✴️ Thuốc CORTICOID và NON- STEROID

Nội dung

Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng nên các loại thuốc kháng viêm thường được các thầy thuốc chỉ định sử dụng khá rộng rãi trong các trường hợp bệnh lý gây đau, thậm chí kể cả các nhà thuốc, người bệnh tự ý sử dụng từ hai đến ba loại giảm đau cùng một lúc. Hiện nay, có 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến đó là thuốc kháng viêm Non- Steroid và corticoid (có steroid). Mặc dù cả hai đều có tác dụng chống viêm tuy nhiên thuốc Non- Steroid không có tác dụng gây nghiện, thuộc nhóm kháng viêm ngoại vi, ít tác dụng phụ. Trong khi đó, nhóm các thuốc corticoid có hiệu quả trong việc điều trị nhiều bệnh nhưng lại có một số tác dụng phụ nguy hiểm cùng những quy định vô cùng  nghiêm ngặt khi sử dụng nếu không có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy chúng ta nên nắm rõ cơ chế tác dụng, tác dụng điều trị cũng như chỉ định của từng nhóm thuốc để biết được khi nào nên dùng Corticoid khi nào nên dùng Non-Steroid (NSAID) nhằm tăng tác dụng đều trị và hạn chế được tác dụng phụ khi dùng thuốc.

A- Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason...) là những thuốc tổng hợp có tính chất và cấu trúc hóa học tương tự cortisol là một hoóc-môn glucocorticoid do vỏ thượng thận tiết ra.

1.Cơ chế tác động:
Trong quá trình viêm, các bạch cầu thoát ra khỏi mạch máu để xâm nhập các mô bị viêm chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virút... Các thuốc kháng viêm corticosteroid ngăn chặn quá trình này do làm giảm số lượng của tế bào lympho, bạch cầu ưa eosin, bạch cầu đơn nhân trong máu ngọai biên, làm giảm sự di chuyển của chúng đến các mô bị viêm và ức chế sự hoạt động của các tế bào lympho và các đại thực bào.

Ngoài ra, các thuốc kháng viêm corticosteroid còn ức chế enzym COX và phospholipase A2 là những enzym tham gia quá trình tổng hợp prostaglandin. 

 

2. Thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau:

  • Dạng viên (prednisolone 5mg, methylprednisolone 4mg, methylprednisolone 16mg)...
  • Dạng hít (fluticason, beclomethason, budesonid)....
  • Dạng xịt mũi (meclonate 150 liều)...
  • Dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, trong khớp, cơ (Solu-Medrol Inj 40mg)...
  • Dạng kem, gel, thuốc mỡ... dùng tại chỗ (hoebeprosone...)


3. Tác dụng điều trị:
Corticoid tham gia vào điều trị các trường hợp viêm, các trường hợp dị ứng, hen phế quản, các bệnh nhiễm trùng về da và mắt. 

Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như tăng sự thèm ăn, tăng cân... thường dừng lại khi ngưng thuốc. Khi sử dụng lâu dài có thể gây rạn da, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng và đục thủy tinh thể...


4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc chứa corticoid:
Điều trị Corticoid trong thời gian ngắn, có thể dùng các loại thuốc khác để thay thế nếu có thể. Trước khi sử dụng Corticoid, người bệnh cần chụp XQ phổi để loại trừ bệnh lao phổi vì thuốc Corticoid có thể khiến bệnh này nặng hơn.

Corticoid có thể gây ra rối loạn tâm thần vì vậy cần thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu thấy người thân mình có dấu hiệu bất thường về hành vi hoặc nhận thức. 

Uống thuốc sau bữa ăn để tránh đau dạ dày.

Khi dùng thuốc Corticoid, người bệnh cần tránh ngồi hoặc nằm quá lâu sẽ dễ bị loãng xương. Để phòng bệnh loãng xương bạn hãy cần bổ sung thêm vitamin D và canxi mỗi ngày trong quá trình điều trị có sử dụng thuốc này.

Hãy kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để xem có bị loãng xương không. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu phản ứng thuốc Corticoid, cần tạm ngưng thuốc và hỏi ý kiến Bác sĩ. 

Để đề phòng bị viêm loét dạ dày khi sử dụng thuốc Corticoid, bạn không nên uống khi bụng đói.

Khi giảm hoặc ngưng dùng Corticoid nếu thấy các dấu hiệu mệt, chóng mặt, tụt huyết áp, rối loạn tiêu hóa,... cần đến ngay cơ sở y tế kịp thời.


B- Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID): NSAID có tác dụng giảm đau, kháng viêm, hạ sốt.
Nhóm thuốc NSAID (Ibuprofen, ketoprofen, meloxicam...) gồm nhiều loại thuốc có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng giống nhau về tác dụng điều trị và tác dụng phụ của thuốc.


1.Cơ chế tác động:
Nhóm thuốc NSAID ức chế sự hoạt động của các enzym cyclooxygenase (COX) tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin (PG). PG là hoạt chất trung gian gây viêm, đau, sốt và có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột...


2. Phân loại:
Tùy theo tác động của thuốc trên COX, các thuốc kháng viêm NSAID được chia làm 2 loại:

  • Thuốc tác động không chọn lọc trên COX (ibuprofen, ketoprofen, piroxicam, naproxen, diclophenac...). Các thuốc này tác động ức chế COX-1, nên khi sử dụng trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa (gây viêm loét và xuất huyết dạ dày-tá tràng).
  • Thuốc tác động ức chế chọn lọc trên COX-2 (meloxicam, celecoxib...). Các thuốc này ít gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa so với các thuốc tác động không chọn lọc trên COX.

 

3.Tác dụng điều trị:
Các thuốc này chủ yếu dùng nhiều trong những trường hợp cơ xương khớp, ít thấy xuất hiện trong các toa hô hấp hay mô mềm.


4.Các dạng dùng của thuốc trên thị trường:
- Dạng viên chủ yếu.
- Dạng tiêm ( Mobic 7,5mg....).
- Dạng bôi ( Voltaren Schmerzgel....).
- Các tác dụng phụ của NSAID có thể từ nhẹ như kích ứng dạ dày đến nghiêm trọng bao gồm cả viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày và ruột.


5.Chống chỉ định tuyệt đối với các bệnh nhân mắc các vấn đề sau:
- Bệnh lý chảy máu không được kiểm soát.
- Tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thuốc.
- Loét dạ dày tá tràng đang tiến triển.
- Suy tế bào gan mức độ vừa đến nặng.
- Phụ nữ có thai ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú.


*** Vậy khi nào nên dùng Corticoid khi nào nên dùng Non-Steroid (NSAID):
- Dùng Corticoid khi bệnh nhân dị ứng với NSAID, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản.
- Các trường hợp dị ứng, viêm hô hấp, da mắt.Corticoid đường khí dung còn dùng để kiểm soát các cơn hen phế quản.

- Dùng NSAID khi bệnh nhân bị viêm khớp có dấu hiệu đau dạ dày, cần cân nhắc sử dụng các thuốc ức chế cox -2. Cần kèm thêm các thuốc PPI để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến dạ dày.


Tài liệu tham khảo:
1. Suckhoedoisong.vn
2. Dược thư quốc gia

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top