✴️ Những nghiên cứu về ứng dụng của Berberine

Berberine là một muối ammonium bậc bốn muối từ nhóm protoberberine của các alkaloid benzylisoquinoline được tìm thấy trong các loài thực vật như Berberis. Berberine thường được tìm thấy trong rễ, thân rễ, thân và vỏ cây. Do màu vàng đậm và mạnh của berberine, các loài Berberis đã được sử dụng để nhuộm len, da và gỗ. 

Berberin là một hợp chất được tìm thấy trong nhiều loài thực vật. Các loại thực vật chứa berberin được sử dụng trong Đông y (TCM), Ayurveda, và các nền y học cổ truyền khác để điều trị nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa và bệnh lý viêm nhiễm. Ở Trung Quốc, berberin được sử dụng để kiểm soát tình trạng tăng cholesterol và bệnh đái tháo đường. Berberin được lưu hành trên thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường máu, cholesterol và triglycerid.

Tại Việt Nam, trong lúc dịch lỵ hoành hành rất nguy hiểm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dược sĩ Phan Quốc Kinh đã đứng ra nhận trọng trách nghiên cứu và bào chế ra thuốc dập dịch lỵ. Sau nhiều tháng mày mò tìm hiểu, thu thập tài liệu về các bài thuốc Nam, nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy hoạt chất có khả năng chống lại vi khuẩn và amip gây ra bệnh lỵ. Loại thuốc điều trị tiêu chảy, kiết lỵ hiệu quả góp phần dập tắt dịch lúc bấy giờ chính là Berberin và vẫn được sản xuất đến tận ngày nay.

 

Thuốc Berberin có tác dụng, công dụng gì?

Tác dụng lâm sàng chính của Berberin là điều trị lỵ và tiêu chảy. Nó có tác động đối với các chủng vi khuẩn Staphyllococcus aureus, Streptocochemolytique, trực trùng ho gà, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, lao…

Ngoài ra, nhiều tác dụng khác của hoạt chất này đã được nghiên cứu và ghi nhận là:

  • Đối với tiêu hóa: tăng tạm thời trương lực và sự co bóp ruột.
  • Đối với hô hấp: liều thấp kích thích hô hấp nhưng liều cao làm cho hô hấp kém đi có thể dẫn tới ngạt do tê liệt trung tâm hô hấp.
  • Đối với tim và tuần hoàn: có tác dụng giảm huyết áp, chống loạn nhịp.
  • Chữa bệnh về gan mật như vàng da, ăn uống khó tiêu.
  • Có tác dụng tích cực trên đường huyết, triglycerid và insulin, cho thấy khả năng điều trị đái tháo đường.

Thuốc Berberin thường được chỉ định điều trị các chứng nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy và kiết lỵ.

Berberin có tác dụng khác như thế nào?

Ở người, một vài bằng chứng hạn chế cho thấy berberin có thể làm giảm mức cholesterol, triglycerid và đường máu. Các tác dụng này đặc biệt được quan tâm vì đây là những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể cải thiện được trong khi một số phương pháp điều trị tiêu chuẩn có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một hội đồng quốc tế gồm nhiều chuyên gia đã đưa ra kết luận rằng berberin có thể hữu ích ở những bệnh nhân có tăng nhẹ cholesterol và không dung nạp statin hoặc mắc hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng berberin không thể thay thế cho biện pháp thay đổi lối sống – là biện pháp cần thiết giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Dữ liệu ban đầu cho thấy berberin có một số lợi ích nhất định trong hội chứng ruột kích thích và cải thiện các chỉ số chuyển hóa và nội tiết ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Trong một nghiên cứu trên những bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu, các bệnh nhân sử dụng berberin kết hợp thay đổi lối sống giảm đáng kể lượng mỡ trong gan và cải thiện các chỉ số chuyển hóa và lipid so với các bệnh nhân chỉ thay đổi lối sống. Ở những bệnh nhân có hội chứng vành cấp sau can thiệp mạch vành qua da, berberin hỗ trợ làm giảm đáng kể các chất chỉ điểm viêm.

 

Mục đích sử dụng

  • Hỗ trợ tim mạch

Một vài nghiên cứu và ý kiến chuyên gia cho rằng berberin có thể giúp giảm một số yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

  • Giảm cholesterol

Một số nghiên cứu và phân tích meta cho thấy lợi ích của berberin, tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu được thiết kế tốt hơn và hiệu quả của thuốc có thể còn hạn chế. Một hội đồng chuyên gia cho rằng berberin có thể hữu ích ở các bệnh nhân có tăng nhẹ cholesterol và không dung nạp statin hoặc những người mắc hội chứng chuyển hóa.

  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Một vài nghiên cứu và phân tích meta cho thấy rằng berberin có thể hữu ích trong điều trị bệnh đái tháo đường, tuy nhiên các nghiên cứu này có chất lượng còn hạn chế và hiện vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định.

Cẩn thận hoặc không sử dụng berberin nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau

  • Đang mang thai hoặc cho con bú: Berberin có thể làm trầm trọng thêm mức độ vàng da ở trẻ sơ sinh hoặc thậm chí gây ra các tình trạng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các rối loạn ở não bộ.
  • Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (tacrolimus, cyclosporin): Berberin có thể làm tăng nồng độ trong máu của các loại thuốc này hoặc gây độc cho thận.
  • Đang dùng các sulfonylure (một nhóm thuốc điều trị đái tháo đường): Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra việc dùng đồng thời với berberin có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của các thuốc này hoặc của cả hai. Chưa có bằng chứng trên lâm sàng khẳng định điều này.
  • Đang dùng các thuốc chuyển hóa qua CYP2D6, 2C9 hoặc 3A4 : Berberin có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc này.

 

Các tác dụng không mong muốn

Mức độ nhẹ: Chán ăn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, phát ban.

Berberin thường dung nạp tốt.

 

Berberin có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Những liệt kê dưới đây không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc có thể gây tương tác và tránh dùng cùng thuốc Berberin là:

  • Thuốc có khả năng cảm ứng CYP3A4
  • Thuốc an thần như nhóm barbiturat, benzodiazepin…
  • Thuốc hạ huyết áp
  • Thuốc điều trị đái tháo đường
  • Thuốc chống đông máu
  • Một số dược liệu như bạch chỉ, tiêu, rễ cây bồ công anh, quế, cải bắp… có thể tăng tiết axit dạ dày, tăng nguy cơ loét, đau dạ dày

​​​​​​​

Có thể bạn quan tâm: Vị thuốc Hoàng liên

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top