✴️ Lưu ý khi sử dụng thuốc bệnh mạch vành

1. Thuốc chẹn beta điều trị bệnh mạch vành

Thuốc chẹn beta hay beta blocker là một trong các thuốc đầu tay trong điều trị bệnh động mạch vành mạn và hội chứng động mạch vành cấp, đặc biệt là với những người mắc kèm tăng huyết áp, suy tim.

Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế hoạt động của adrenalin và noradrenalin thông qua chẹn thụ thể beta. Thuốc có tác dụng làm giảm nhịp tim, giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm cơn đau thắt ngực, từ đó giảm áp lực lên tim của người bệnh mạch vành. 

Có rất nhiều loại thuốc chẹn beta khác nhau như bisoprolol, metoprolol, atenolol. propranolol, timolol… Phần lớn các loại thuốc này đều được dùng bằng đường uống vào buổi sáng hoặc lúc đi ngủ. Số lần và liều lượng thuốc phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta

  • Mệt mỏi.
  • Bàn tay, bàn chân lạnh.
  • Tăng cân ngoài ý muốn.
  • Ho, khó thở.
  • Nặng ngực, đau ngực.
  • Nhịp tim chậm.
  • Hạ huyết áp quá mức.

Lưu ý khi sử dụng thuốc chẹn beta

  • Chống chỉ định dùng thuốc chẹn beta đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, người bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim sung huyết mất bù, suy gan,  nhịp tim chậm…
  • Không tự ý đổi thuốc, ngừng thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Dừng thuốc đột ngột sẽ làm các triệu chứng thiếu máu cơ tim trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây đột tử. Trường hợp bắt buộc phải ngừng thuốc, bác sĩ sẽ lên kế hoạch giảm liều dần dần sau đó mới dừng hẳn.
  • Không uống nước ép bưởi ngay trước và sau khi uống thuốc.
  • Uống thuốc vào giờ cố định trong ngày. 
  • Trong thời gian dùng thuốc cần theo dõi nhịp tim hàng ngày nhằm tránh tình trạng nhịp tim giảm quá mức.

2. Thuốc điều trị bệnh mạch vành nhóm Statin

Statin cũng là một trong những thuốc điều trị bệnh mạch vành đầu tay. Thuốc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và bảo vệ thành mạch máu nhờ cơ chế ức chế viêm.

Thuốc được chỉ định cho tất cả người bệnh mắc bệnh mạch vành dù nồng độ cholesterol cao hay không. Bởi điều này sẽ giúp ngăn hình thành các mảng xơ vữa mới, giảm tình trạng xơ vữa động mạch đang có, đặc biệt là phòng ngừa các biến cố đe dọa tính mạng do bệnh mạch vành gây ra như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… 

Một số loại thuốc nhóm statin thường được sử dụng điều trị bệnh mạch vành gồm atorvastatin, lovastatin, pravastatin, simvastatin. Trong đó, simvastatin và atorvastatin là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc thường được dùng bằng đường uống vào buổi tối, trước khi đi ngủ  có tác dụng giảm cholesterol hiệu quả nhất.

Tác dụng phụ của thuốc statin

  • Đau cơ, đau khớp.
  • Đau đầu.
  • Buồn nôn.
  • Tổn thương gan.
  • Tăng đường huyết.
  • Tiêu cơ vân.

Lưu ý khi sử dụng thuốc statin

  • Chống chỉ định dùng thuốc với phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 10 tuổi, người tăng kéo dài transaminase huyết thanh không rõ nguyên nhân. Thận trọng khi sử dụng cho người có bệnh về cơ, gan, thận, tuyến giáp, đái tháo đường.
  • Nên dùng thuốc vào buổi tối vào khung giờ cố định.
  • Tránh ăn hoặc uống nước ép bưởi khi uống thuốc.
  • Không uống bia rượu trong quá trình dùng thuốc.
  • Xét nghiệm chức năng gan định kỳ theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Không tự ý ngưng dùng thuốc dù chỉ số cholesterol máu đã về mức cho phép.

 

3. Thuốc nhóm Nitrat chống đau thắt ngực

Một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh mạch vành là các cơn đau thắt ngực. Việc sử dụng Nitrat sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng này. Ngoài ra nitrat còn làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu, hạ huyết áp, đặc biệt có lợi cho người bệnh suy tim, tăng huyết áp. 

