothiazin. Có nhịp nhanh xoang, kéo dài thời gian Q - T, block nhĩ - thất, phức hợp QRS dãn rộng, nhưng hiếm thấy loạn nhịp thất nghiêm trọng.

Ðiều trị: Nếu cần thì rửa dạ dày; chỉ gây nôn khi ngộ độc mới xảy ra, vì thuốc có tác dụng chống nôn, do đó thường cần phải rửa dạ dày, và dùng thêm than hoạt. Trong trường hợp co giật, cần điều trị bằng diazepam 5 - 10 mg tiêm tĩnh mạch (trẻ em 0,1 - 0,2 mg/kg).

Khi có triệu chứng kháng cholinergic nặng ở thần kinh trung ương, kích thích, ảo giác, có thể dùng physostigmin với liều 1 - 2 mg tiêm tĩnh mạch (trẻ em 0,02 - 0,04 mg/kg). Tiêm chậm tĩnh mạch liều này trong ít nhất 5 phút, và có thể tiêm nhắc lại sau 30 - 60 phút. Tuy vậy, cần phải có sẵn atropin để đề phòng trường hợp dùng liều physostigmin quá cao. Khi bị giảm huyết áp, truyền dịch tĩnh mạch và nếu cần, truyền chậm tĩnh mạch noradrenalin. Một cách điều trị khác là truyền tĩnh mạch chậm dopamin (liều bắt đầu: 4 - 5 microgam/kg/phút).

Ở người bệnh có triệu chứng ngoại tháp khó điều trị, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 2 - 5 mg biperiden (trẻ em 0,04 mg/kg), có thể tiêm nhắc lại sau 30 phút.

Cần xem xét tiến hành hô hấp hỗ trợ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top