Hiện nay, thuốc nhóm Nitrat được bào chế với liều lượng đa dạng ở dưới dạng xịt, viên nang, viên đặt dưới lưỡi, dung dịch truyền như glyceryl trinitrat, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitrat, nitromint. Thông thường, thuốc dạng xịt và viên đặt dưới lưỡi được sử dụng để cắt cơn đau thắt ngực ngay lập tức. Còn thuốc uống được dùng để dự phòng cơn đau thắt ngực.

Tác dụng phụ của Nitrat

  • Giãn mạch máu ngoại vi.
  • Giãn mạch máu não.
  • Dị ứng.
  • Khó thở.
  • Đánh trống ngực.
  • Đau thắt ngực trở nặng.
  • Nhịp thở bất thường.
  • Tay chân tím tái.

Lưu ý khi sử dụng Nitrat

  • Ngồi xuống khi dùng thuốc để tránh hạ huyết áp tư thế.
  • Đối với viên ngậm dưới lưỡi, nên để viên thuốc tan từ từ, không nhai thuốc.
  • Đối với thuốc statin tác dụng chậm phải uống nguyên viên, không bẻ hay nhai thuốc.
  • Chống chỉ định dùng thuốc nhóm Nitrat với người có tiền sử dị ứng với nhóm nitrat, hẹp van động mạch chủ, huyết áp thấp, thiếu máu nặng, phụ nữ mang thai và cho con bú, suy gan, suy thận,…

4. Thuốc chống kết tập tiểu cầu điều trị mạch vành

Các thuốc kháng tập kết tiểu cầu được chỉ định nhằm ngăn ngừa các biến chứng như đau tim, đột quỵ do bệnh mạch vành, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Hiện nay có hai loại thuốc chống tập kết tiểu cầu chính được sử dụng trong điều trị bệnh mạch vành là Acetylsalicylic (Aspirin) và Clopidogrel. Cả 2 loại thuốc kháng tập kết tiểu cầu này được chỉ định dùng sau khi ăn no.

Tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu

  • Xuất huyết tiêu hóa. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của nhóm thuốc chống tập kết tiểu cầu, đặc biệt với người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng.
  • Chảy máu cam.
  • Khó cầm máu hơn khi có vết thương.
  • Nôn, buồn nôn.
  • Tiêu chảy
  • Nổi mẩn do dị ứng.

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu

  • Không dùng thuốc kháng tập kết tiểu cầu cho người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc,
  • Những người có bệnh lý dễ gây chảy máu như loét dạ dày, tá tràng, suy gan, suy thận… cần thận trọng khi sử dụng.
  • Tránh các môn thể thao có thể gây chảy máu hoặc bầm tím trong khi dùng thuốc.
  • Không sử dụng rượu, bia trong thời gian sử dụng thuốc.

 

5. Một số thuốc điều trị bệnh mạch vành khác

Ngoài 4 nhóm thuốc kể trên, người bệnh có thể được kê đơn thêm các loại thuốc khác như:

  • Thuốc chẹn kênh canxi: Tác dụng chính của thuốc với người bệnh mạch vành là giảm đau thắt ngực. Ngoài ra thuốc còn giúp hạ huyết áp, điều trị rối loạn nhịp tim. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần cảnh giác với các tác dụng phụ như nóng bừng mặt, bốc hỏa, nhức đầu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa… Để tránh các tác dụng phụ này, ngoài việc dùng đúng loại, đúng liều bác sĩ kê, bạn cần tránh uống nước bưởi, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia khi dùng thuốc.
  • Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể AT1: Thuốc sẽ giúp hạ huyết áp, cải thiện chức năng tim và giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ. Đại diện điển hình của 2 nhóm thuốc này là Perindopril (Coversyl), Captopril (Capoten), Enalapril (Renitec), Irbesartan (Avapro), Losartan (Cozaar), Valsartan (Diovan). Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp các tác dụng phụ như ho khan, chóng mặt, choáng váng, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, hãy báo cho bác sĩ để được điều chỉnh liều.
  • Thuốc ức chế kênh If, hoạt hóa kênh kali (Nicorandil), ức chế kênh natri (Ranolazine), ức chế 3-KAT (trimetazidine), thuốc tác động lên chuyển hóa (L-carnitine), thuốc ức chế Xanthine Oxidase (Allopurinol): Các thuốc này có tác dụng giảm đau thắt ngực và dự phòng biến cố tim mạch. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi người bệnh đáp ứng kém với các thuốc trên.
  • Thuốc điều trị tiểu đường sulfamid, biguanide, ức chế enzym alpha-glucosidase

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top